Về quê ngoại ăn Tết

03/02/2019 - 22:10
Đối với các cặp vợ chồng lập nghiệp xa nhà, mỗi lần về quê là cả một sự cố gắng. Nào xin nghỉ phép, nào lo tiền tàu xe đi lại, nào chuẩn bị quà cáp… Câu chuyện về ngoại ăn Tết có các khúc biến tấu khác nhau. Đôi lúc hoàn cảnh làm khó người trong cuộc. Nhưng quan trọng vẫn là ý thức của mỗi người với việc này.

Tiền là một trở ngại

Những ngày Sapa áp Tết, Thào vẫn cần mẫn bán ngô nướng ở đèo Ô Quy Hồ. Cô gái 19 tuổi chững chạc hơn rất nhiều cái tuổi hồn nhiên, trẻ trung, tròn trịa.

Lúc chúng tôi tới đó đã hơn 1 giờ chiều. Không có khách. Nhóm chúng tôi vào “oanh tạc” khay trứng nướng, ăn nốt những xiên thịt nướng cuối cùng và đứa nào đứa nấy suýt xoa món ngô nướng dẻo thơm nóng hôi hổi.

Thào vừa làm vừa ngắm chúng tôi trò chuyện, cứ như đó là niềm say mê, khiến cô yêu thích hơn công việc hàng ngày của mình.

Thào có tin nhắn. Cô trả lời hầu như bằng 1 chữ “u” cho những tin nhắn dài dằng dặc. Bếp than hồng trong gió lạnh làm má Thào hồng rực nhưng vẫn không che giấu được cái hồng bẽn lẽn mỗi lần đọc tin nhắn xong. Chúng tôi túm vào đoán các tin nhắn của Thào khiến cho cô càng đỏ bừng đôi má.

Về quê đón Tết là mong mỏi của mọi người con xa quê. Ảnh minh họa
 

 

Sau những dự đoán lung tung của chúng tôi, Thào bỗng bấm điện thoại gọi đi. Giọng cô rất hiền nhưng dứt khoát “Không về thế được đâu. Thêm 1-2 năm nữa rồi tính”. Cô kể, chồng cô đang nhắn tin rủ cô về quê ngoại ăn Tết. Chồng cô bảo đã gọi điện hỏi thuê taxi rồi, giờ chỉ cần chờ vợ về thu xếp là vợ chồng lên đường. Cả đám lại xôn xao về ông chồng tâm lý của Thào, đòi tính tiền cho Thào về đi cho sớm. Nhưng Thào bảo “Em có đi đâu. Nói vậy vì thương em thôi, chứ bọn em làm gì có tiền”.

Chồng Thào vào Nghệ An làm thuê cho nhà ông bác rồi gặp và quen Thào. Lúc đó, cô vừa học xong lớp 11, quyết định nghỉ học đi làm công nhân. Gặp và yêu, bác sĩ bảo thì phải cưới thôi. Hai vợ chồng quyết định quay trở ra sống ở quê chồng. Thào nhanh chóng bắt nhịp với không khí buôn bán du lịch ở đây. Vợ chồng cô mở cái quầy nhỏ bán quần áo, thịt gác bếp, trà đá, đồ nướng phục vụ khách du lịch. Mỗi tháng, vợ chồng cũng tiết kiệm được 3-4 triệu nhưng lúc người thân ốm đau, việc hiếu, việc hỷ dày đặc quá nên chẳng còn tích được bao nhiêu.

2 năm nay, Thào chưa về thăm nhà. Cứ bấm ngón tay mà tính, tiền di chuyển, tiền quà cáp, tiền biếu cha mẹ, tiền tổ chức 1-2 bữa cỗ gặp mặt, tiền phát sinh gặp gỡ bạn bè cũ là Thào chóng cả mặt. Cô bảo “Bọn em chưa có nhiều tiền, sợ về quê lắm. Mình không có tiền thì ăn ít tiêu ít nhưng sợ nhất là làm cho bố mẹ lo lắng, thương xót. Sau một chuyến về quê lại tích cóp cả năm, có việc đột xuất lại không có chỗ nào bấu víu. Quê em quá xa, lúc nào cũng phải có khoản đề phòng chứ không thể thích lên là về được đâu. Về dịp Tết càng sợ chị ơi, chả đủ tiền mà mừng tuổi các bậc cha chú và cho các cháu đâu”.

Thói quen về quê của chồng

 

Ảnh minh họa

 

Hai vợ chồng Quân cùng là người tỉnh trụ lại Hà Nội. Mỗi quê mỗi hướng nên từ trước khi cưới hai người đã thống nhất mỗi năm về một quê đón Tết. Năm đầu ưu tiên về nội ăn Tết. Đến năm thứ hai, vợ Quân sinh con đã về ngoại hơn 1 tháng trước Tết nên khi Quân nghỉ Tết về với vợ con, ông bà ngoại lại động viên vợ chồng về nội ăn Tết, nhân tiện để ông bà nội được ríu rít với cháu. Năm thứ ba, bố Quân ốm nặng đúng 28 Tết nên cả nhà chúc Tết sớm nhà ngoại rồi lại lục tục kéo nhau về quê nội. Mãi năm thứ tư nhà Quân mới chính thức đón Giao thừa và khai Xuân quê ngoại.

Quân rất yêu quý nhà vợ, toàn tâm toàn ý sắm Tết, dọn nhà. Nhưng ai cũng nhận ra Quân ít nói hẳn, thỉnh thoảng như người mất hồn. Sáng mùng 2 Tết, Quân thì thầm với vợ “Anh nhớ nhà lắm, cho anh bắt xe về quê, ngày mai hoặc mùng 4 anh lên ngay”. Tình thế gấp gáp nên cả nhà không rồng rắn đi cùng nhau được, vợ đành để Quân một mình ra bến bắt xe về với thày u ở nhà.

Năm nào cũng về quê ăn Tết

Cứ khoảng 25 Tết, các con được nghỉ học là hai vợ chồng Minh thu xếp về quê. Nhà nội nhà ngoại cách nhau có gần 30km nên không có chuyện đón Tết ở đâu mà cứ góp mặt đủ ở cả 2 quê. Thường thì vợ chồng con cái bồng bế nhau về nội trước. Sắm sanh, thu dọn sớm, để 2 con ở nhà với ông bà nội, vợ chồng lại chạy xe về ngoại. Là con gái cả, sau cũng chỉ có 1 em gái lấy chồng xa, lại sống và làm việc ở quê chồng, mấy năm em mới về ăn Tết 1 lần, vợ chồng Minh trở thành nỗi mong ngóng của bố mẹ. Cho nên, ngay từ khi lấy Tuấn, Minh đã thủ thỉ với mẹ chồng “Anh Tuấn cũng như con trai lớn của bố mẹ con, bố mẹ tạo điều kiện cho chúng con được chạy đi chạy lại nhé”. Và thành lệ, năm nào hai bên thông gia cũng phải gặp nhau 1 ngày, không ở nhà nội thì ở nhà ngoại. Minh thường hỏi ý kiến các ông bà trước rồi chuẩn bị quà cáp, phong bao lì xì đầy đủ nên các cụ rất vui.

Giờ đã gần 10 năm rồi, nhà Minh vẫn giữ nếp ấy. Các con Minh chỉ có một khái niệm về quê ăn Tết chứ không phân biệt về ông bà nội hay ông bà ngoại.

Phân công nhau về quê đón Tết

Vợ chồng Cường Vân người Nam Định, người quê Hà Nam, quen và lấy nhau khi cùng làm công nhân trong Nam. Sau được bà dì giúp đỡ, vợ chồng về Vĩnh Long buôn bán trái cây. Mỗi lần về quê là một hành trình gian nan. Một chặng ô tô lên sân bay. Bay ra Hà Nội. Lại tiếp chặng taxi về quê. Về quê bất ngờ nên thường không đặt được vé giá rẻ. Mà chợ búa cũng không bỏ cho ai được. Thế nên hai vợ chồng luôn phải phân công nhau về quê.

4 Tết rồi hai vợ chồng không được đón Tết cùng nhau vì 1 người luôn về quê với bố mẹ. Kể cả năm Vân sinh con, Cường vẫn về quê, Vân một mình xoay sở với 2 thằng cu mệt bã người.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm