Tương lai người bệnh có thể tự chữa ung thư

29/12/2018 - 08:12
Các nhà khoa học Anh tin tưởng rằng họ đã tìm ra một phương pháp điều trị ung thư đột phá bằng cách sử dụng tế bào miễn dịch từ người lạ. Nếu thành công, phương pháp này có thể cứu sống hàng triệu người trong tương lai.

Một nhóm các nhà nghiên cứu tại Học viện Crick Francis ở London, Anh đang muốn thành lập các ngân hàng miễn dịch đầu tiên, nơi sẽ lưu trữ các tế bào miễn dịch. Ngân hàng miễn dịch này sẽ cho phép các bác sĩ chữa ung thư đặt hàng một loạt các tế bào miễn dịch chuyển đến các phòng khám trong vài giờ để truyền vào bệnh nhân sau đó.

Khi vào bên trong cơ thể, các tế bào miễn dịch này sẽ hợp lực với hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân để chống lại các khối u bằng hoạt động tự nhiên của nó.

tuong-lai-nguoi-benh-co-the-tu-chua-ung-thu-1.jpg
Các nhà khoa học Anh mong muốn tạo ra ngân hàng miễn dịch chứa các tế bào miễn dịch có khả năng giúp bệnh nhân ung thư tự chữa bệnh.

Giáo sư Adrian Hayday, trưởng nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm giám sát miễn dịch tại Học viện Crick Francis, chia sẻ với The Telegraph rằng: “Chúng ta chưa thành lập được ngân hàng miễn dịch này nhưng đó là những gì chúng tôi đang cố gắng thực hiện. Chúng tôi sẽ thử mọi khả năng để có thể thành lập được ngân hàng miễn dịch di động như thế này”.

Giáo sư Hayday còn nói thêm rằng thậm chí chỉ mới vài năm trước, còn rất ít niềm tin rằng ung thư có thể được khắc phục bằng bất kỳ cách nào khác ngoài việc tấn công trực diện với căn bệnh này. Nhưng hiện tại, một lĩnh vực nghiên cứu và điều trị thử nghiệm đang phát triển tập trung vào việc cải thiện cơ thể bệnh nhân để họ có thể tự chống lại bệnh ung thư.

tuong-lai-nguoi-benh-co-the-tu-chua-ung-thu.jpg
Giáo sư Adrian Hayday, trưởng nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm giám sát miễn dịch tại Học viện Crick Francis.

Các chuyên gia cho biết, điều này có thể sẽ hiệu quả hơn các phương pháp điều trị truyền thống vì cơ thể có thể thích nghi nhanh hơn các điều kiện y tế.

Giáo sư Hayday mô tả phương pháp trên là “triệt để” khi các tế bào miễn dịch không làm gì khác hơn là tăng cường hệ thống miễn dịch của bệnh nhân.

Theo các nhà nghiên cứu đến từ Anh, bệnh nhân ung thư có thể bắt đầu được truyền tế bào miễn dịch vào đầu năm tới.

Giáo sư Charlie Swanton, thuộc Phòng thí nghiệm tiến hóa ung thư và bất ổn định gen của Học viện Crick khẳng định, phương pháp chữa ung thư bằng tế bào miễn dịch là “tương lai vô cùng tươi sáng”. “Sử dụng các tế bào miễn dịch của cơ thể để nhắm vào khối u là một sự đột phá vì các khối u phát triển quá nhanh đến nỗi một công ty dược phẩm không có cách nào có thể theo kịp nó. Nhưng hệ thống miễn dịch thì khác khi nó đã phát triển trong hơn 4 tỷ năm để làm việc đó”.

Tuy nhiên, cho đến bây giờ, ý tưởng tiêm tế bào miễn dịch của người khác vào bệnh nhân ung thư vẫn bị coi là một mối đe dọa bởi cơ thể rất có thể sẽ từ chối những tế bào miễn dịch này.

Nhưng trong một bước đột phá về y học vào năm nay, các nhà khoa học phát hiện ra rằng, tế bào miễn dịch có thể tồn tại tốt trong cơ thể và không giống như các tế bào khác. Nhóm nghiên cứu từ Học viện Crick hiện đang thấy kết quả khá ấn tượng, đặc biệt là việc các tế bào miễn dịch không bị cơ thể từ chối.

Thuốc miễn dịch giúp hệ thống miễn dịch làm việc chăm chỉ hơn để tìm và tiêu diệt các tế bào ung thư. Nhưng nó cũng có thể gây ra tác dụng phụ vì chúng cũng tấn công các tế bào khỏe mạnh.

Phương pháp điều trị bằng tế bào miễn dịch này được cho là phương pháp tự trị tối ưu vì nó sử dụng hệ thống miễn dịch của chính bệnh nhân và không dựa vào thuốc.

Ở Anh và xứ Wales, tỷ lệ sống sót sau 10 năm hoặc lâu hơn của bệnh nhân ung thư là 50%, theo Cancer Research UK. Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu tại Học viện Crick muốn làm cho con số đó tăng lên thành 75% trong 15 năm tới và họ tuyên bố những tiến bộ trong công nghệ sẽ biến điều đó thành hiện thực.

Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, tại nước này, tỷ lệ sống sót sau 5 năm đối với tất cả các loại ung thư cũng đang được cải thiện đáng kể, cụ thể là 69% từ năm 2007 đến 2013.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm