Học nghề sau THCS: Hệ lụy khi bỏ học giữa chừng mà không được đào tạo nghề

11/05/2018 - 15:32
Nhiều phụ huynh tuy biết năng lực của con em mình khó có thể đỗ vào trường THPT nhưng lại "mù tịt" thông tin, không biết cho con đi đâu, làm gì nếu không đỗ vào lớp 10. Trong khi đó, tỉ lệ học sinh tham gia học nghề lại thấp hơn nhiều so với mục tiêu Nhà nước đề ra.

Em Nguyễn Văn H. đang cải tạo tại trường Giáo dưỡng Số 4 (Long Thành, Đồng Nai). Con đường học vấn của em đành phải dừng giữa chừng ở tuổi 16 vì phạm tội ăn cắp tài sản nhiều lần. Em phải cải tạo ở trường giáo dưỡng 2 năm.

“Ba mẹ em ly hôn và em sống với bà, em biết hoàn cảnh của mình thua thiệt hơn so với các bạn nên lúc đó em hay hành động thiếu suy nghĩ. Bây giờ vào đây em mới thấy quý việc được đi học” - em H. bộc bạch.

Không sa ngã như H. nhưng em Nguyễn Duy Bình (SN 1995, công nhân tại KCN Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương) cũng hối hận vì việc bỏ học giữa chừng. Sau khi học hết THCS, Bình theo anh chị vào Bình Dương để học nghề tại trường Cao đẳng nghề Việt Nam - Singapore (thị xã Thuận An, tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, vì mê chơi game nên em thường xuyên trốn học.

Việc học của em trở nên dang dở. Giờ đây, sau nhiều năm đi làm công nhân bao bì với đồng lương eo hẹp khiến Bình cảm thấy chán nản. “Ước gì ngày xưa em đi học chăm chỉ để lấy bằng nghề và bằng văn hóa thì giờ đây em có thể tự ra làm chủ. Em muốn mở một cửa hàng mua bán điện thoại cũ và sửa điện thoại nhưng em không qua trường lớp nào cả. Mà bây giờ đi học lại thì thấy ngại” Bình tâm sự.

nghe.jpg
Học nghề tại Trường trung cấp Lê Thị Riêng, TPHCM. Ảnh minh họa
 

Không chỉ riêng em H và Bình, còn có rất nhiều trường hợp đang đi vào vào “ngõ cụt” khi bỏ học ở tuổi vị thành niên. Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh An Giang, năm học 2016-2017, số học sinh tốt nghiệp THCS ở các trường trên địa bàn tỉnh là 23.382 em, trong đó tiếp tục học lên lớp 10 THPT là 18.439 học sinh; lựa chọn lớp 10 hệ giáo dục thường xuyên là 776 học sinh; 1.349 học sinh chọn học nghề và trung cấp chuyên nghiệp.

Tính ra, có gần 3.000 học sinh tốt nghiệp THCS không học lên lớp 10, không đăng ký học nghề mà trực tiếp tham gia lao động sớm ở TP.HCM, các tỉnh miền Đông Nam bộ... hoặc ở nhà phụ tiếp gia đình.

Thiếu thông tin định hướng chọn nghề

Điều mà phụ huynh băn khoăn nhất là nếu con không đỗ vào lớp 10 thì sẽ đi đâu, làm gì? Nhất là ở các vùng nông thôn, vấn đề về học nghề hiện nay vẫn chưa được nhiều người biết tới, trong khi có rất nhiều trường hợp cần định hướng ngay sau bậc THCS.

Trung tâm Dự báo Nhu cầu Nhân lực và Thông tin thị trường lao động TPHCM cho biết, mỗi năm cả nước có hàng trăm nghìn thanh niên đến tuổi lao động chưa được đào tạo nghề. Đa phần trong số đó là học sinh tốt nghiệp THCS không vào được THPT, học sinh bỏ học THPT, thi trượt tốt nghiệp lớp 12, trượt cao đẳng và đại học...

Cũng theo Trung tâm này, hướng đi hiệu quả nhất về mặt kinh tế là số học sinh này theo hướng học nghề. Nhưng trên thực tế những năm qua, học sinh đi học nghề chiếm tỷ lệ rất thấp, chỉ 5-6% so với mục tiêu đề ra là 30%.

TS Nguyễn Hùng Cường, Hiệu trưởng trường Trung cấp Lê Thị Riêng (thuộc Trung ương Hội LHPN Việt Nam, đóng trên địa bàn TPHCM) cho biết:  “Đến nay chưa có nhiều nghiên cứu thực hiện với việc chọn ngành nghề của các em sau tốt nghiệp THCS nhưng dưới góc độ đánh giá định tính thì việc lựa chọn ngành nghề có yếu tố quyết định từ sự tư vấn của ngôi trường các em đang học, trực tiếp là giáo viên chủ nhiệm và cả cha mẹ học sinh. Việc thực hiện các hoạt động tư vấn hướng nghiệp của các trường nghề cũng có tác động nhưng không bằng tác động của 2 nhóm đối tượng trên”. 

Thực tế cho thấy, nhiều phụ huynh khu vực nông thôn cũng đang thiếu thông tin về học nghề hoặc họ chưa quan tâm đến việc học thì làm sao tư vấn cho con em mình được.

Chị Phan Thị Hoa, phụ huynh học sinh trường THCS Huỳnh Thúc Kháng (huyện Thăng Bình, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: “Công việc đồng áng chiếm trọn cả thời gian trong ngày, vợ chồng tôi chỉ biết đi làm kiếm tiền cho con đi học thôi, còn học tới đâu thì tùy nó. Nếu con muốn sau này đổi đời thì lo mà học, còn không thì đủ tuổi đi làm công nhân”.

Ở cấp độ vĩ mô, hiện nay tư vấn hướng nghiệp là một công đoạn quan trọng trong công tác hướng nghiệp, là hoạt động giúp cho học sinh - sinh viên -người lao động có điều kiện xác định nghề nghiệp (định hướng hoặc tìm chọn chuyển nghề) trên cơ sở đánh giá năng lực bản thân và nắm được định hướng phát triển kinh tế xã hội cũng như nhu cầu nhân lực của địa phương, đất nước trong từng thời kỳ.

Tuy nhiên, hiện nay, công tác hướng nghiệp còn quá nhiều bất cập khi mỗi nơi làm một kiểu, thiếu lực lượng hướng nghiệp viên, thiếu tài liệu...   

Bài sau: Tại sao nhiều người e dè cho con học nghề?

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm