Vì sao bà Lê Hoàng Diệp Thảo muốn đoàn tụ với ông Đặng Lê Nguyên Vũ?

23/05/2019 - 14:11
Theo thông tin mà chúng tôi có được, vụ án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên Lê Hoàng Diệp Thảo và Đặng Lê Nguyên Vũ sẽ được TAND cấp cao tại TP HCM mở phiên xét xử phúc thẩm vào giữa tháng 6/2019.
thaovu2.jpg
Ông Đặng Lê Nguyên Vũ và bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Ly hôn để tránh cho Trung Nguyên sụp đổ

Đó là lời nói trong nước mắt của bà Lê Hoàng Diệp Thảo với PV khi bắt đầu vào câu chuyện của vợ chồng mình.

Sau phiên tòa sơ thẩm, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm và muốn đoàn tụ với ông Đặng Lê Nguyên Vũ. Phía ông Đặng Lê Nguyên Vũ cũng gửi đơn kháng cáo đến tòa đề nghị chia tài sản theo tỉ lệ 70% và 30%.

Trước đó, vào đầu tháng 3/2019, tại phiên tòa sơ thẩm, TAND TP HCM đã ra phán quyết chấp nhận ly hôn theo yêu cầu của bà Thảo. Về tài sản, Tòa chia tài sản chung hai vợ chồng hơn 7.500 tỉ đồng, theo tỉ lệ ông Vũ nhận 60% và bà Thảo nhận 40% khối tài sản.

Về số cổ phần trong Tập đoàn Trung Nguyên, Tòa buộc bà Thảo phải bán cho ông Vũ và ông Vũ được toàn quyền điều hành Tập đoàn Trung Nguyên.

Theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, vụ án này là một đại nạn của gia đình bà, là biến cố lớn nhất trong cuộc đời bà từ trước đến nay.

“Ngay từ khi mới xảy ra cho tới bây giờ, tôi luôn cho rằng đây là một âm mưu rất lớn, thâm độc để tìm cách cướp trắng Trung Nguyên, sản nghiệp của gia đình, do 2 vợ chồng tôi cùng gây dựng từ thuở hàn vi với tất cả tâm sức và tình yêu thương. Anh Vũ như là người cha và tôi như người mẹ của Trung Nguyên vậy.

Tôi không bao giờ nghĩ sẽ ly hôn với anh ấy. Khi anh ấy gặp nạn, tôi luôn xác định mình người đầu tiên và cuối cùng sát cánh vì chồng vì con. Với anh Vũ, tôi nghĩ chỉ mình mới có thể cứu anh ấy”, bà Thảo cho biết.

Cũng theo bà Lê Hoàng Diệp Thảo, mọi biến cố bắt đầu xảy ra với gia đình bà vào năm 2013, sau khi ông Vũ tu tập 49 ngày trên núi trở về và có nhiều thay đổi.

“Từ khi anh Vũ đi thiền, tôi mất quyền điều hành và tại sao tôi phải đệ đơn ly hôn? Đó là vì mong muốn giảm thiểu, là giải pháp tình thế để tránh cho Trung Nguyên bị sụp đổ trong những năm qua, hạn chế sang nhượng, chuyển nhượng cổ phần. Nếu là người quản lý khi gặp vấn đề như vậy, mọi người sẽ nhận thấy đây là thách thức lớn với sự tồn vong của một thương hiệu.

Trước đây tôi đứng sau anh Vũ, là nội tướng của anh Vũ, để anh Vũ tỏa sáng và tôi luôn ước mình mãi như vậy. Giờ đây, khi anh Vũ bị bệnh, tôi buộc phải xuất hiện để cứu Trung Nguyên và đưa anh ấy về với gia đình yêu thương của mình”, bà Thảo tâm sự.

a1.jpg
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

Mong sớm kết thúc tranh chấp, đoàn tụ gia đình

Nói về việc tại phiên tòa sơ thẩm, ông Vũ tố cáo bà Thảo nhiều lần đưa ông Vũ đi khám bệnh tâm thần, bà Thảo cho biết: Ngày đó, sau khi tu tập 49 ngày trên núi trở về, anh Vũ trở thành một con người hoàn toàn khác. Lúc đó, không chỉ mình tôi, mà con cái, người thân đều chứng kiến việc đó. Ai cũng bảo tôi phải tìm cách cứu anh Vũ đi, vì vậy tôi mới đưa anh ấy đi khám. Đưa anh ấy đi là để tìm giải pháp, chứ không phải là đẩy tới bệnh viện tâm thần. Lúc đó, tôi nghĩ mình là người vợ, bạn đời của anh ấy, nên mình phải có trách nhiệm giúp bạn đời của mình thoát khỏi bởi những người đầu độc, thao túng xung quanh.

“Bản thân tôi luôn mong muốn đoàn tụ gia đình, mong muốn được lo lắng, chăm sóc cho anh Vũ. Anh ấy bị bệnh nên mới cư xử với tôi như vậy, đó cũng là mong muốn của nhóm âm mưu hãm hại gia đình tôi. Dù vậy, tôi vẫn sẽ luôn nỗ lực để giúp chồng mình đi chữa bệnh, ổn định Trung Nguyên để bảo toàn sản nghiệp. Đây là thương hiệu quốc gia, không chỉ là chuyện riêng của gia đình tôi và chúng tôi có trách nhiệm gìn giữ thương hiệu quốc gia lớn như vậy”, bà Thảo nói.

Tập đoàn Trung Nguyên gặp nhiều biến cố kể từ khi ông Vũ kết thúc 49 ngày thiền định và nhịn ăn tại trang trại M’drak (ĐăkLăk) vào cuối năm 2013. Ông Vũ khẳng định đã lên núi ẩn tu trong suốt 5 năm qua và kể từ đó rất hiếm khi xuất hiện trước công chúng, ở công ty và gia đình.

Đột ngột vào tháng 4/2015, Tập đoàn Trung Nguyên ra quyết định bãi nhiệm chức danh Phó Tổng Giám đốc Thường trực của bà Thảo tại Tập đoàn này. Sự bãi nhiệm đó đã đẩy bà Thảo ra khỏi cương vị của người đồng sáng lập, quản lý và điều hành của Tập đoàn.

Cũng từ thời điểm này, mọi hoạt động hàng ngày của Trung Nguyên đều được ủy quyền cho cấp dưới quản lý. Sự bất thường này làm dấy lên những hoài nghi về năng lực hành vi của ông Vũ cũng như sự thao túng của thế lực khác nhằm vụ lợi khối tài sản của Trung Nguyên.

Trước thực tế này, bà Thảo đệ đơn ly hôn. Cũng kể từ đó đến nay liên tiếp diễn ra các vụ việc pháp lý khiến Trung Nguyên gặp nhiều bất ổn trong hoạt động kinh doanh và phát triển thương hiệu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm