Bệnh lao ngoài phổi là gì? Tìm hiểu về bệnh lao ngoài phổi

Mai Nhung
07/03/2020 - 14:52
Bệnh lao ngoài phổi là gì? Tìm hiểu về bệnh lao ngoài phổi
Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao là dạng vi khuẩn có thể tồn tại ở tất cả các cơ quan và phá hủy chúng, gây ra bệnh lao ngoài phổi. Vị trí thường gặp là màng phổi, hạch bạch huyết, bụng, đường sinh dục, da, khớp và xương hoặc màng não. Lao ngoài phổi thường gây ra những tổn thương nghiệm trọng, có thể kéo dài suốt đời.

1. Bệnh lao ngoài phổi là gì?

Qua đường hô hấp, vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh lao sẽ xâm nhập vào cơ thể, đi vào máu rồi cư trú ở bất kỳ cơ quan nào đó và gây bệnh. Vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis có thể gây bệnh ở tất cả các cơ quan, chỉ trừ lông - tóc và móng, nhưng nó ảnh hưởng nhiều nhất đến phổi, gọi là lao phổi.

Vi khuẩn gây bệnh ở các cơ quan khác thì gọi là lao ngoài phổi. Lao ngoài phổi có tỷ lệ rất thấp, chỉ khoảng 20% trên tổng số trường hợp mắc lao.

Tuy tỷ lệ mắc bệnh lao ngoài phổi là rất thấp, nhưng nó lại khó phát hiện, gây nhiều tổn thương nghiêm trọng và khó điều trị. Nguyên nhân là do với bệnh lao ngoài phổi, chỉ với số lượng ít vi khuẩn cũng có thể gây ra thiệt hại lớn. Điều này trái ngược với bệnh lao trong phổi, nơi vi khuẩn lao nhân lên khá lâu trước khi gây tổn thương mô thực sự.

2. Triệu chứng

Vì bệnh lao ngoài phổi là bệnh mãn tính, tiến triển chậm nên cơ thể có khả năng quen dần với bệnh mà bỏ qua các triệu chứng. Đây là lý do khiến các dấu hiệu bệnh lao ngoài phổi rất khó phát hiện.

Các triệu chứng sẽ khác nhau tùy thuộc và khu vực gây bệnh của vi khuẩn lao. Nhưng các triệu chứng chung có thể bao gồm:

- Sốt.

- Đổ mồ hôi đêm.

Ảnh 2.

Đổ mồ hôi đêm là biểu hiện của bệnh lao ngoài phổi (Ảnh: Internet)

- Cơ thể luôn mệt mỏi và khó chịu dù đã nghỉ ngơi đủ.

- Giảm cân mà không rõ nguyên nhân.

3. Phân loại

Lao ngoài phổi được phân nào dựa vào vị trí mà vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis gây bệnh. Tuy lao ngoài phổi có thể xảy ra ở tất cả các cơ quan, nhưng các dạng phổ biến và thường gặp nhất là:

3.1. Lao hạch bạch huyết

Vì vi khuẩn lao đi theo đường máu, nên lây lan đến các hạch bạch huyết là phổ biến nhất. Trong đó, hạch bạch huyết ở cổ và trên xương đòn là dễ bị ảnh hưởng nhất.

Vi khuẩn có thể gây nhiễm trùng hạch bạch huyết, hạch sưng to và không di động, không đau. Khi hạch bị nhiễm hóa và rò mủ thì nó sẽ gây viêm da, dẫn đến loét. Các vết loét sẽ từ từ to ra khiến bề mặt da bị tổn thương nghiêm trọng, có thể để lại sẹo.

Để chẩn đoán lao hạch bạch huyết, bác sĩ cần lấy mẫu hạch bị viêm bằng ống kim tiêm, sau đó đưa đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm trực khuẩn lao.

3.2. Lao màng phổi

Màng phổi là lớp da mỏng bao quanh phổi, tách phổi ra khỏi thành khoang ngực. Màng phổi bao gồm 2 lớp, một lớp bám và phổi, một lớp bám vào thành ngực. Khoảng trống giữa 2 lớp màng này là nơi vi khuẩn lao có thể cư trú, nhân lên và gây bệnh.

Triệu chứng là sốt và đau khi thở. Khi kiểm tra y tế có thể thấy viêm màng phổi. Tình trạng viêm kéo dài có thể kích thích màng phổi tiết dịch, gây tràn dịch màng phổi.

Để chẩn đoán lao màng phổi, bác sĩ sẽ sử dụng kim tiêm đâm xuyên qua thành ngực, vào khoảng trống giữa 2 lớp màng phổi để hút dịch. Dịch màng phổi sẽ được đưa đến phòng thí nghiệm để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.

3.3. Lao xương hoặc khớp

Trực khuẩn lao có thể cư trú trong xương hoặc khớp và gây đau và sưng vùng bị ảnh hưởng. Mọi người thường không nghĩ rằng những triệu chứng này có liên quan đến bệnh lao, mà là do tai nạn hoặc chấn thương khác.

Ảnh 3.

Trực khuẩn lao có thể cư trú trong xương hoặc khớp và gây đau và sưng (Ảnh: Internet)

Để chẩn đoán bệnh lao xương hoặc khớp, các bác sĩ phải chụp X-quang và thường chụp kèm CT hoặc MRI để xác định vị trí tổn thương. Sau đó bác sĩ sử dụng ống tiêm kim để lấy một mẫu nhỏ dịch xương khớp để đem đi xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.

3.4. Lao hệ thần kinh trung ương

Thường gặp là lao màng não, não hoặc tủy sống. Triệu chứng thường là thờ ơ, buồn ngủ, chậm phản ứng, khó cử động tay chân, khó nói, cứng cổ, đau đầu tăng dần.

Lao màng não rất nguy hiểm và khó điều trị, có nguy cơ tử vong cao. Để chẩn đoán, các bác sĩ phải chọc dò tủy sống, lấy mẫu dịch bao quanh tủy sống để xét nghiệm tìm vi khuẩn lao.

3.5. Lao tiết niệu - sinh dục

Ở nam thường là lao tình hoàn khiến tinh hoàn bị sưng và đau, có thể gây tràn dịch màng tinh hoàn. Ở nữ thường là lao nội mạc tử cung và ống dẫn trứng, gây tiết dịch âm đạo nhiều và hôi, rối loạn kinh nguyệt. 

Triệu chứng chung của lao sinh dục là tiểu buốt, tiểu rắt, nước tiểu đục, thắt lưng đau âm ỉ. Nếu không được điều trị sớm thì lao tiết niệu - sinh dục có thể gây vô sinh.

Để chẩn đoán lao tiết niệu - sinh dục, bác sĩ sẽ xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong nước tiểu hoặc dịch tiết.

4. Nguyên nhân

4.1. Nguyên nhân gây bệnh lao ngoài phổi là gì?

Nguyên nhân gây bệnh lao ngoài phổi là do vi khuẩn Mycobacterium tuberculosis nhiễm trùng tiên phát ở phổi, trong giai đoạn tiềm ẩn thì lan sang các cơ quan khác của cơ thể, cư trú và nhân lên, sau đó gây bệnh.

Đôi khi nhiễm lao ngoài phổi xảy ra khi một người hít phải các hạt dịch tiết nhỏ chứa vi khuẩn lao lơ lửng ở trong không khí. Sau khi hít vào, vi khuẩn không đi đến phổi mà theo máu đi xấm chiếm các cơ quan khác. 

Nếu hệ thống miễn dịch hoạt động tốt thì các phản ứng miễn dịch sẽ tạo rào cản ngăn vi khuẩn lao nhân lên, gọi là lao ngoài phổi tiềm ẩn. Nếu hệ thống miễn dịch bị suy yếu, thì các vi khuẩn lao sẽ nhân lên và gây bệnh trong các cơ quan đó, gọi là lao ngoài phổi hoạt động.

Lao hoạt động có thể phát triển ở nhiều bộ phận khác của cơ thể, đặc biệt là các hạch bạch huyết, màng não, đốt sống, khớp, thận, cơ quan sinh dục và khoang bụng.

4.2. Đối tượng nào có nguy cơ cao bị lao ngoài phổi?

- Lao ngoài phổi thường xảy ra ở trẻ em và người già.

- Người có hệ thống miễn dịch bị suy yếu như bệnh nhân tiểu đường, ung thư, suy dinh dưỡng, người bị bệnh thận mãn tính,...

- Hút thuốc, uống rượu và sử dụng các loại thuốc ức chế hệ thống miễn dịch cũng làm tăng nguy cơ mắc bệnh lao ngoài phổi.

- Có đến 50% trường hợp mắc lao ngoài phổi là bệnh nhân HIV.

5. Điều trị

Điều trị bệnh lao ngoài phổi khá khó khăn do bệnh thường được phát hiện muộn, các cơ quan đã bị tổn thương nặng nề. Nguyên nhân do lao ngoài phổi là căn bệnh khá hiếm, triệu chứng phát triển muộn. 

Khi có các triệu chứng, mọi người thường ít nghĩ đến nguy cơ bị lao. Ví dụ đau xương khớp thường nghĩ đến các chấn thương hoặc hoạt động quá sức, tiểu buốt thường nghĩ đến nhiễm trùng đường tiết niệu,....

Các phương pháp điều trị lao ngoài phổi có thể là:

5.1. Thuốc kháng sinh

Đa số các trường hợp lao ngoài phổi sẽ được điều trị với thuốc kháng sinh trong thời gian khoảng 6- 12 tháng.

Các thuốc tiêu chuẩn được dùng để điều trị bệnh lao phổi như Isoniazid, Ethambutol (Myambutol), Rifampin (Rifadin, Rimactane) và Rifapentine cũng sẽ được sử dụng để điều trị lao ngoài phổi. Tuy nhiên, việc lựa chọn và kết hợp thuốc cần được cân nhắc kỹ, phù hợp với cơ quan bị bệnh và hệ thống miễn dịch của bệnh nhân.

5.2. Thuốc Corticosteroid

Mặc dù có sẵn phương pháp điều trị kháng vi khuẩn hiệu quả, nhưng bệnh nhân bị mắc lao ngoài phổi lại thường hay gặp các tác dụng phụ như khuyết tật thần kinh, viêm màng ngoài tim, và tắc nghẽn ruột. Corticosteroid thường được sử dụng như một chất bổ trợ trong điều trị lao ngoài phổi để phòng ngừa các biến chứng này.

5.3. Phẫu thuật

Phẫu thuật được sử dụng chủ yếu để xử xử lý các biến chứng hoặc di chứng phát sinh từ bệnh lao ngoài phổi như nhiễm trùng huyết hoặc áp xe. Ví dụ phẫu thuật cắt bỏ hạch bạch huyết trong trường hợp bất thường, phẫu thuật ổn định cột sống, phẫu thuật dẫn lưu dịch màng phổi,

Thông thường, bệnh nhân lao ngoài phổi cần được điều trị vật lý phục hồi đi kèm.

6. Biến chứng của bệnh lao ngoài phổi là gì?

Lao ngoài phổi có tỷ lệ gây biến chứng cao vì các tổn thương khá trầm trọng. Mặt khác lao ngoài phổi khó phát hiện và chẩn đoán, nên bệnh có cơ hội tiến triển đến giai đoạn muộn, gây ra nhiều biến chứng. Biến chứng lao ngoài phổi còn tùy thuộc vào cơ quan bị bệnh. Thông thường nó bao gồm:

- Loét và sẹo trên da.

- Biến dạng xương, suy giảm khả năng vận động.

- Vô sinh.

- Viêm màng não, rối loạn chức năng thần kinh.

- Tràn dịch phổi, tràn dịch màng ngoài tim.

7. Phòng tránh

- Tiêm phòng vacxin lao cho trẻ em và những người có hệ thống miễn dịch yếu.

- Giữ lối sống khoa học, ăn uống đủ chất dinh dưỡng, nơi ở sạch sẽ, vệ sinh thân thể tốt, thường xuyên tập thể dục,... để nâng cao sức đề kháng, giúp cơ thể đối phó với vi khuẩn lao tốt hơn.

- Theo dõi sức khỏe của bản thân thường xuyên, đi thăm khám khi thấy có dấu hiệu bất thường. Nhớ lên lịch khám sức khỏe định kỳ.

- Đối với những bệnh nhân bị bệnh lao thì cần chữa trị sớm và triệt để, giữ vệ sinh tốt, hạn chế đến nơi đông người để ngăn phát tán vi khuẩn lao.

8. Chế độ dinh dưỡng dành cho bệnh nhân lao ngoài phổi

- Hầu hết các bệnh nhân lao ngoài phổi đều bị giảm cân, thường là do mất cảm giác thèm ăn. Đặc biệt ở những bệnh nhân bị lao hệ tiêu hóa thì có thể bị sụt cân trầm trọng do hấp thụ chất dinh dưỡng kém. Do đó, người bệnh cần tăng cường ăn các thực phẩm giàu năng lượng để giữ cân như ngũ cốc, sữa, các sản phẩm từ sữa, dầu hạt, thịt, trứng và cá.

- Bệnh lao ngoài phổi thường xảy ra ở những người có hệ miễn dịch bị suy yếu. Bổ sung các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa như bí, cà chua, cà rốt, việt quất, trà xanh, tỏi,... có thể giúp nâng cao sức đề kháng, cơ thể đối phó với bệnh tật tốt hơn.

- Vì lao ngoài phổi phá hủy các cơ quan, ảnh hưởng đến các tế bào, nên trong chế độ dinh dưỡng của bệnh nhân không thể thiếu nhóm thực phẩm giàu Protein giúp xây dựng cơ thể như sữa, thịt, thịt đỏ, cá, thịt gia cầm, sữa,...

- Bệnh nhân bị lao ngoài phổi cần tránh uống rượu bia, thực phẩm có chứa chất kích thích, tránh thịt đỏ, chất béo có hại,... sẽ làm cho hệ miễn dịch bị suy yếu, cơ thể dễ bị viêm nhiễm hơn.

9. Các câu hỏi thường gặp

9.1. Bệnh lao ngoài phổi có chữa được không?

Bệnh có thể chữa được nhưng việc điều trị rất khó khăn, thời gian kéo dài khoảng 1 năm.

9.2. Tiên lượng của bệnh lao ngoài phổi là gì?

Nếu được phát hiện sớm thì bệnh có thể được kiểm soát hiệu quả, tiên lượng tốt. Nhưng đa số các trường hợp là tiên lượng xấu do lao ngoài phổi rất khó phát hiện. Bệnh thường gây ra những tổn thương trầm trọng và để lại khuyết tật suốt đời.

9.3. Bệnh lao ngoài phổi có lây không?

Khác với lao phổi là bệnh truyền nhiễm, lao ngoài phổi được coi là bệnh không lây nhiễm. Nguyên nhân được cho là khi gây bệnh ở các khu vực khác ngoài phổi, vi khuẩn lao không có khả năng phát tán ra ngoài.

10. Một số hình ảnh về lao ngoài phổi

Bệnh lao ngoài phổi: Phân loại, dấu hiệu, nguyên nhân và phương pháp điều trị - Ảnh 1.

Hình ảnh X-quang lao màng phổi (Ảnh: Internet)

benh lao ngoai phoi 2

Bệnh lao da. (Ảnh: Internet)

benh lao ngoai phoi 3

Bệnh lao cột sống. (Ảnh: Internet)

benh lao ngoai phoi 4

Bệnh lao hạch. (Ảnh: Internet)

benh lao ngoai phoi 5

Ảnh chụp CT não thường và viêm màng não do lao. (Ảnh: Internet)

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm