Tử cung nhân tạo: "Cứu cánh" cho trẻ sinh non?

Jade Nguyễn
21/10/2024 - 21:39
Tử cung nhân tạo: "Cứu cánh" cho trẻ sinh non?

Ảnh minh họa

Em bé lớn lên trong những chiếc kén chứa đầy chất lỏng thay vì bụng mẹ, chuyện nghe có vẻ như phim khoa học viễn tưởng nhưng đây là điều mà các nhà khoa học tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia (ở Pennsylvania, Mỹ) đang nghiên cứu.

Họ đang phát triển một thiết bị gọi là "tử cung nhân tạo", có tên là Extend. Mục đích của Extend không phải để thay thế quá trình mang thai từ khi thụ thai đến khi sinh. Thay vào đó, thiết bị này giúp nâng cao tỷ lệ sống sót của những đứa trẻ sinh non.

Một thai kỳ bình thường kéo dài khoảng 40 tuần và trẻ sinh từ tuần thứ 37 được xem là đủ tháng. Tuy nhiên, đôi khi các biến chứng trong thai kỳ có thể khiến em bé phải chào đời sớm. Nhờ những tiến bộ y học trong vài thập kỷ qua, hầu hết trẻ sinh non đều sống sót và xuất viện với ít biến chứng. Theo dữ liệu mới đây, 30% trẻ sinh non ở tuần thứ 22 có thể sống sót nếu được chăm sóc đặc biệt.

Nâng cao tỷ lệ sống sót của trẻ sinh non

Stephanie Kukora, bác sĩ khoa nhi tại Bệnh viện Nhi Mercy, cho biết trẻ sinh ra ở tuần thứ 27 - 28 thường có sức khỏe tương đối ổn định. Tuy nhiên, những bé sinh vào tuần thứ 22 - 23 phải đối mặt với nhiều thách thức về sức khỏe. Các em bé sinh quá non thường có cân nặng khi sinh chưa đến 900g, các cơ quan chưa phát triển đầy đủ và cần được chăm sóc y tế đặc biệt. Những đứa trẻ này rất dễ gặp phải các biến chứng nghiêm trọng trong thời gian ngắn, như viêm ruột hoại tử, nhiễm trùng máu và sốc nhiễm khuẩn. Về lâu dài, các vấn đề sức khỏe có thể bao gồm bại não, khuyết tật trí tuệ, các vấn đề về thị lực và thính lực và hen suyễn.

Tử cung nhân tạo: “Cứu cánh” cho trẻ  sinh non?- Ảnh 2.

Ảnh minh họa

Ý tưởng đằng sau tử cung và nhau thai nhân tạo là tạo ra một môi trường để thai nhi có thể phát triển mà không cần dựa vào phổi. Ngay cả công nghệ được thiết kế để cứu mạng trẻ sơ sinh - hỗ trợ oxy và thông khí - cũng có thể gây hại cho lá phổi mỏng manh của trẻ. George Mychaliska, bác sĩ tại Bệnh viện nhi CS Mott thuộc Đại học Michigan, giải thích rằng ở tuổi thai sớm, phổi của trẻ sơ sinh vẫn đang phát triển và chứa đầy dịch phổi. Khi trẻ sinh non, bác sĩ sẽ đặt ống nội khí quản để đưa không khí và oxy vào phổi ở áp suất cao. Điều này có thể gây tổn thương phổi.

Tử cung nhân tạo: “Cứu cánh” cho trẻ  sinh non?- Ảnh 3.

Ảnh minh họa

Hiện có 3 nhóm chính đang phát triển công nghệ tử cung nhân tạo dựa trên phương pháp ECMO (phương pháp điều trị sử dụng tuần hoàn ngoài cơ thể để hỗ trợ chức năng sống cho người bệnh). Nhóm nhà khoa học tại Bệnh viện Nhi đồng Philadelphia là một trong những nhóm đó. Dưới sự dẫn dắt của Alan Flake, nhóm đang chế tạo kén chứa chất lỏng mô phỏng nước ối, kết nối dây rốn của em bé với thiết bị tương tự ECMO. Máu được bơm xung quanh hệ thống bằng tim thai nhi, tương tự như cách diễn ra trong tử cung. Tử cung nhân tạo của nhóm đã giúp những chú cừu sinh non sống sót và phát triển trong 4 tuần. Gần đây, nhóm đã nộp đơn xin Cục quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) cho phép bắt đầu thử nghiệm thiết bị Extend trên người.

Các vấn đề đạo đức liên quan

Những cân nhắc đạo đức liên quan đến công nghệ tử cung nhân tạo cũng đang được xem xét. Các thiết bị như Extend yêu cầu gắn ống thông vào dây rốn. Điều này đòi hỏi phải chuyển em bé từ bụng mẹ sang thiết bị ngay lập tức và thực hiện mổ lấy thai sớm. Mổ lấy thai sớm có thể làm tăng rủi ro so với sinh thường và ảnh hưởng đến các lần mang thai trong tương lai.

Tử cung nhân tạo: “Cứu cánh” cho trẻ  sinh non?- Ảnh 4.

Ảnh minh họa

Cũng có những quan ngại cho rằng việc sử dụng các công nghệ mới, chưa được kiểm chứng như hệ thống Extend, có thể cản trở việc đánh giá hiệu quả của các phương pháp thông thường. Theo Mychaliska, quyết định ai nên áp dụng hệ thống Extend là một thách thức vì chỉ có thể dựa vào tuổi thai. Và vì em bé chưa chào đời nên các bác sĩ không có thông tin chi tiết về tình trạng của bé. Điều này có thể khiến những em bé có thể phát triển tốt bằng phương pháp thông thường phải đối mặt với các rủi ro chưa biết từ công nghệ mới. Tuy nhiên, ông tin rằng Extend sẽ đặc biệt giúp ích cho trẻ sinh non ở tuần 22 - 23, những đứa trẻ phải đối mặt với tỷ lệ tử vong và bệnh tật cao hoặc rất khó có kết quả tốt khi sử dụng phương pháp điều trị thông thường.

Mychaliska nói: "Tôi nghĩ công nghệ này sẽ cách mạng hóa vấn đề sinh non. Extend sẽ bổ sung vào thực hành lâm sàng". Ông cũng nhấn mạnh rằng cần đánh giá cẩn thận những rủi ro tiềm ẩn trong các thử nghiệm an toàn ban đầu. Ông đề xuất ứng dụng đầu tiên của công nghệ này nên tập trung vào những em bé có cơ hội sống sót kém, sau đó mở rộng ra nhiều trẻ sinh non hơn khi đã xác định được rủi ro và hiệu quả.

Nguồn: BBC
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm