Vay ngân hàng mua nhà trả góp như đi trên dây

22/08/2017 - 06:50
Cách tính lãi suất và những mức phí phạt đang áp dụng của nhiều ngân hàng khiến người đi vay cảm giác lo lắng, chông chênh khi thực hiện thanh toán các khoản vay.
Những "cái bẫy" trong hợp đồng
Tháng 6/2015, anh Xuân Nam (Q. Cầu Giấy, Hà Nội) mua một căn hộ chung cư rộng 45m2, giá gần 1,3 tỷ đồng (1.287.346 đồng). Vợ chồng anh đã vay trả góp của ngân hàng MB khoản tiền 792 triệu đồng, kì hạn 20 năm (240 tháng).

Ban đầu ngân hàng đưa ra cho anh Nam các lựa chọn ưu đãi trong đó có 2 lựa chọn:

- Lựa chọn 1: ưu đãi lãi suất cố định 2 năm đầu ở mức 7,9%/năm; 2 năm tiếp theo lãi suất = lãi suất tiền gửi 24 tháng 3%/năm; từ năm thứ 4 trở đi lãi suất = lãi suất tiền gửi 24 tháng 4%/năm;

- Lựa chọn 2: ưu đãi lãi suất cố định 1 năm đầu ở mức 7,5%/năm; từ năm thứ 2 trở đi lãi suất = lãi suất tiền gửi 24 tháng 4%/năm.
nha.jpg
Ngân hàng thường đưa ra nhiều gói ưu đãi hấp dẫn 
 
Vợ chồng anh Nam lựa chọn thanh toán theo phương án 1 của ngân hàng. Sau đó, anh Nam ký một hợp đồng cấp tín dụng với ngân hàng. Tuy nhiên, trong hợp đồng cấp tín dụng lại không có điều khoản về lãi suất mà lãi suất được ghi trong từng khế ước của mỗi đợt giải ngân sau này.
 
Đợt giải ngân thứ nhất (246 triệu đồng vào tháng 7/2015) và đợt giải ngân thứ 2 (157 triệu đồng vào tháng 8/2015), khoản lãi suất anh Nam trả cho ngân hàng đúng như phương án 1 mà anh đã lựa chọn. Tuy nhiên đến đợt giải ngân thứ 3 (128 triệu đồng vào tháng 01/2016), gia đình anh bắt buộc phải lựa chọn thanh toán lãi suất theo phương án 2. Đặc biệt, đến đợt giải ngân thứ 4 (261 triệu đồng vào tháng 9/2016), anh Nam bị áp một phương án lãi suất mới hoàn toàn: ưu đãi lãi suất cố định 1 năm đầu ở mức 8,5%/năm; từ năm thứ 2 trở đi lãi suất = lãi suất tiền gửi 24 tháng 4,5%/năm”.
“Cách tính lãi suất của ngân hàng bất nhất trong các đợt giải ngân sau so với thỏa thuận khi kí hợp đồng tín dụng theo hướng có lợi cho ngân hàng làm thiệt thòi cho người vay”, anh Nam bày tỏ bức xúc.

Bên cạnh đó, khi ký hợp đồng, ngân hàng chỉ đưa ra phương án tính lãi suất dựa trên cơ sở lãi suất tiền gửi 24 tháng của ngân hàng một cách chung chung, không nói cụ thể là dựa trên loại tiền gửi thông thường hay tiền gửi đặc biệt. Thế nhưng khi áp dụng tính lãi, ngân hàng áp luôn mức tiền gửi 24 tháng cho khách hàng gửi tiền được ưu đãi mức cao nhất.
Anh Nam chia sẻ: “Ở ngân hàng MB, lãi suất quy định đó là mức lãi suất áp cho khách hàng gửi kì hạn 24 tháng với mức tiền gửi 200 tỉ trở lên. Cách tính lãi thực tế này chênh một khoản không nhỏ so với dự kiến anh Nam tự tính dựa trên hợp đồng vay tiền lúc ban đầu. Nhưng khoản vay thì không thể không trả, nên vợ chồng tôi đành phải thắt chặt chi tiêu để thanh toán nợ ngân hàng".
Vay tiền ngân hàng mua nhà là lựa chọn của nhiều gia đình. Tùy theo điều kiện kinh tế, mức vay phổ biến từ 30% đến 70% giá trị ngôi nhà. Thời gian thực hiện trả góp cũng thường từ 10 đến 20 năm.
Cũng bởi thời gian trả kéo dài và các khoản giải ngân chia thành nhiều đợt, nên sự điều chỉnh lãi suất của ngân hàng kéo theo sự hoang mang, thậm chí, cả bức xúc của người vay.
5.jpg
Khi ký hợp đồng, người vay sẽ có thêm nhiều điều kiện ràng buộc

Những mức phí kèm theo
May mắn hơn gia đình anh Nam, gia đình chị Phượng (chung cư Ecohome 1, Q. Bắc Từ Liêm, Hà Nội) được vay mua nhà trả góp trong gói hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thời gian hỗ trợ vay gói ưu đãi tối đa là 15 năm, trong đó trong 10 năm đầu tiên được hưởng mức lãi suất ưu đãi 5%/năm, 5 năm tiếp theo sẽ tính theo lãi suất thị trường. Tuy nhiên, điều chị Hường băn khoăn lại chính là những chính sách phí đi cùng hợp đồng.
 
Theo chị Phượng, với khoản vay trên 300 triệu đồng, hàng tháng gia đình phải trả ngân hàng 4 triệu đồng. Với hai vợ chồng công nhân viên chức, khoản tiền này cũng ảnh hưởng đến sinh hoạt chung của gia đình. Thêm vào đó, tâm lý không ai muốn mắc nợ, nên chị Phượng cố làm thêm để có thể sớm thanh toán xong khoản nợ. Nhưng tìm hiểu ra, chị Phượng mới biết, nếu trả trước kì hạn, chị sẽ phải chịu mức phí phạt trước hạn trên dư nợ còn lại.
 
Tương tự như vậy, chị Trần Kim Dung (Q. Thanh Xuân, Hà Nội) vay trả góp 2,5 tỷ, có quy định mức phí phạt trước hạn quy định là 3%/ số tiền trả trước hạn. Được gia đình hai bên giúp đỡ, chị Dung quyết định trả nợ trước hạn. Tại thời điểm trả nợ,  dư nợ còn 1 tỷ, chị Dung phải chịu thêm khoản phí trả nợ trước hạn là  1tỷ x 3% = 30 triệu đồng. 
3.jpgLãi suất và các chi phí kèm theo luôn là nỗi lo của người đi vay mua nhà trả góp

Ngoài mức phí phạt, khi vay tiền mua nhà trả góp, người vay còn phải trả một khoản phí không nhỏ cho việc công chứng vay vốn và kí thỏa thuận. Mức phí này trung bình cũng lên đến 5, 6 triệu đồng cho mỗi gói vay.

Những con số thì không biết nói nhưng với những người đang có một khoản vay mua nhà trả góp, đó là một áp lực và người vay luôn canh cánh nỗi lo trước mỗi kỳ điều chỉnh lãi suất của ngân hàng.  
 
Nếu đang có ý định vay tiền ngân hàng để mua nhà trả góp, cần phải lưu ý gì? Mời bạn theo dõi bài tiếp theo: 4 sai lầm thường gặp khi vay tiền ngân hàng mua nhà trả góp
 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm