U50 nuôi cấy đông trùng hạ thảo Made in Vietnam

Lê Hoa
12/12/2023 - 18:15
U50 nuôi cấy đông trùng hạ thảo Made in Vietnam

Cơ sở nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của chị Đào Thị Hà

Vượt qua nhiều khó khăn, thất bại, chị Đào Thị Hà (tỉnh Nam Định) đã ghi dấu thành công và đưa sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo chinh phục nhiều thị trường khó tính.

Bén duyên với nấm đông trùng hạ thảo vì lý do sức khỏe, năm 2016, chị Đào Thị Hà (phường Lộc Hòa, TP. Nam Định) đã quyết tâm mở cơ sở sản xuất nuôi trồng nấm ngay tại gia đình mình. Từ cơ sở ban đầu là một phòng nuôi chưa tới 10m2, chị đã đi học kỹ thuật nuôi trồng và bắt tay vào xây dựng xưởng nuôi trồng, sản xuất đông trùng hạ thảo trên 100m2 với quy trình khép kín đảm bảo các yếu tố để cây nấm thích nghi và phát triển.

Chị Đào Thị Hà nhớ lại những ngày khởi đầu của mình: "Hai mẻ nấm đầu tiên rất thành công nhưng không hiểu sao các mẻ sau nấm không lên, lên không đều hoặc bị mốc. Tôi đã bỏ đi hàng vài chục mẻ nấm, thất thoát hàng trăm triệu đồng vì nấm hỏng. Có những thời điểm tôi đã nghĩ đến bỏ cuộc". Nhưng niềm tin của khách hàng về sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo tốt cho sức khỏe đã tiếp thêm động lực để chị làm lại từ đầu.

Từ Nam Định, chị xuống Lai Châu học nghề, bắt đầu từ những bước cơ bản nhất để nắm vững quy trình sản xuất. Không chỉ vậy, chị còn dành nhiều thời gian để đọc thêm sách báo, xem ti vi, lên mạng đọc tài liệu về cách ươm trồng, chế biến nấm đông trùng hạ thảo. Kinh nghiệm được tích lũy dày thêm, những mẻ nấm tiếp theo đã đảm bảo các yếu tố kỹ thuật và bắt đầu chinh phục thị trường. 

U50 nuôi cấy đông trùng hạ thảo Made in VietNam- Ảnh 1.

Cơ sở nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của chị Đào Thị Hà đã được cấp phép là cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh và đạt sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Nam Định

Hiện nay, sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo của chị Đào Thị Hà khá đa dạng về chủng loại. Chị cung cấp ra thị trường nấm đông trùng hạ thảo nguyên khối, nấm đông trùng hạ thảo sợi tươi, nấm đông trùng hạ thảo sấy thăng hoa, đông trùng hạ thảo ký chủ trên con nhộng tằm, đế đông trùng hạ thảo ngâm rượu, bột đông trùng hạ thảo… Sản phẩm có mặt tại các cửa hàng, hội chợ, được xuất bán tại nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước, thậm chí sang cả nước ngoài.

Hiện cơ sở của chị Hà đã được cấp phép là cơ sở đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm của tỉnh và đạt sản phẩm OCOP 3 sao của tỉnh Nam Định. Không chỉ mang lại thu nhập cho gia đình, cơ sở nuôi trồng nấm đông trùng hạ thảo của chị Đào Thị Hà đã tạo công ăn việc làm cho 3 lao động thường xuyên và 4 lao động thời vụ với mức lương 160.000 - 200.000 đồng/người/ngày.

"Có được những kết quả như trên, ngoài sự cố gắng của bản thân và gia đình, tôi luôn đón nhận được sự quan tâm giúp đỡ của các ban ngành đoàn thể và địa phương, sự quan tâm tạo điều kiện của các cơ quan, đoàn thể, trong đó có Hội LHPN thành phố và Hội LHPN tỉnh Nam Định", chị Hà chia sẻ.

U50 nuôi cấy đông trùng hạ thảo Made in VietNam- Ảnh 2.

Chị Đào Thị Hà giới thiệu sản phẩm cho khách hàng

Bà Nguyễn Thị Minh Hà, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Nam Định cho biết: Thời gian qua, các cấp Hội LHPN trong tỉnh đã triển khai nhiều hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh, liên kết, phát triển mạng lưới và xúc tiến thương mại cho chị em. Hội LHPN các cấp đã phối hợp với ngành chức năng tổ chức hàng trăm lớp tập huấn kiến thức cho hàng nghìn lượt học viên. Đồng thời, hỗ trợ, tạo điều kiện cho chị em tham gia các Hội chợ, hội thảo liên kết giới thiệu, quảng bá sản phẩm… Qua đó, thúc đẩy hoạt động thương mại trong và ngoài nước; kết nối các doanh nhân, doanh nghiệp với hoạt động sản xuất kinh doanh của hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" được Hội LHPN các cấp triển khai tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ, thành viên gia đình, đồng thời chú trọng vào các chương trình hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ các sản phẩm hàng Việt Nam chất lượng cao.

Ông Đặng Ngọc Rung, Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Nam Định chia sẻ thêm: Phụ nữ Nam Định có nhiều lợi thế phát triển kinh tế trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nông sản, thực phẩm, dệt may, sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, nhất là phát triển các sản phẩm tinh hoa hàng Việt Nam gắn với thế mạnh, lợi thế về vùng nguyên liệu địa phương. Từ ý tưởng, chị em phụ nữ đã mạnh dạn vươn lên đổi mới, sáng tạo ra các sản phẩm, dịch vụ phù hợp với thị hiếu của người tiêu dùng trong thời kỳ hội nhập và phát triển. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm