Vạch trần "thần dược" xóa nhăn và nâng cơ mặt

PV
04/03/2024 - 14:45
Thời gian gần đây, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện các clip quảng cáo bộ liệu trình có “tinh chất đã đoạt giải Nobel” giúp điều trị xóa nhăn, nâng cơ mặt, giúp trẻ hóa làn da. Nhưng thực tế đây chỉ là chiêu trò quảng cáo thổi phồng công dụng của sản phẩm, có dấu hiệu lừa dối người tiêu dùng để trục lợi.

Trên Fanpage "Xóa nhăn nâng cơ số 1", xuất hiện nhiều thông tin quảng cáo như: "AH8, sản phẩm với tinh chất đã đoạt giải Nobel trong việc: Xóa nhăn - nâng cơ - trị nám, hiệu quả đã được bộ y tế thế giới công nhận". "Da đẹp không cần đến Spa, cải thiện độ đàn hồi và săn chắc cơ da, đánh thức tuổi xuân của bạn"… 

Ngoài ra, các thông tin quảng cáo còn khẳng định sản phẩm này đã được Bộ Y tế kiểm định an toàn khi sử dụng lâu dài.

Trong vai một khách hàng muốn điều trị xóa nhăn và nâng cơ mặt, phóng viên Báo PNVN đã kết nối với fanpage nêu trên. Chúng tôi đã được nhân viên tư vấn của fanpage này giới thiệu sản phẩm viên uống AH8 Collagen C, với giá 600 nghìn đồng/lọ gồm 30 viên nang mềm. 

Đồng thời, vị này cho biết, "viên uống AH8 Collagen C là sản phẩm được sản xuất theo tiêu chuẩn FDA của Hoa Kỳ vô cùng khắt khe và an toàn", đang được xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất thế giới như Mỹ, Anh, Cộng hòa Séc.

Để thu hút khách hàng, trên fanpage "Xóa nhăn nâng cơ số 1" còn tung ra các clip có người tự xưng là bác sĩ Phạm Hồng Hải, được giới thiệu là nguyên phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền, giới thiệu về sản phẩm AH8. 

Thực hư “thần dược” xóa nhăn và nâng cơ mặt- Ảnh 1.

Việc sử dụng hình ảnh bác sĩ để quảng cáo cho thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh là trái quy định của pháp luật. Ảnh được chụp từ clip quảng cáo sản phẩm AH8

Ngoài ra, còn có bác sĩ Trương Thị Xuân Hòa, được giới thiệu là Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, cũng xuất hiện trong clip giới thiệu sản phẩm. Trên mỗi clip quảng cáo sản phẩm này đều có gắn logo của Kênh truyền hình Quốc phòng Việt Nam, và logo HTV9 của Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, khiến nhiều người tiêu dùng lầm tưởng đây là sản phẩm được quảng cáo bởi các kênh truyền hình chính thống.

Thế nhưng, theo tìm hiểu của phóng viên Báo PNVN thì Thầy thuốc ưu tú, Bác sĩ Chuyên khoa II Trương Thị Xuân Hòa, không phải là Phó Giám đốc Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương, như thông tin giới thiệu trong clip quảng cáo.

Mặc dù được quảng cáo như một loại "thần dược" nhưng theo tìm hiểu của phóng viên thì sản phẩm AH8 Collagen C chỉ là thực phẩm bảo vệ sức khỏe có tên gọi là "Sâm tố nữ Collagen C", được Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cấp Giấy tiếp nhận đăng ký bản công bố sản phẩm số 969/2021/ĐKSP/2021/ĐKSP, ngày 29/01/2021. 

Đơn vị chịu trách nhiệm công bố và lưu hành là Công ty cổ phần dược phẩm Vipharco, có địa chỉ tại Khu Công nghiệp Lương Sơn, Km36 quốc lộ 6, xã Hòa Sơn, huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Theo đó, sản phẩm này không phải là thuốc, không có tác dụng thay thế thuốc chữa bệnh như những thông tin quảng cáo "thổi phồng" đang lan truyền.

Trao đổi qua điện thoại với phóng viên, ông Đào Mạnh Hùng, đại diện Công ty Vipharco, cho biết: "Sản phẩm Sâm tố nữ Collagen C là của công ty. Đơn vị kia nhập của công ty tôi, việc họ cho thêm tên AH8 vào sản phẩm để quảng cáo bán hàng thì chúng tôi không được biết".

Lần theo thông tin quảng cáo trên mạng xã hội, chúng tôi xác định được đơn vị đang tổ chức chạy quảng cáo sản phẩm này là Công ty TNHH AH8 Việt Nam, tên gọi cũ là Công ty TNHH đầu tư và thương mại Sievins Group, có địa chỉ tại tầng 20, tòa nhà Intracom 2, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm, thành phố Hà Nội, người đại diện pháp luật là ông Phạm Minh Trí.

Phóng viên đã liên hệ với ông Hoàng Nam qua điện thoại, người tự nhận là người đại diện cho nhãn hàng AH8. Ông Nam cho biết, nhãn hàng AH8 đang được chạy quảng cáo. Thế nhưng khi phóng viên đề nghị ông Nam cung cấp các giấy tờ liên quan chứng minh cho những gì ông này nói thì ông Nam viện ra nhiều lý do để lảng tránh đề nghị của phóng viên.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Nghị định 15/2018/NĐ-CP ngày 2/2/2018 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm, không sử dụng hình ảnh, thiết bị, trang phục, tên, thư tín của các đơn vị, cơ sở y tế, bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của người bệnh, bài viết của bác sỹ, dược sỹ, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm.

Như vậy, bất kỳ bác sĩ, lương y, nhân viên y tế nào tham gia quảng cáo sản phẩm thực phẩm là vi phạm quy định của pháp luật hiện hành. Thiết nghĩ, cơ quan chức năng cần sớm vào cuộc kiểm tra, xử lý để tránh nhiều người tiêu dùng lầm tưởng rồi rơi vào cảnh "tiền mất tật mang".

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm