pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vẹo cột sống ở thanh thiếu niên: Điều trị thế nào?
Bác sĩ Hoàng Thị Hương Giang với bài tập cho bệnh nhân vẹo cột sống
Sau đó, em được chỉ định tập luyện điều trị kết hợp với mang áo nẹp chỉnh hình. Bởi căn bệnh này, em luôn gặp phải nhiều bất tiện trong đời sống thường ngày như khó khăn trong việc vận động, đau lưng và chân, không thể đứng thẳng, thậm chí ảnh hưởng tới tâm lý, khiến em cảm thấy tự ti với ngoại hình của mình.
Để nói rõ hơn về căn bệnh này, bác sĩ Hoàng Thị Hương Giang, khoa Nhi - Bệnh viện Phục hồi chức năng Hà Nội, cho biết: "Vẹo cột sống là một thuật ngữ mô tả sự lệch vẹo bất thường của cột sống, gây nên sự biến dạng về giải phẫu. Từ đó ảnh hưởng xấu tới sự phát triển thể chất, gây ra một số bệnh lý về đường hô hấp, hệ tuần hoàn và giảm khả năng vận động của trẻ.
Chẳng hạn như trong trường hợp nghiêm trọng, khung xương sườn có thể đè lên phổi và tim, dễ khiến lồng ngực ép vào phổi, gây khó thở. Mặt khác, nếu lồng ngực ép vào tim sẽ cản trở việc bơm máu. Có thể nói, suy tim và bệnh lý ở phổi là những biến chứng phổ biến của vẹo cột sống".
Mặc dù đây là một căn bệnh phổ biến nhưng tại Việt Nam, chưa có thống kê đầy đủ và toàn diện về vẹo cột sống ở trẻ em. Tuy nhiên, qua một số nghiên cứu, có thể thấy tỷ lệ trẻ em mắc bệnh cao hơn so với các nước trên thế giới, trung bình khoảng 5%-10% và có sự chênh lệch tỷ lệ giữa các vùng, miền: miền núi với đồng bằng, thành thị với nông thôn...
Trong đó, vẹo cột sống ở lứa tuổi thanh thiếu niên (từ 10-19 tuổi) nằm trong nhóm vẹo cột sống vô căn - chưa thể xác định nguyên nhân, chiếm tỷ lệ cao nhất là khoảng 85% số bệnh nhân vẹo cột sống cần điều trị.
Đối với bệnh vẹo cột sống, cần phát hiện sớm, can thiệp sớm, tích cực, kịp thời để đạt được kết quả điều trị tốt nhất. Theo bác sĩ Hoàng Thị Hương Giang, để nhận biết dấu hiệu của bệnh vẹo cột sống ở trẻ, cần chú ý đến những biểu hiện sau đây: gai đốt sống không thẳng hàng, dốc 2 vai không đều nhau, phần xương bả vai nhô ra bất thường, bị gù lưng…
Cột sống là thành phần chống đỡ quan trọng nhất của cơ thể, được các đốt sống xếp chồng lên nhau để tạo thành cấu trúc hoàn chỉnh. Vì vậy, khi bị cong vẹo cột sống, trục của hệ xương thay đổi và tạo ảnh hưởng xấu tới hình thái cơ thể người bệnh.
Một trong những thói quen trẻ cần có để phòng chống vẹo cột sống lưng là ngồi đúng tư thế khi học tập. Phụ huynh cần tạo dựng không gian học tập tại nhà đảm bảo đủ ánh sáng để trẻ dễ đọc, dễ học và tránh việc cúi gằm mặt, cong lưng để viết.
Ngoài ra, trẻ cũng cần chú ý đeo cặp đều hai vai, khi vận động cần tập luyện vừa sức, luôn đảm bảo ăn uống đầy đủ dinh dưỡng và nâng cao thể trạng. Bên cạnh đó, cần theo dõi và khám sức khỏe thường xuyên để phát hiện sớm cong vẹo cột sống ở học sinh và kịp thời điều chỉnh.
Khi trẻ có dấu hiệu nghi ngờ bị vẹo cột sống, cần cho trẻ đến khám tại các cơ sở y tế uy tín để được chẩn đoán, lên kế hoạch theo dõi và điều trị phù hợp với tình trạng bệnh lý hiện tại của trẻ.
Để chữa vẹo cột sống, người bệnh có thể áp dụng rất nhiều cách. Tuy nhiên, tùy thuộc vào mức độ cong vẹo cột sống, bác sĩ sẽ đề ra hướng điều trị phù hợp.
Đeo đai chỉnh cột sống: Đai lưng là dụng cụ giúp hỗ trợ điều trị cong vẹo cột sống. Nó có tác dụng giúp ổn định cột sống, điều chỉnh tư thế, hạn chế sự phát sinh của các cơn đau (nhất là trong mỗi lần vận động). Tuy nhiên, để nhận thấy được hiệu quả, người bệnh cần kiên trì đeo đai chỉnh trong suốt một thời gian dài.
Bài tập hỗ trợ cải thiện vẹo cột sống: Các bài tập chữa vẹo cột sống phù hợp có thể hỗ trợ rất tốt cho người bệnh. Để biết mình có thể thực hiện các bài tập nào, bệnh nhân cần được thăm khám và tư vấn kỹ càng từ bác sĩ.
Đối với những người bị vẹo cột sống ngực, bài tập nên tác động đến vai. Trường hợp bị vẹo cột sống thắt lưng, các động tác nên tập trung vào phần lưng dưới. Hiệu quả của việc luyện tập phụ thuộc vào tính kiên trì đều đặn và thực hiện đúng động tác.