"Mẹ tôi kể rằng bà đã khóc rất nhiều vì không muốn kết hôn với cha tôi. Lúc đó, bà đã có người yêu nhưng không thành đôi vì đã bị bắt cóc làm cô dâu", chị Gulzat kể lại.
Ở gia đình nhà chồng, họ hàng luôn miệng nói với mẹ chị rằng kết hôn với người đàn ông này là số phận của bà. Nếu rời đi, cuộc đời bà sẽ đầy những nỗi bất hạnh. Vì mọi cô gái đều phải nghe lời người lớn, bà đã nhẫn nhịn ở lại, sinh con đẻ cái nhưng không tìm thấy niềm vui trong cuộc hôn nhân mà bà chẳng hề mong muốn.
Trái với người mẹ nhẫn nhục, chị gái của Gulzat đã dũng cảm ly hôn sau 10 năm chung sống thay vì chịu đựng cuộc hôn nhân đầy xung đột.
Bạn thân của chị Gulzat cũng là nạn nhân của hủ tục. Cô bị chính người mà mình coi là bạn bè bắt cóc. "Cướp dâu phổ biến ở các vùng nông thôn nhưng vẫn diễn ra trên khắp cả nước. Nhiều phụ nữ trở thành nạn nhân của tình trạng bạo lực Thật may mắn khi tôi đã thoát khỏi tình cảnh đó. Tôi đã có một tình yêu đẹp đẽ rồi kết hôn", chị Gulzat nói.
Dù đã bị cấm từ năm 1994, phong tục này vẫn phổ biến và là nỗi ám ảnh của nhiều phụ nữ ở đất nước Trung Á này. Các cô gái bị bắt cóc thường bị buộc đội một chiếc khăn trắng, ám chỉ họ sẵn sàng trở thành cô dâu. Người Kyrgyzstan quan niệm một khi người con gái bước chân vào nhà của kẻ bắt mình và đội khăn trắng, họ không còn trong sạch và sẽ làm gia đình xấu hổ nếu trở về nhà. Đa phần phụ nữ trở thành vợ của người bắt mình. Theo thống kê, khoảng 84% phụ nữ bị bắt đồng ý kết hôn. Chú rể sẽ tới nhà bố mẹ cô dâu, tuyên bố anh ta đã bắt cóc con gái họ và đưa một khoản tiền thách cưới cho nhà gái. Đám cưới sẽ diễn ra không lâu sau đó.
Theo Quỹ Dân số Liên hợp quốc, nếu từ chối, cô gái có thể bị hãm hiếp và ép buộc làm đám cưới. Các tổ chức nhân quyền và chính phủ Kyrgyzstan đưa ra nhiều biện pháp bảo vệ phụ nữ khỏi hủ tục này. Tuy nhiên, chính suy nghĩ và quan niệm về "chiếc khăn trắng" khiến nhiều cô gái không có lối thoát.
Nghiên cứu mới nhất được đăng trên tạp chí khoa học quốc tế Demography cho thấy khoảng 1/5 phụ nữ và trẻ em gái ở Kyrgyzstan bị bắt cóc để kết hôn. Nghiên cứu cho biết những đứa trẻ được các cô dâu bị bắt cóc sinh ra cũng nhẹ cân hơn những đứa trẻ được sinh trong các cuộc hôn nhân bình thường từ 80 đến 190g. Giáo sư kinh tế Charles Becker, đồng tác giả nghiên cứu, cho biết thể chất nhỏ bé của trẻ có thể là do chấn thương tâm lý mà người mẹ phải chịu đựng từ hôn nhân.
Theo tổ chức từ thiện toàn cầu Girls Not Brides (Trẻ em gái không kết hôn), gần 10%, tương đương với 15 triệu thiếu nữ ở Kyrgyzstan kết hôn trước 18 tuổi. Trung tâm hỗ trợ phụ nữ ở Kyrgyzstan cho biết mặc dù nước này đã có luật cấm cướp vợ từ lâu và cấm tảo hôn năm 2016 nhưng có đến 12.000 phụ nữ và trẻ em gái vẫn bị bắt cóc để kết hôn mỗi năm.
Các nhà nghiên cứu từ Đại học Duke của Mỹ cho biết tục bắt cóc cô dâu cũng xảy ra ở các nước như Armenia, Ethiopia, Kazakhstan, Nam Phi và đặc biệt phổ biến ở các vùng nông thôn của Trung Á dù là bất hợp pháp.