'Uống thuốc tự tử không thành, tôi lại tiếp tục khởi nghiệp'

24/03/2019 - 11:45
Đó là lời tâm sự của nữ doanh nhân Dương Kiều Vy (CEO công ty cổ phần Hoxuro, quận Tân Bình, TP'.HCM). Cô đã 3 lần phá sản với số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng và làm lại từ đầu. Con đường đi đến thành công của cô đầy chông gai và thử thách, đôi lúc vượt quá sức chịu đựng của một người con gái “chân yếu tay mềm” như cô.

Con đường gai nhọn

Dù tuổi đời mới tròn 30 nhưng sự trải nghiệm và dày dạn trong kinh doanh của Dương Kiều Vy khiến không ít người kinh ngạc. Con đường kinh doanh của cô gặp không ít trở ngại. Sau vấp ngã cô lại mạnh mẽ đứng lên, làm lại tất cả bằng chính đôi tay của mình.

Nhớ lại những ngày đầu lập nghiệp, Kiều Vy không khỏi xúc động. Cô cho biết: Sinh ra ở vùng quê nghèo của tỉnh Vĩnh Phúc, cô quyết tâm thi vào đại học Ngoại thương ở TP.HCM để tìm lối đi cho tương lai. Để có tiền ăn học, cô làm rất nhiều công việc như phụ quán, phát tờ rơi, bán hàng vỉa hè. Với số vốn tích cóp được từ làm thêm, cô đã mạnh dạn mở quán cà phê. Đó là công việc khởi nghiệp đầu tiên của cô. Tuy nhiên, mọi thứ không như cô mong đợi. Quán cà phê mở ra bị nhiều đối tượng ganh ghét, họ không cho cô giành khách hàng nên tìm cách phá hoại, tình trạng kinh doanh của cô rơi vào bế tắc.

a2.jpg
Nữ doanh nhân trẻ Dương Kiều VY

Sau thất bại, cô quyết định về quê Vĩnh Phúc để làm lại và từ bỏ giảng đường đại học. Ở quê, cô bắt đầu kinh doanh bằng nghề bán phụ kiện điện thoại. Lúc đó, công việc này mới thịnh hành tại TP HCM, ở quê cô chưa có nên tiếp tục khởi sự kinh doanh bằng nghề mới. May mắn đã mỉm cười với Kiều Vy lần này. Năm 24 tuổi, mức thu nhập của cô lúc đó đạt 1 -2 triệu đồng/ngày. Từ quầy dán và bán linh kiện điện thoại gần chợ, cô thuê mặt bằng mở cửa hàng lớn hơn. Bằng sự kiên trì trong công việc, cô đã trở thành bà chủ bỏ sỉ lại cho nhiều cửa hàng khác.

“Khi thấy tôi kinh doanh thuận lợi, chủ mặt bằng đã tìm cách gây sự và lấy lại mặt bằng. Vì khách hàng đã quen với địa điểm bán khu vực đó nên tôi tiếp tục bu bám và đặt xe bán gần đó. Nhưng điều khó khăn là mỗi khi trời mưa to, tôi và xe hàng không biết nấp ở đâu. Cái cảnh của một người con gái ngồi giữa chợ dưới trời nắng, mưa để làm việc có lẽ tôi không bao giờ nghĩ mình đã làm được. Nhưng nó lại không có cảm giác đau bằng thất bại. Nhưng dần dần tôi đã khắc phục được và tiếp tục tích lũy vốn”. Kiều Vy tâm sự.

Từ chỗ kinh doanh phụ kiện, cô tiếp tục mở rộng kinh doanh điện thoại. Công việc kinh doanh thuận lợi khiến cô không ngừng phát triển. Tất cả tiền thu về cô đều dồn cho việc kinh doanh điện thoại. Thậm chí, cô còn vay mượn thêm để mua hàng và mở rộng bỏ sỉ khắp các tỉnh miền Bắc.

 “Công việc kinh doanh nào cũng có lúc thăng trầm, hơn nữa, khi bạn làm ra nhiều tiền, bạn càng muốn có nhiều hơn. Ranh giới giữa lòng tham và tham vọng rất hẹp vì thế tôi lại vấp ngã lần 2. Có lần tôi nhập điện thoại lậu từ Trung Quốc về bán nên bị công an bắt và tịch thu tất cả. Tôi lâm vào cảnh nợ nần. Nhiều người cho vay đã đến đe dọa và quấy phá gia đình bố mẹ tôi. Số tiền lớn đến nỗi một người ở tầm tuổi đó không thể có được, ngay cả bố mẹ tôi cũng không dám nghĩ tới. Tôi cảm thấy xấu hổ và bất lực. Tôi nghĩ chỉ có chết mới là lối thoát và tôi đã tìm đến cái chết. Uống thuốc tự tử không thành, tôi lại tiếp tục khởi nghiệp để kiếm tiền trả nợ. Khi giáp ranh với cái chết, tôi mới bắt đầu sợ. Và tôi đã tỉnh ra và hiểu được chết không giải quyết được nợ, mà gây phiền hà cho bố mẹ” - Chị Kiều Vy bộc bạch.

a1.jpg
Sau nhiều lần thất bại, Kiều Vy vẫn không ngừng vươn lên

“Mình không được dạy về tài chính, giống như con thiêu thân lao vào làm và bị đồng tiền dẫn lối. Bản thân tôi là người khá bản lĩnh, mạnh mẽ và độc lập nhưng nghĩ đến con đường tự tử là hiểu được hoàn cảnh lúc đó khủng khiếp như thế nào. Bây giờ nghĩ lại tôi vẫn nổi da gà”. Chị Kiều Vy xúc động nói.

Chị lại khởi nghiệp lại bằng nghề phụ kiện điện thoại ở vùng đất mới tại tỉnh Thái Nguyên. Chị Kiều Vy cho biết: “Lúc đó tôi kinh doanh phụ kiện điện thoại ở gần khu công nghiệp, nghề lúc đó rất “hot”. Công nhân ở đó lương cao và nhu cầu phụ kiện điện thoại rất lớn. Tôi còn bỏ sỉ lại cho các tỉnh”.

Năm 2017 là lần thất bại thứ 3 lại xảy ra, số tiền mất đi gần 60 tỷ đồng vì thiếu hiểu biết. Cô lấn sân sang sân chơi tài chính với đồng tiền ảo và bị mất trắng. “Nhưng lần thất bại này tôi không bị sốc nhiều. Vì khi tham gia lĩnh vực tài chính là lúc tâm lý mình vững vàng và sẵn sàng chấp nhận”. Chị Kiều Vy nói.

Khi hoa xương rồng nở

Sau những thất bại chồng chất, cô lại tiếp tục vươn lên. Hiện tại, cô là CEO công ty cổ phần Hoxuro, tại TP HCM một công ty làm việc ở lĩnh vực công nghệ giải pháp và là người đồng sáng lập ra công ty Tâm Việt (Vĩnh Phúc) chuyên kết nối kinh doanh và hỗ trợ cho bạn trẻ khởi nghiệp. Ngoài ra, cô cũng tham gia, tư vấn cho 13 công ty khác và đang đầu tư cho 10 dự án khởi nghiệp.

Đặc biệt hơn, cô còn thành lập nên CLB Hoa Xương Rồng với hơn 30 thành viên. CLB tổ chức các chương trình kinh doanh thực tế để các thành viên có cơ hội thực hành các kỹ năng từ đánh giá thị trường, lên kế hoạch kinh doanh, kỹ năng bán hàng... Đồng thời, những người đi trước cũng chia sẻ những kết nối, mạng lưới quan hệ của mình cho các thành viên mới.

a3.jpg
Công ty của Dương Kiều Vy tham gia hỗ trợ cho Trung tâm trẻ khuyết tật quận 4, TP.HCM
 

“Hoa xương rồng là loài hoa tôi yêu thích và những người đi theo tôi phải sở hữu được tính cách của hoa xương rồng. Như đóa hoa xương rồng, thân bề ngoài gai góc nhưng bên trong mọng nước. Người tôi chọn đỡ đầu cũng vậy, tuy bề ngoài mạnh mẽ nhưng bên trong tình cảm. Đặc biệt, cây hoa xương rồng rất kiên cường mạnh mẽ sống dù thời tiết khắc nghiệt như thế nào. Cái khắc nghiệt đó không khác gì môi trường kinh doanh, người khởi nghiệp bắt buộc phải chống chọi vươn lên mà sống”. Chị Kiều Vy chia sẻ.

Hằng năm, cô còn tham gia khá nhiều hoạt động xã hội như quyên góp ủng hộ cho trẻ em nghèo vùng núi; từng quyên góp nâng cấp cơ sở vật chất cho cơ sở Trung tâm trẻ khuyết tật quận 4 TP.HCM… Cô đang ấp ủ một dự định sẽ xây học viện cho trẻ khuyết tật trong tương lai.

Lời khuyên của chị Kiều Vy dành cho các bạn trẻ muốn khởi nghiệp kinh doanh: “Mong các bạn trẻ hãy suy nghĩ thật kỹ vì kinh doanh rất vất vã. Tôi đã gặp rất nhiều bạn trẻ trầm cảm hoặc tự tử khi làm kinh doanh thất bại. Nếu các bạn thấy nội lực của mình đủ lớn và khao khát, sức chịu đựng đủ lớn thì mới làm được”.

 

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm