Tự cắt 'của quý' thành 3 phần, bệnh không hiếm gặp

28/11/2016 - 17:12
Một bệnh nhân ở Thái Nguyên tự dùng dao cắt đứt dương vật và tinh hoàn của mình được xác định mắc chứng rối loạn cảm xúc. Vậy căn bệnh này nguy hiểm như thế nào, điều trị ra sao, có nhiều người mắc không?
Trong y khoa, rối loạn cảm xúc là một chứng bệnh tâm thần gây ra sự thay đổi, không ổn định về cảm xúc. Bác sĩ chuyên khoa thần kinh Chu Văn Điểu (nguyên cán bộ BV Tâm thần Trung ương 1) cho biết, rối loạn cảm xúc có 3 nhóm là hưng cảm, trầm cảm và rối loạn cảm xúc lưỡng cực.

Rối loạn cảm xúc dạng hưng cảm xảy ra khi hệ thần kinh bị kích thích quá mức, với các biểu hiện thoải mái, dễ chịu tràn đầy năng lượng, nhiều ý tưởng, nói nhiều, hoạt động rất nhiều không biết mệt mỏi. Một số người ăn ít, ngủ ít hoặc rối loạn giấc ngủ, suy nhược cơ thể, lạm dụng rượu, bia, thuốc lá…

Rối loạn cảm xúc dạng trầm cảm, xảy ra do hệ thần kinh bị ức chế. Người bị rối loạn dạng này có các biểu hiện buồn chán không lý do, mệt mỏi, khó chịu trong người, tuyệt vọng, ít nói, không muốn vận động hay nghĩ tới cái chết, thậm chí là ý định tự tử. Dạng thứ 3 là rối loạn cảm xúc dạng lưỡng cực. Bệnh có sự đan xen giữa cả trạng thái hưng cảm và trầm cảm.  
Các bác sĩ BV Việt Đức (Hà Nội) phẫu thuật nối dương vật và tinh hoàn mà bệnh nhân tự cắt do mắc bệnh rối loạn cảm xúc 
Tại Việt Nam, tuy chưa có số liệu thống kê cụ thể nhưng các chuyên gia ước tính, có từ 1% đến 2% dân số mắc chứng rối loạn cảm xúc (từ 900.000 đến 1,8 triệu người). Bệnh không phân biệt giới tính, thường gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thông thường từ 20 đến 40 tuổi. Phụ nữ thường có giai đoạn trầm cảm kéo dài hơn, trong khi đó giai đoạn hưng cảm thường kéo dài hơn ở nam giới. Bệnh này có tính chu kỳ, tái phát suốt đời.

Khi bị rối loạn cảm xúc, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà cân nhắc có nên điều trị hay không. Nhưng đối với rối loạn cảm xúc dạng trầm cảm và lưỡng cực thì bắt buộc phải điều trị. Bác sĩ sẽ căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để chỉ định dùng thuốc thích hợp, như Lamotrigine, Gabapentin…

Ngoài điều trị bằng thuốc, bệnh nhân có thể điều trị bằng tâm lý trị liệu giúp người bệnh nhận thức được hành vi, suy nghĩ tiêu cực của bản thân và nhận biết sớm các dấu hiệu của rối loạn cảm xúc để chủ động thay đổi hoặc có biện pháp khắc phục trước khi cơn toàn phát xảy ra. Do đó, khi có các biểu hiện của rối loạn cảm xúc, người bệnh cần được đưa đi khám và điều trị hợp lý.

Khi được xác định bị rối loạn cảm xúc, bệnh nhân nên sinh hoạt đúng giờ, ăn uống đầy đủ chất dinh dưỡng; dành nhiều thời gian để bản thân thư giãn bằng các hình thức như đi dạo, tập thiền hay yoga. Đồng thời, uống thuốc đầy đủ theo chỉ định của bác sĩ.

Ngoài ra, người nhà cần động viên tinh thần và có thái độ nhẹ nhàng, lắng nghe, chia sẻ, giúp người bệnh thực hiện các hoạt động thể chất như tập các bài thể dục nhẹ nhàng hay chơi thể thao… Đồng thời, tìm hiểu nguyên nhân khiến bệnh nhân bị bệnh để các bác sĩ có hướng điều trị phù hợp.

Trước đó, như PNVN đã đưa tin, nam bệnh nhân T. (ở Thái Nguyên) bị mắc chứng rối loạn cảm xúc đã tự dùng dao cắt đứt dương vật và tinh hoàn của mình. Sau khi được sơ cứu, bệnh nhân đã được chuyển xuống BV Việt Đức. Tại đây, sau 10 tiếng phẫu thuật, kíp mổ của BV Việt Đức đã nối thành công dương vật và tinh hoàn bị đứt lìa cho bệnh nhân. Hiện sức khỏe của bệnh nhân ổn định và được xuất viện. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm