Từ cây chanh trong vườn nhà

An Khê - Ảnh: NVCC
24/07/2021 - 18:36
Từ cây chanh trong vườn nhà

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm (giữa) – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai cùng các thành viên

Hiểu rõ mong muốn khát khao của bà con nông dân lao động là được trồng và tiêu thụ nguyên liệu một cách bền vững, chị Đỗ Thị Mỹ Thơm (sinh 1983 tại Mang Yang, Gia Lai) đã phát triển ý tưởng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm chế biến từ chanh dây vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế.

Ý tưởng từ những khát khao

Nhà chị Thơm cũng vậy, nhìn tiêu chết, trụ bê tông đứng trơ trụi mà rơi nước mắt. Rồi niềm hy vọng lóe lên trong chị khi vào năm 2008 có một hộ gia đình từ Lâm Đồng về đem theo cây chanh dây trồng vài bụi quanh nhà. Chị được tặng một ít quả chanh dây, ăn thấy thơm ngon, quan sát lại thấy cây leo cho trái sai trĩu quả, chị Thơm liền nghĩ đến việc trồng thử.

"Tôi nhờ chú hàng xóm mua giúp vài chục dây về trồng thử trong vườn, sẵn có trụ trồng tiêu mà giờ tiêu đã chết hết, tôi cột dây căng giàn cho chanh leo lên. Không ngờ mới trồng những cây đầu tiên đã cho ra trái sai trĩu cành. Nhà ăn không hết, tôi mang ra chợ bán, lúc đó được 10 nghìn đồng/1kg", chị Thơm kể lại.

Từ cây chanh trong vườn nhà - Ảnh 1.

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm đã phát triển ý tưởng sản xuất và xây dựng thương hiệu sản phẩm chế biến từ chanh dây vươn xa ra thị trường trong nước và quốc tế

Trong trí nhớ của chị Thơm, quê chị là một vùng miền núi rất nghèo, đa phần sống dựa vào cây tiêu, cà phê mà mỗi năm chỉ một mùa, phụ thuộc vào thời tiết, rồi thị trường lên xuống thất thường… Biết bao gia đình lâm vào hoàn cảnh cây tiêu mất giá, mất mùa, nhìn mà đau xót.

Càng trồng, số lượng trái chanh dây bắt đầu nhiều hơn, chị liền mang bán ở chợ tỉnh, nhờ bà con trong vùng bán hộ. Một thời gian sau, khi em gái chị Thơm từ thành phố về thấy quả lạ, ngon, liền đóng túi mang lên Tp.HCM làm quà biếu. Không ngờ loại quả này đã lọt vào "mắt xanh" của giám đốc công ty xuất nhập khẩu cây trái, được đóng những gói đầu tiên "chào hàng" tại siêu thị ở Pháp. Lần "chào hàng" này đã đã giúp cho những trái chanh leo có cơ hội vươn xa hơn.

"Khi đó, giám đốc công ty xuất nhập khẩu hỏi tôi, nếu cần số lượng nhiều hơn thì có làm nổi không? Tôi vừa mừng vừa lo, mừng vì tìm được nguồn sống nhưng lo vì không đủ hàng thì chuỗi cung ứng sẽ không đảm bảo. Tôi bắt đầu lên kế hoạch dài hơi cho quy trình sản xuất chanh dây, dựa vào nguồn đất và nguồn nhân lực từ bà con trong vùng", chị Thơm cho biết.

Thế nhưng, đầu ra đã có, bà con lại không chịu hợp tác vì không tin tưởng có thể mang lại lợi nhuận thay thế cây tiêu, cà phê. Không còn cách nào khác, chị Thơm đành tận dụng tối đa nguồn nhân lực của chính gia đình mình, cho đến khi bà con thấy có lợi nhuận, sang hỏi thăm và bắt đầu trồng theo. Chanh dây có thể tận dụng các trụ tiêu có sẵn nên chi phí đầu tư bỏ ra không đáng kể, bà con có cơ hội vượt qua được khó khăn về kinh tế với sản lượng từ chanh dây.

Từ cây chanh trong vườn nhà - Ảnh 2.

Chanh dây và các sản phẩm của HTX

Sự vào cuộc của bà con giúp cho nguồn đầu ra có thể đủ cung cấp, chị liền gom chanh đưa đến công ty xuất nhập khẩu, bao nhiêu cũng tiêu thụ hết. Nhưng cũng chính từ đây, câu chuyện về chất lượng bắt đầu phát sinh khi thấy lợi nhuận, nhiều người bắt đầu canh tác ẩu hơn, hàng không đủ tiêu chuẩn, trầy xước, sẹo, chín không đều… lại phải mang đi bán ở chợ đầu mối mà không thể xuất ra nước ngoài.

Đến năm 2014, mặt hàng bắt đầu được thương lái Trung Quốc chú ý, bà con trồng nhiều hơn và làm giàu từ loại nông sản này. Tuy nhiên, nguồn giống bắt đầu bị lai tạp, gây khó khăn cho quá trình xuất khẩu.

"Nông sản có giá trị luôn đi chung với cơ hội và sự lợi dụng để mưu lợi riêng của một số cơ sở mở ra cấp giống chanh dây thật giả rối mù. Nhà nông thì thật thà mua nhầm về trồng tiền mất tật mang. Vườn thì ra trái hư hỏng không bán được dẫn đến hàng không đủ tiêu chuẩn, bị ứ đọng, nhiều gia đình phải bỏ đi vì không ai mua hàng kém chất lượng, phế phẩm", chị chia sẻ.

Cần một quy trình chất lượng cho nông sản

Là một người hiểu rõ hơn ai hết về chất lượng của loại cây "bạc tỉ" này, ngay từ đầu chị Thơm đã chọn canh tác hữu cơ và khoanh vùng trồng, không chạy theo thị trường. Chị vừa làm cũng vừa tìm kiếm sự trợ giúp của các ngành để nghiên cứu ra giống chanh đạt chuẩn, cam kết bảo hộ cây giống chuẩn 100% đến khi đơm hoa kết trái hoàn thiện mới chuyển giao cho bà con canh tác. Đồng thời, chị cũng lên kế hoạch lập công ty xuất nhập khẩu để tìm kiếm thêm đầu ra cho vùng nguyên liệu, tạo thị trường cạnh tranh lành mạnh để tránh cho bà con không bị ép giá vì thừa lượng sản phẩm. Sau khi ổn định nguồn cung được truy xuất nguồn gốc rõ ràng, chị mới thở phảo nhẹ nhõm.

Từ cây chanh trong vườn nhà - Ảnh 3.

HTX Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai đã đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nhiều người

Được sự quan tâm của Hội LHPN huyện Mang Yang, chị Thơm được tham gia chương trình khởi nghiệp. Năm 2018, chị mạnh dạn thành lập Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai, chính thức đưa các hộ canh tác đam mê nông nghiệp thực hiện chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực, giải quyết các vấn đề chống tồn đọng, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho từng thành viên. Cùng với đó là tạo đầu ra bền vững, tìm đối tác chiến lược, nâng cao nguồn thu nhập thông qua giá trị đat chuẩn chất lượng cao và tìm nguồn hỗ trợ chi phí sản xuất cho bà con.

Từng bước, chị Thơm đưa sản phẩm chanh dây của mình đạt chuẩn OCOP 4 sao, thâm nhập thị trường xuất khẩu đi các nước.

Hợp tác xã nhận được Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn vào năm 2020, cùng nhiều Bằng khen của Hội LHPN các cấp.

Không dừng lại ở đó, năm 2020, chị Thơm nghiên cứu kế hoạch khai thác đan xen canh, tạo nguồn thu phụ cho những khu vườn kém diện tích và giúp chị em nghèo, phụ nữ, người già neo đơn có thêm nguồn thu phụ lấy ngắn nuôi dài trong thời gian chờ đợi nguồn thu chính từ chanh dây đơm hoa kết trái, xóa tan ý nghĩ chờ cứu viện và nguồn trợ cấp hộ nghèo, phấn đấu vươn lên thoát nghèo. Mô hình xen canh cây sả, ớt, rau xanh và hoa tươi vào vườn chanh dây chủ lực đã được thực hiện thành công khiến bà con yên tâm hơn.

Từ cây chanh trong vườn nhà - Ảnh 4.

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm giới thiệu sản phẩm của HTX đến các triển lãm, sự kiện

Chị cho biết, hiện nay cây sả được bà con trồng xen canh đã cung cấp ra các chợ đầu mối và đang được xuất khẩu sang Nga thông qua công ty xuất nhập khẩu trung gian. Sản phẩm thừa còn lại, hợp tác xã tận dụng mang vào nấu tinh dầu, lá sả được sấy khô làm trà sả thảo mộc và thực hiện quy trình khép kín, xử lý toàn bộ không bỏ sót rác thải ra môi trường. Riêng năm 2020 sản phẩm chanh dây sấy dẻo và trà sả thảo mộc đều đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Theo kế hoạch trong năm 2021, chị Thơm tiếp tục hoàn thành chất lượng thương hiệu cho quả canh dây cấp đông và tinh dầu chanh dây.

Chị Đỗ Thị Mỹ Thơm – Giám đốc Hợp tác xã Nông nghiệp và dịch vụ Hùng Thơm Gia Lai.

Địa chỉ: Thôn Nhơn Tân, xã Đak Taley, huyện Mang Yang, Gia Lai, Việt Nam.

Điện thoại: 0834139499.

Website: nongsanmangyang.com.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm