Vai trò của “một nửa thế giới” trong phòng, chống bệnh lao

Bài, ảnh: An Khê
20/12/2020 - 11:15
Vai trò của “một nửa thế giới” trong phòng, chống bệnh lao

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Vân thăm khám cho bệnh nhân

Chiếm hơn 50% dân số và 52% lao động xã hội, phụ nữ có vai trò quan trọng trong việc phát hiện và điều trị bệnh lao. Để đạt được mục tiêu có ít nhất là 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam hiểu biết về bệnh lao để bảo vệ cho gia đình mình không mắc lao, thì các cấp Hội Phụ nữ phải vào cuộc mạnh mẽ để nâng cao hiểu biết và kỹ năng đầy đủ về phòng, chống lao.

Theo Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Vân - Trưởng phòng Tổ chức Cán bộ, Bệnh viện Phổi Trung ương, Tổng Thư ký Hội Phổi Việt Nam, Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ của Hội Phổi Việt Nam, phụ nữ với vai trò là bà, mẹ, vợ, con gái... hàng ngày chăm sóc sức khỏe cho các thành viên trong gia đình. Tác động đến phụ nữ là tác động đến toàn thể các thành viên trong gia đình và cộng đồng. Tập quán của người Việt Nam thường sống nhiều thế hệ trong một gia đình, việc chăm sóc gia đình thì người phụ nữ là số một. 

Vai trò của “một nửa thế giới” trong phòng chống bệnh lao - Ảnh 1.

Tiến sĩ, bác sĩ Hoàng Thanh Vân

Việc phát hiện các biểu hiện về sức khỏe của các thành viên trong gia đình như triệu chứng ho, sốt, khạc đờm, ho ra máu hay cần đi khám ở đâu để tầm soát bệnh lao… hầu hết đều có vai trò của người phụ nữ. Nếu phụ nữ được nâng cao hiểu biết và có kiến thức đầy đủ về phòng chống lao thì không những có thể bảo vệ sức khỏe cho bản thân mình mà còn có tác động tích cực đến người thân trong gia đình và cộng đồng biết cách phòng, chống căn bệnh lây truyền nguy hiểm này.

Chương trình chống lao Quốc gia với mạng lưới phủ khắp trên toàn quốc hoạt động mạnh từ tuyến xã đến tuyến huyện, tuyến tỉnh và tuyến trung ương. Với hơn 19 nghìn cán bộ làm công tác chống lao thì chúng tôi luôn luôn tự hào và gắn kết với tuyến cơ sở để phát hiện bệnh lao sớm. Hội Phổi Việt Nam hoạt động với mục đích: Tập hợp, đoàn kết, phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự giác của hội viên: Trao đổi, kinh nghiệm nâng cao kiến thức, kỹ năng, trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; Đào tạo, phổ biến kiến thức khoa học về điều trị, phòng bệnh phổi và lao: Xây dựng và phát triển chuyên ngành bệnh phổi và lao để tiến tới Chấm dứt bệnh lao. Trước đây các hoạt động của Chương trình chống lao Quốc gia và Hội Phổi Việt Nam đã có sự gắn kết với Hội LHPN Việt Nam, chúng tôi mong muốn sự gắn kết này còn mạnh mẽ hơn nữa. Do đó tháng 3/2020 Chi hội Phụ nữ thuộc Hội Phổi Việt Nam đã được thành lập. Mục tiêu hoạt động năm 2020 của Chi hội là xây dựng đội ngũ chuyên gia, chuyên ngành lao và bệnh phổi, xây dựng tài liệu truyền thông và các biểu mẫu riêng cho các hoạt động và triển khai các hoạt động lồng ghép vào các hoạt động của Hội LHPN Việt Nam”, bác sĩ Hoàng Thanh Vân cho biết.

Cũng theo bác sĩ Vân, Chi hội Phụ nữ thuộc Hội Phổi Việt Nam sẽ phối hợp với Hội LHPN Việt Nam chọn một tỉnh triển khai thí điểm thực hiện nhiều hoạt động, với mong muốn chị em phụ nữ sẽ có nhiều hiểu biết tốt hơn về bệnh lao, qua đó thực hiện tuyên truyền có hiệu quả, tổ chức các buổi tập huấn lồng ghép vào các buổi giao ban hàng tháng, hàng quý, đồng thời cũng phổ biến những kỹ năng cơ bản tới chị em phụ nữ các chi hội như việc phát hiện triệu chứng, biết các cơ sở y tế khám chữa bệnh lao, cần làm các xét nghiệm, chụp x-quang; nếu trong gia đình có người mắc bệnh lao thì cần điều trị thế nào và quá trình theo dõi ra sao… cùng rất nhiều kỹ năng khác nhằm phát hiện và điều trị có hiệu quả.

Vai trò của “một nửa thế giới” trong phòng, chống bệnh lao - Ảnh 3.

Phụ nữ được nâng cao hiểu biết và có kiến thức đầy đủ về phòng chống lao thì không những có thể bảo vệ sức khỏe cho bản thân mà còn người thân trong gia đình

"Do năm nay dịch Covid-19 nên việc triển khai hoạt động tại cộng đồng bị hạn chế. Năm tới dự kiến sẽ lồng ghép các hoạt động trên tại Bắc Ninh, sau đó có đợt tổng kết rút kinh nghiệm và nhân rộng mô hình ra nhiều tỉnh", bác sĩ Thanh Vân nhấn mạnh.

Chương trình chống lao Quốc gia Việt Nam đặt ra mục tiêu có ít nhất 20 triệu phụ nữ trong 20 triệu gia đình Việt Nam có kiến thức và thực hành bảo vệ chính gia đình họ không mắc lao. Phụ nữ có vai trò vô cùng quan trọng trong công tác phòng chống lao, được xem là mắt xích rất cần thiết trong công tác phòng chống lao, bởi họ là những thành viên tích cực của công tác phát hiện bệnh lao và thanh toán nguồn lây. 

Phụ nữ là nhân tố bảo đảm cho chiến lược phòng chống lao giành thắng lợi. Chính vì vậy Chương trình phòng chống lao Quốc gia đã phối hợp với Hội LHPN Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động phòng, chống lao từ tỉnh, huyện và xã trong cả nước để giúp chị em và cộng đồng tăng cường hiểu biết về bệnh lao. 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm