Vầng thái dương cho dân tộc Việt Nam

Phương Dung
05/06/2023 - 08:42
Cách đây 112 năm, ngày 5/6/1911, Sài Gòn-Gia Định đã tiễn người thanh niên Việt Nam 21 tuổi Nguyễn Tất Thành, với tên Văn Ba, rời cảng Sài Gòn đi ra nước ngoài để thực hiện khát vọng tìm đường cứu dân, cứu nước.

Mốc thời gian Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh rời Tổ quốc ra đi tìm đường cứu nước là sự kiện đặc biệt, là bước chuyển căn bản của Nguyễn Ái Quốc, có tác động hết sức to lớn, có tính chất quyết định đối với tiến trình lịch sử Việt Nam trong thế kỷ XX và cả hiện tại lẫn tương lai.

Cuộc hành trình lịch sử

Sinh ra và lớn lên trong một giai đoạn đầy biến động của đất nước; được kế thừa truyền thống yêu nước, bất khuất của quê hương và gia đình, khi còn là một thiếu niên, Nguyễn Tất Thành đã sớm biết đau nỗi đau mất nước, xót xa trước nỗi thống khổ của đồng bào, đã sớm có chí đuổi giặc, cứu nước, giải phóng dân tộc.

Đầu thế kỷ XX, phong trào cứu nước, giải phóng dân tộc đứng trước một cuộc khủng hoảng, bế tắc cả về lý luận, đường lối và phương thức đấu tranh. Làm thế nào để đánh đuổi được chủ nghĩa thực dân xâm lược, giành lại độc lập cho Tổ quốc, tự do cho đồng bào? Câu hỏi đó ngày đêm nung nấu, day dứt tâm can lớp thanh niên yêu nước thế hệ Nguyễn Tất Thành lúc bấy giờ.

Với nhạy cảm chính trị của một trí tuệ hiếm có, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã có được dự cảm nhất định về sự chuyển biến của thời đại. Kẻ xâm lược mới đến từ phương Tây, mang theo sức mạnh của văn minh phương Tây. Muốn thắng được họ, phải đi tìm một con đường khác. Đó là con đường nào? Ở tuổi 20, người thanh niên ấy chưa thể trả lời ngay được, nhưng sự lựa chọn đầu tiên là ngược với làn sóng Đông du, một mình đi sang phương Tây, nơi sớm nổ ra các cuộc cách mạng dân chủ tư sản, nơi các trào lưu tư tưởng tự do dân chủ và khoa học kỹ thuật đang phát triển mạnh mẽ. Phải ra đi xem xét họ làm ăn thế nào để trở về giúp đồng bào. Khát vọng đó của Người đã nảy nở từ rất sớm và lớn dần lên theo năm tháng.

 Vầng thái dương cho dân tộc Việt Nam - Ảnh 1.

Ngày 5/6/1911, từ bến Nhà Rồng - cảng Sài Gòn, người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành rời Tổ quốc, ra đi trên con tàu Đô đốc Latouche-Tréville để thực hiện hoài bão giải phóng nước nhà khỏi ách nô lệ của thực dân, đế quốc. Ảnh: Tư liệu

Để rồi, ngày 5/6/1911, với tên mới Văn Ba, người thanh niên Nguyễn Tất Thành  theo tàu rời nước ra đi. Không khoác áo thân sĩ, ra đi trong tư cách một người lao động, với một ý chí mãnh liệt, một nghị lực phi thường, một mình tiến hành cuộc trường chinh 30 năm đi tìm con đường cứu nước, giải phóng dân tộc.

Sau này, trong một lần trò chuyện với nhà báo Mỹ Anna Louise Strong, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “ Nhân dân Việt Nam, trong đó có ông cụ thân sinh ra tôi, lúc này thường tự hỏi nhau: ai là người sẽ giúp mình thoát khỏi ách thống trị của Pháp? Người này nghĩ là Nhật, người khác nghĩ là Anh, có người lại cho là Mỹ. Tôi thấy phải ra nước ngoài xem cho rõ. Sau khi xem xét họ làm ăn ra sao, tôi sẽ trở về giúp đồng bào tôi” (1).

Hành trình của người thanh niên yêu nước ấy đã hình thành nên chủ nghĩa yêu nước Hồ Chí Minh; từ đó mở ra cho dân tộc Việt Nam một con đường tiến tới độc lập, tự do. Đó còn là một hành trình nhân văn, ở đó, tấm gương về lòng dũng cảm, đức hy sinh của Nguyễn Tất Thành-Nguyễn Ái Quốc-Chủ tịch Hồ Chí Minh mãi khắc ghi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

 Vầng thái dương cho dân tộc Việt Nam - Ảnh 2.

Từ 25 - 30/12/1920, Nguyễn Ái Quốc (tên của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong thời gian hoạt động cách mạng ở Pháp) tham dự Đại hội lần thứ 18 Đảng Xã hội Pháp ở thành phố Tours với tư cách đại biểu Đông Dương. Nguyễn Ái Quốc ủng hộ Luận cương của Lenin về vấn đề dân tộc và thuộc địa; tán thành việc thành lập Đảng Cộng sản Pháp và trở thành một trong những người sáng lập Đảng Cộng sản Pháp, và cũng là người Cộng sản đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Ảnh: Tư liệu

Vầng thái dương cho dân tộc Việt Nam

Với việc chọn hướng đi sang phương Tây, tìm hiểu thực chất những điều ẩn giấu sau khẩu hiệu mỹ miều "Tự do, Bình đẳng, Bác ái", Hồ Chí Minh đã có điều kiện để quan sát một chân trời mới, từ đó đưa lại cho Người những tư duy rất mới. Người từng băn khoăn: "cũng có những người Pháp tốt", "Tại sao người Pháp không "khai hóa" đồng bào của họ trước khi đi "khai hóa" chúng ta".

Cũng chính nhờ chọn hướng đi đúng đắn sang phương Tây, Hồ Chí Minh được tiếp xúc với nhiều nền văn hóa mới, tư tưởng mới. Bằng tư duy độc lập, tự chủ, Người đã gạn lọc và tiếp thu những hạt nhân hợp lý, làm giàu thêm vốn văn hóa của bản thân, để vươn lên tầm cao của văn hóa nhân loại, trở thành nhà văn hóa vừa mang đậm chất Á Đông, vừa hết sức cởi mở, hòa hợp với văn hóa phương Tây. Đặc biệt, nhờ chọn hướng đi sang phương Tây, Hồ Chí Minh đã có điều kiện để gặp gỡ, nghiên cứu và tiếp thu chủ nghĩa Mác-Lênin, thế giới quan và phương pháp luận khoa học, cách mạng, giúp giải quyết triệt để sự nghiệp giải phóng dân tộc ở Việt Nam.

Trong vòng 10 năm, từ 1911 đến năm 1920, Người đã đến nhiều nơi trên thế giới. Bàn chân của Người đã từng in dấu trên nhiều nước thuộc các đại lục Âu, Á, Phi, Mỹ. Đặc biệt, Người đã dừng chân khảo sát khá lâu ở 3 nước đế quốc lớn nhất thời đó là Mỹ, Anh và Pháp. Qua những chuyến đi, gặp những người dân ở các giai cấp, Người thực sự hiểu rằng, chủ nghĩa đế quốc, thực dân là cội nguồn của mọi đau khổ cho giai cấp công nhân và nhân dân ở các nước chính quốc cũng như thuộc địa.

Năm 1919, Người gia nhập Đảng Xã hội Pháp, chỉ bởi “đây là tổ chức duy nhất ở Pháp bênh vực nước tôi, là tổ chức duy nhất theo đuổi lý tưởng cao quý của Đại cách mạng Pháp: Tự do, Bình đẳng, Bác ái” (2). 

Sau đó, tháng 6/1919, thay mặt Hội Những người yêu nước Việt Nam, dưới tên Nguyễn Ái Quốc, Người gửi bản “Yêu sách của nhân dân An Nam” tới Hội nghị Véc-xây. Nội dung của bản yêu sách là đòi những quyền tối thiểu cho người dân bản xứ, tuy nhiên, bản yêu sách này đã không nhận được câu trả lời. 

Tháng 7/1920, khi được đọc “Sơ thảo lần thứ nhất những luận cương về vấn đề dân tộc và vấn đề thuộc địa” của V. I. Lênin, Người vô cùng cảm động và phấn khởi, bởi từ đây, Người đã tìm ra con đường để cứu dân, cứu nước. Người viết: “Ngồi một mình trong buồng mà tôi nói to lên như đang nói trước quần chúng đông đảo: “Hỡi đồng bào bị đọa đày đau khổ! Đây là cái cần thiết cho chúng ta, đây là con đường giải phóng chúng ta!”(3). 

Cũng từ đây, Người trở thành người cộng sản Việt Nam đầu tiên và sau đó, không quản ngại gian khó, từng bước truyền bá tư tưởng của chủ nghĩa Mác-Lênin về nước ta, làm chuyển biến về chất phong trào cách mạng trong nước, mà biểu hiện tập trung nhất, chính là sự ra đời của Đảng Cộng sản Việt Nam (ngày 3/2/1930).

 Vầng thái dương cho dân tộc Việt Nam - Ảnh 3.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn Độc lập”, tuyên bố sự ra đời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Ảnh: Tư liệu

Mở ra một kỷ nguyên mới cho lịch sử dân tộc

Kiên định đi theo con đường đó, sau hơn 30 năm bôn ba hành trình cứu nước, ngày 28/1/1941, Nguyễn Ái Quốc trở về nước trực tiếp lãnh đạo cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, đưa cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công, thành lập Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á, đánh dấu một mốc son chói lọi trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Đây cũng là minh chứng cho sự lãnh đạo tài tình, đúng đắn của Đảng Cộng sản Việt Nam, mà Chủ tịch Hồ Chí Minh là người sáng lập, rèn luyện.

Ba mươi năm trước, khi Người bước chân ra đi, con đường cứu nước, giải phóng dân tộc vẫn còn mù mịt, chưa thấy đường ra. Ba mươi năm sau, Người trở về với Chính cương, Sách lược sáng trong lòng. Người chủ trì Hội nghị Trung ương 8 (tháng 5/1941), cùng với Trung ương Đảng ta chuyển hướng chỉ đạo chiến lược và sách lược, xử lý đúng đắn mối quan hệ giữa lợi ích dân tộc và lợi ích giai cấp. Hội nghị nhận định: cách mạng Đông Dương hiện tại không phải là cuộc cách mạng tư sản dân quyền… (mà) là một cuộc cách mạng giải phóng dân tộc. Hội nghị quyết định tạm gác khẩu hiệu ruộng đất , chỉ tịch thu ruộng đất của bọn đế quốc, Việt gian, đề thêm khẩu hiệu giảm tô, giảm tức, chia lại ruộng công… Làm như vậy, như Hội nghị phân tích, không phải là bỏ mất nhiệm vụ điền địa, mà nhằm ngay nhiệm vụ bức thiết trước mắt là giải phóng dân tộc, vì “Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề dân tộc giải phóng, không đòi được độc lập tự do cho toàn thể dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được ” (4).

Thi hành chính sách "dân tộc tự quyết”, Hội nghị cũng rút khẩu hiệu thành lập liên bang Đông Dương. Về vấn đề chính quyền, Hội nghị chỉ rõ: “ sau khi đánh đuổi được Pháp-Nhật sẽ thành lập một nước Việt Nam dân chủ mới…Chính quyền cách mạng của nước dân chủ mới ấy không phải thuộc quyền riêng của một giai cấp của chung cả toàn thể dân tộc…ai là người dân sống trên giải đất Việt Nam thảy đều được một phần tham gia giữ chính quyền, phải có một phần nhiệm vụ giữ lấy và bảo vệ chính quyền” (5).

Cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 đã lôi cuốn hàng chục triệu nông dân, dù chưa được chia lại ruộng đất của địa chủ, vẫn hăng hái tiến bước cùng giai cấp công nhân, dưới sự lãnh đạo của Đảng, làm nên cuộc cách mạng long trời lở đất. Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã long trọng đọc bản Tuyên ngôn Độc lập của nước Việt Nam, mở ra một kỷ nguyên mới trong lịch sử dân tộc - kỷ nguyên Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Dân tộc Việt Nam từ thân phận nô lệ đã vươn lên hàng các dân tộc tiên phong trên thế giới.

Công lao đó thuộc về Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại, Người đã xông pha trên con đường vạn dặm để tìm ra cái “cẩm nang thần kỳ”, đưa sự nghiệp cứu nước, giải phóng dân tộc đến thắng lợi vẻ vang, lập nên nhà nước dân chủ cộng hòa đầu tiên ở châu Á.

Kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội

Trong cuốn sách “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam”, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội là đường lối cơ bản, xuyên suốt của cách mạng Việt Nam và cũng là điểm cốt yếu trong di sản tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Đại hội VI của Đảng ta đã khởi xướng công cuộc đổi mới toàn diện đất nước và khẳng định: “Toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta đoàn kết một lòng, quyết tâm đem hết tinh thần và lực lượng tiếp tục thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, đồng thời tích cực góp phần vào cuộc đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội”. Đứng trước muôn vàn khó khăn, toàn Đảng, toàn dân ta vẫn kiên định đi theo con đường xã hội chủ nghĩa, kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Trong Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (năm 1991), Đảng ta khẳng định: “Lịch sử thế giới đang trải qua những bước quanh co; song, loài người cuối cùng nhất định sẽ tiến tới chủ nghĩa xã hội vì đó là quy luật tiến hóa của lịch sử”. Ý chí và nguyện vọng này được Đảng ta tiếp tục khẳng định qua các kỳ đại hội.

Để công cuộc đổi mới giữ vững định hướng xã hội chủ nghĩa và đi đến thành công, điều kiện cốt yếu là Đảng ta phải kiên định và vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh, giữ vững vai trò và nâng cao năng lực lãnh đạo Nhà nước và xã hội. Văn kiện Đại hội IX của Đảng ghi nhận, tư tưởng Hồ Chí Minh là một hệ thống quan điểm toàn diện và sâu sắc về những vấn đề cơ bản của cách mạng Việt Nam, là kết quả của sự vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin vào điều kiệu cụ thể của nước ta, kế thừa và phát triển các giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, tiếp thu tinh hoa vǎn hóa của nhân loại, “soi đường cho cuộc đấu tranh của nhân dân ta giành thắng lợi, là tài sản tinh thần to lớn của Đảng và dân tộc ta”.

Qua các kỳ đại hội, nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta ngày càng sáng rõ hơn, dần hình thành mô hình chủ nghĩa xã hội hiện thực từ thực tiễn đổi mới ở Việt Nam.

Trên thực tế, những thành tựu trong hơn 35 năm đổi mới đã khẳng định rõ tính đúng đắn của mục tiêu độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Việt Nam đã đạt được những thành tự to lớn, có ý nghĩa lịch sử, đã ra khỏi khủng hoảng kinh tế-xã hội và tình trạng kém phát triển, trở thành nước đang phát triển, đang đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế mạnh mẽ và sâu rộng. Kinh tế tăng trưởng cao và ổn định; quốc phòng, an ninh được tăng cường; văn hóa, xã hội có bước phát triển mới; đời sống nhân dân từng bước được nâng lên; Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và hệ thống chính trị được củng cố; độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ và chế độ xã hội chủ nghĩa được giữ vững. Quan hệ đối ngoại ngày càng mở rộng và đi vào chiều sâu. Vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế ngày càng được nâng cao. Việt Nam cũng được thế giới đánh giá cao về hiệu quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội. Điển hình nhất là công tác phòng, chống dịch COVID-19, bảo vệ sức khỏe của nhân dân trong ba năm qua.

Nhìn lại chặng đường hơn 90 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng ta luôn kiên định mục tiêu, lý tưởng và con đường mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lựa chọn, lãnh đạo nhân dân ta giành được những thắng lợi hết sức to lớn, có ý nghĩa lịch sử. Tư tưởng Hồ Chí Minh về cách mạng Việt Nam, mà sợi chỉ đỏ xuyên suốt là độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, trở thành tư tưởng chỉ đạo trong đường lối của Đảng, là nhân tố quyết định mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

----------------

(1): Ba lần nói chuyện với Chủ tịch Hồ Chí Minh, Báo Nhân Dân số ra ngày 18/5/1965.

(2): Hồ Chí Minh - Biên niên tiểu sử, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2016, t. 1, tr. 47

(3): Hồ Chí Minh: Toàn tập, Nxb. Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2011, t. 12, tr. 562

(4): Văn kiện Đảng TT, t. 7 1940 -1945, tr.113.

(5): Văn kiện Đảng TT, t.7 tr.114

Nguồn: TTXVN
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm