pnvnonline@phunuvietnam.vn
Tuyển sinh trường nghề: Nơi chật vật, nơi vượt chỉ tiêu
Ảnh minh họa: ST
"Xông xênh" vượt chỉ tiêu
Trong khi một số trường đại học vẫn đang khó khăn để tuyển đủ đầu vào, đặc biệt giữa bối cảnh dịch bệnh Covid-19, thì đến thời điểm này, một số trường nghề đã hoàn tất công tác tuyển sinh. Với lợi thế học nghề gắn với nhu cầu thị trường, được tạo điều kiện kết nối đầu ra, cơ hội việc làm lớn, không ít thí sinh vẫn lựa chọn nhiều ngành nghề "hot" mà thị trường đang cần để nộp đơn ứng tuyển.
Theo lãnh đạo trường CĐ Cơ điện và xây dựng Bắc Ninh, năm học 2020-2021, trường đã tuyển vượt chỉ tiêu tuyển sinh. Theo đó, hiện trường đã tuyển 1.100 chỉ tiêu – vượt 100 em so với chỉ tiêu đề ra. Trong số học sinh đăng ký học nghề tại trường có 1/3 là học sinh (hơn 300 em) có điểm đầu vào ở mức khá cao, từ 15-26 điểm, đặc biệt 8 em có điểm từ thi tốt nghiệp THPT 24-26 điểm.
Cách thức hút nguồn tuyển của trường là tư vấn kỹ, hướng người học tới các ngành học chất lượng cao như: Điện tử, cơ khí, cơ điện tử. Đặc biệt, học những ngành này học sinh có thể được ký cam kết giải quyết việc làm sau khi tốt nghiệp.
Tuyển sinh thành công trong năm học này cũng là câu chuyện vui đầu năm của trường CĐ Cơ điện Hà Nội. Ông Đồng Văn Ngọc - Hiệu trưởng nhà trường - thông tin, trường có nhiều thí sinh ứng tuyển đạt từ 18 điểm trở lên. Dù bối cảnh Covid-19 song số lượng thí sinh đăng ký nhập học hệ trung cấp, cao đẳng của nhà trường dịp này là hơn 600 học sinh, sinh viên, tăng 3 lần so với cùng kỳ năm trước, nâng tổng số học sinh, sinh viên đã tuyển sinh từ đầu năm đến nay lên hơn 1.500 người, cơ bản đạt kế hoạch đề ra.
Còn bà Phạm Thị Hường - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề công nghiệp Hà Nội - cho biết, nhiều học sinh theo học các ngành học công nghệ cao của trường được học nghề theo các đơn đặt hàng của các doanh nghiệp lớn, có thương hiệu quốc tế. "Chúng tôi đào tạo 3 ngành công nghệ cao và đã kết hợp với Vingroup đào tạo ngành công nghệ ôtô. Thời gian đào tạo được chia đều ra tại cả doanh nghiệp và tại trường. Học sinh tốt nghiệp sẽ được làm việc tại doanh nghiệp" - bà Hường thông tin.
Nhiều nơi vẫn chật vật
Tuy nhiên, đó mới là số ít, thực tế, vẫn còn rất nhiều trường chật vật tìm kiếm nguồn tuyển.
Theo Sở LĐTBXH TP.Hà Nội, năm 2020, 21 trường trung cấp, cao đẳng công lập thuộc TP Hà Nội đặt mục tiêu tuyển gần 19.000 chỉ tiêu cho cả hai hệ. Tuy nhiên, đến thời điểm này, các trường chỉ tuyển được hơn 2.500 người học trình độ cao đẳng (đạt 31,5% kế hoạch), 6.520 người học trình độ trung cấp (đạt 60,6%)...
Tính chung, kết quả tuyển sinh của 21 trường nghề công lập từ đầu năm 2020 đến nay mới đạt 48,2% chỉ tiêu. Theo lý giải của Sở LĐTBXH thành phố, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng đến nhiều mặt của đời sống xã hội, trong đó có hoạt động giáo dục nghề nghiệp. Công tác phân luồng, định hướng nghề nghiệp cho học sinh cũng chưa nhận được sự quan tâm đúng mức. Việc gắn kết "bốn nhà" là nhà nước - nhà trường - doanh nghiệp - gia đình nhằm bảo đảm đầu ra cho người học còn thiếu cơ chế ràng buộc nên chưa có nhiều doanh nghiệp "mặn mà" tham gia.
Theo thống kê, trong số trên 900.000 học sinh dự thi thi tốt nghiệp THPT năm 2020, có gần 30% không có nguyện vọng vào đại học. Để hoàn thành chỉ tiêu kế hoạch tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp đã đề ra là 2.260.000 người.
Để hút đầu vào, các trường nghề trực tiếp đến các trường THCS, THPT để tư vấn ngành nghề đang đào tạo, cơ hội việc làm và mức lương; đồng thời đẩy mạnh tư vấn trực tuyến, giới thiệu qua kênh mạng xã hội... Nhiều trường cũng đề xuất mở những ngành nghề đào tạo mới để đáp ứng sự chuyển dịch thị trường lao động do dịch Covid-19 và cách mạng công nghiệp 4.0.
Về điều này, theo TS Hoàng Ngọc Vinh - nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ GD&ĐT) - có 3 "lối ra" cần thực hiện, trong đó thứ nhất là các trường cần đào tạo đội ngũ có kỹ năng và học vấn mà doanh nghiệp đang cần, từ đó kết nối đầu ra tốt nhất cho người học nhằm rộng mở cơ hội việc làm.
Thứ hai, cần đào tạo kỹ năng gắn với nhu cầu thị trường lao động, trong đó chất lượng là yếu tố then chốt để thu hút người học và đầu ra là việc làm có sẵn. Và thứ ba, rất cần tư nhân hóa đào tạo nghề, để doanh nghiệp đào tạo kỹ năng, còn Nhà nước có vai trò ban hành tiêu chuẩn, đánh giá kỹ năng và hỗ trợ cơ chế cho doanh nghiệp.
"Trong bối cảnh khoa học công nghệ thay đổi, Nhà nước càng "ôm" mãi trường nghề "quốc doanh" thì càng làm cho các trường thụ động, ỷ lại vẫn có thể sống qua ngày. Tư nhân hóa giáo dục nghề nghiệp là con đường ngắn nhất, hiệu quả để có đội ngũ công nhân, kỹ thuật viên công nghệ cao" - TS Hoàng Ngọc Vinh thẳng thắn.