Vay vốn vi mô khởi nghiệp với mô hình trồng nấm

13/08/2019 - 18:14
“Trồng nấm không khó nhưng phải chịu khó chăm sóc và kiên trì với nghề” – đó là tâm niệm của chị Nguyễn Thị Loan (ở Ý Yên, tỉnh Nam Định). Chị là một trong 20 học viên xuất sắc nhất của khóa học “Nâng cao kĩ năng quản lý doanh nghiệp nhỏ cho doanh nhân nữ” năm 2018 vừa qua.

Đây là khóa học đặc biệt được Tổ chức Tài chính vi mô Tình Thương - TYM tập trung đào tạo cho những học viên đã phát triển tốt được mô hình kinh doanh, sản xuất và khởi nghiệp thành công.

Tuổi thơ gắn liền với nấm

Chị Nguyễn Thị Loan lớn lên trong một gia đình trồng nấm lâu năm tại thị xã Vĩnh Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Sau khi kết hôn vào năm 2009, chị sống với gia đình chồng tại Ý Yên, tỉnh Nam Định. Thu nhập chủ yếu của gia đình chị Loan chỉ từ làm thuê và canh tác mấy sào ruộng nên hoàn cảnh rất khó khăn. Trong lúc chưa tìm được hướng để phát triển kinh tế cho gia đình, anh chị quyết định đi làm công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long.

vay-von-tym-khoi-nghiep-mo-hinh-trong-nam-4.jpg
Chị Nguyễn Thị Loan tại mô hình trồng nấm của gia đình ở Ý Yên, Nam Định

 

Tuy nhiên, đồng lương công nhân cũng không được là bao, lại hay tăng ca khiến anh chị không có thời gian dành cho con cái. Trong hoàn cảnh ấy, anh chị đã nghĩ đến nghề sản xuất của gia đình chị bao lâu nay: trồng nấm sạch. Nghề trồng nấm có nguyên liệu đơn giản, sẵn có, chi phí thấp, thời gian canh tác ngắn, một năm có thể trồng được nhiều vụ, mỗi vụ cho lợi nhuận cao hơn sản xuất nông nghiệp… Hơn nữa, gia đình bên ngoại có sẵn kinh nghiệm và đang phát triển nghề trồng nấm rất thuận lợi.

 

Vợ chồng chị Loan quyết tâm mang mô hình trồng nấm về địa phương. Bước đầu, anh chị đăng kí tham gia khóa học trồng nấm tại Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam để có những kiến thức, kỹ thuật cơ bản về trồng nấm khoa học, hiện đại. Dù đã tích lũy được kiến thức, chị rất băn khoăn không biết lấy vốn ở đâu để bắt đầu khởi nghiệp.

 

Không cho phép mình nản chí

 

Cơ duyên đến khi chị biết tới TYM thông qua Chi hội Phụ nữ. Ban đầu, mức vốn chị vay từ TYM là 7 triệu đồng kết hợp cùng với vốn tự có, chị Loan bắt tay vào xây dựng cơ sở trồng nấm vào năm 2015 với quy mô nhà xưởng rộng 150m2. Những tưởng mọi chuyện sẽ thuận lợi như tính toán ban đầu nhưng sau một tháng, nhiều bịch nấm rơm bị hỏng do chăm sóc chưa đúng kỹ thuật.

 

Chị thiết nghĩ, không biết đến bao giờ mới thu hồi được số vốn bỏ ra cũng như cả số tiền lãi nữa. Không những thế, việc mua và sử dụng nấm còn rất lạ lẫm đối với người dân quê chồng chị khi mà họ chỉ biết mớ rau, con cá. Lúc này, chị cảm thấy như khó có thể phát triển nghề nấm lâu dài. Được sự động viên của chồng cộng thêm sự ủng hộ nhiệt tình của anh em nội ngoại, chị không cho phép mình nản chí.

 

Sau một năm, chị trả hết vốn vay, đồng thời chị tiếp tục vay tiếp 30 triệu đồng từ TYM để tiếp tục đầu tư thêm 2 giống nấm mới. Hai loại nấm này có giá trị kinh tế cao, sau 2-3 tháng đã được thu hoạch. Ngoài ra, chị còn dành thời gian đi tiếp thị các thị trường trong và ngoài huyện, dần dần mặt hàng của chị  được nhiều người biết tới, có chỗ đứng trên thị trường. Tiếng lành vang xa chị có thêm được nhiều mối hàng mới bền vững. Nguồn vốn ổn định từ TYM cứ quay vòng từ năm này qua năm khác giúp chị yên tâm sản xuất kinh doanh.

 

Đến tháng 6/2017, sau khi hết vốn vi mô, chị mạnh dạn làm hồ sơ vay vốn đầu tư số tiền 50 triệu đồng nhằm mở rộng mô hình trồng trọt. Hiện giờ, cơ sở trồng nấm sò của chị Loan đã trở thành địa chỉ tin cậy cung cấp nấm sò tới các gian hàng trong chợ ở các xã Yên Đồng, Yên Thắng, Yên Cường và các huyện lân cận.

vay-von-tym-khoi-nghiep-mo-hinh-trong-nam-3.jpg
Tận dụng được nguồn vốn vay từ TYM, chị Nguyễn Thị Loan đã xây dựng thành công mô hình trồng nấm, với nhiều loại nấm cho thu nhập cao

Từ một cơ sở trồng nấm nhỏ lẻ với 150m2, đến nay, anh chị đã mở rộng quy mô thành 4 ô lán rộng khoảng 350m2. Với sự tận tâm, nhiệt tình, chịu khó, hai vợ chồng trẻ đã cung cấp ra thị trường hàng tấn sản phẩm nấm sạch các loại như nấm sò, nấm linh chi, nấm rơm… với giá trung bình từ 30.000 đồng/kg nấm sò đến 300.000 đồng/kg nấm linh chi. Bên cạnh đó, gia đình chị còn cung cấp phôi giống và kỹ thuật trồng nấm cho nhiều hộ gia đình khác trong địa phương, tạo ra thu nhập hàng trăm triệu đồng một năm.

vay-von-tym-khoi-nghiep-mo-hinh-trong-nam-5.jpg
Chị Nguyễn Thị Loan (bìa trái) và cán bộ kỹ thuật của TYM cùng trao đổi về mô hình phát triển kinh tế
 
 “Trồng nấm không khó nhưng phải chịu khó chăm sóc và kiên trì với nghề. Chọn và xử lý giống là khâu quan trọng nhất. Bên cạnh đó, việc đóng bịch nấm quyết định đến thành công của vụ nấm. Nước tưới phải đều, nhiều quá thì bịch nấm sẽ úng và hỏng. Phải luôn tạo cho nhà xưởng môi trường ẩm thấp để nấm phát triển nhanh, đồng thời khử trùng thường xuyên để nấm không bị nhiễm bệnh” - chị Nguyễn Thị Loan chia sẻ.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm