Uống rượu gây ung thư theo 5 cách khác nhau

Khắc Nam
08/05/2025 - 11:38
Uống rượu gây ung thư theo 5 cách khác nhau

Từ lâu khoa học đã phát hiện thấy rượu làm tăng nhiều căn bệnh nan y, trong đó có ung thư - Nguồn: Express.co.uk

Nghiên cứu mới đây của Trường Y và Sức khỏe Cộng đồng thuộc ĐH Wisconsin (Mỹ) cho thấy, rượu làm tăng ung thư thông qua ít nhất năm cơ chế khác nhau. Ung thư tăng lên khi lượng rượu tiêu thụ càng nhiều và rõ hơn ở nhóm có yếu tố di truyền.

Lý do đồ uống có cồn làm tăng ung thư là do cồn chứa ethanol, hay còn gọi là rượu etylic- đây là thủ phạm chính gây ra ung thư. Ethanol có thể phá vỡ quá trình methyl hóa DNA, một quá trình trong đó các phân tử bám vào các phân tử DNA và do đó xác định xem một gene có hoạt động hay không. 

Có những gen chịu trách nhiệm ngăn chặn sự phát triển của khối u và nghiên cứu cho thấy quá trình methyl hóa một gene như vậy có hiệu quả "tắt nó đi", dẫn đến sự phát triển của khối u. Ethanol vẫn là vấn đề ngay cả khi cơ thể bắt đầu phân hủy nó. Ban đầu, một loại enzyme biến nó thành một chất hóa học gọi là acetaldehyde.

- Cơ chế thứ nhất: Cả ethanol và acetaldehyde đều gây ung thư và khi chúng chạm vào niêm mạc miệng, cổ họng hoặc thực quản, thì nguy cơ gây ung thư càng tăng.

- Cơ chế thứ hai: Giống như etanol, acetaldehyde cũng có thể phá vỡ quá trình metyl hóa DNA. Ngoài ra, acetaldehyde trực tiếp làm hỏng DNA và cản trở quá trình tổng hợp và sửa chữa DNA. DNA bị hư hỏng có thể khiến các tế bào phát triển mất kiểm soát, dẫn đến hình thành khối u. Các tế bào trong miệng và gan, nơi rượu bị phân hủy thành acetaldehyde, có nguy cơ tổn thương DNA cao nhất.

- Cơ chế thứ ba: Các phân tử có hại được gọi là các loài oxy phản ứng (ROS). Đây là sản phẩm phụ tự nhiên của quá trình trao đổi chất của tế bào, nhưng nếu tích tụ quá nhiều, có thể gây ra stress oxy hóa làm hỏng DNA. Việc sử dụng nhiều rượu làm tăng nồng độ enzyme CYP2E1 trong thực quản. Nồng độ CYP2E1 cao làm tăng sản xuất ROS gây tổn hại DNA, dẫn đến đột biến gene và khối u. ROS cũng phá vỡ hành vi của tế bào, khiến các tế bào nhân lên và lan rộng không kiểm soát được. Trong gan, ROS kích hoạt sản xuất các chất gây viêm và protein collagen dạng sợi, dẫn đến xơ gan và làm tăng nguy cơ ung thư gan.

- Cơ chế thứ tư: Liên kết rượu với ung thư liên quan đến tác động của rượu lên nồng độ hormone estrogen. Rượu làm tăng nồng độ estrogen trong máu…, tạo "nhiên liệu" cho một số loại ung thư vú. Các nhà khoa học cho rằng khi các tế bào khối u có thụ thể mà estrogen có thể cắm vào, estrogen sẽ bám vào, làm cho tế bào khối u hoạt động mạnh hơn, thúc đẩy sự phát triển và di căn.

- Cơ chế thứ năm: Rượu có thể hoạt động như một dung môi cho các phân tử gây ung thư từ các nguồn khác, chẳng hạn như khói thuốc lá. Các hạt có hại này hòa tan trong rượu, và điều này giúp chúng dễ dàng xâm nhập vào các mô khác nhau và gây tổn thương DNA bên trong chúng. Tác động này làm tăng nguy cơ ung thư ở miệng và họng, nói riêng. So với ung thư vòm miệng, họng và gan, mối liên hệ giữa rượu và ung thư ruột kết, trực tràng không rõ bằng, nhưng nó lại liên quan đến quá trình chuyển hóa folate. Sự thiếu hụt folate do rượu gây ra có thể dẫn đến tổn thương DNA và làm tăng ung thư.

Rượu là nguyên nhân gây ra khoảng 100.000 ca ung thư và 20.000 ca tử vong do ung thư mỗi năm tại Hoa Kỳ, khiến nó trở thành nguyên nhân gây ung thư có thể phòng ngừa đứng thứ 3 sau thuốc lá và béo phì. Vì lý do này, năm 2025, CDC Mỹ tiếp tục khuyến cáo dán nhãn đồ uống có cồn.

Nguồn: Theo Livescience
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm