Vì sao bị cấm nhưng mang thai hộ vẫn bùng nổ tại Trung Quốc?

03/01/2019 - 12:44
Nhiều phụ nữ Trung Quốc kết hôn muộn, ảnh hưởng khả năng sinh nở nên càng có nhu cầu tìm người mang thai hộ ở nước ngoài, đặc biệt là Mỹ. Các chuyên gia trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình ước tính, mỗi năm có trên 10.000 trẻ em ra đời theo cách này. Theo ước tính, hiện có không dưới 1.000 công ty thực hiện việc môi giới mang thai hộ ở Trung Quốc.
Bùng nổ dịch vụ mang thai hộ
 
Cũng như nhiều nước trên thế giới, mang thai hộ là bất hợp pháp tại Trung Quốc. Tuy nhiên, nhu cầu có con ngày càng cao ở nước này, nhất là sau khi chính phủ nới lỏng chính sách kế hoạch hóa gia đình khiến thị trường chợ đen về mang thai hộ bùng nổ đến mức không thể kiểm soát. Nhiều phụ nữ Trung Quốc kết hôn muộn, ảnh hưởng khả năng sinh nở nên càng có nhu cầu tìm người mang thai hộ.
 
Thị trường mang thai hộ xuất phát từ nhiều yếu tố: Cuộc sống kinh tế của người Trung Quốc bây giờ khá giả hơn, nhiều phụ nữ nước này có học vấn cao và chờ đến sau tuổi 30 mới lập gia đình, điều đó khiến khả năng sinh con của họ khó khăn hơn. Một nguyên nhân khác khiến người Trung Quốc phải tìm đến dịch vụ mang thai hộ là tình trạng vô sinh ngày càng phổ biến ở nước này do tình trạng ô nhiễm mọi mặt (khói bụi, nước và tiếng ồn …). Viện Dân số Trung Quốc cho biết hơn 40 triệu người Trung Quốc hiện nay bị coi là vô sinh, và tỉ lệ vô sinh ở Trung Quốc đã tăng gấp 4 lần, lên mức 12,5% số người trong độ tuổi sinh sản trong vòng 2 thập kỷ qua.
 
mang-thai-ho-cho-nguoi-tq-5.jpg
Mang thai hộ là bất hợp pháp tại Trung Quốc

 

Tâm lý cũng có vai trò không nhỏ trong việc mang thai hộ. Không như các nước phương Tây, nhiều người Trung Quốc xem việc không có con nối dõi là tội lớn với tổ tiên. Nhiều phụ nữ quyết có con bằng mọi giá vì nếu không, họ lo chồng của mình sẽ tìm cách có con với một phụ nữ khác.
 
Các chuyên gia trong lĩnh vực kế hoạch hóa gia đình ước tính, mỗi năm có trên 10.000 trẻ em ra đời theo dịch vụ mang thai hộ. Hiện có không dưới 1.000 công ty thực hiện việc môi giới mang thai hộ ở Trung Quốc. Khi không tìm được người mang thai hộ, các công ty còn tìm người làm việc này ở các nước lân cận.
 
Giới trung lưu Trung Quốc "rủ nhau" sang Mỹ... thuê người mang thai hộ
 
Sang Mỹ sử dụng dịch vụ mang thai hộ vừa giúp cha mẹ tránh những rắc rối về luật pháp Trung Quốc đồng thời tạo điều kiện cho con làm thẻ xanh đến Mỹ sau này. Cô Linda Zhang, một người phụ nữ Trung Quốc đã rất đau lòng khi biết hai vợ chồng cô không thể có con. Cô đã nghĩ đến việc thuê người mang thai hộ nhưng đây vẫn là điều bất hợp pháp tại Trung Quốc. “Tôi nghe bạn bè từ Mỹ nói ở đó luật pháp về mang thai hộ cũng như các thủ tục y tế đã được nới lỏng nhiều. Vì vậy, tôi quyết định sang Mỹ tìm người mang thai hộ cho tôi”, Zhang nói. 14 tháng sau đó, hai vợ chồng Zhang trở về Thượng Hải cùng con trai mới sinh. Hai vợ chồng Zhang chỉ là một trong nhiều gia đình Trung Quốc thuê người mang thai hộ tại Mỹ.
 
mang-thai-ho-cho-nguoi-tq-2.jpg
Anh Tony Jiaang đã có 3 người con sinh ra nhờ phụ nữ Mỹ mang thai hộ

  

Các công ty môi giới mang thai hộ ở Trung Quốc và Mỹ đang làm ăn rất phát đạt khi ngày càng nhiều các gia đình giàu có ở Trung Quốc đua nhau thuê phụ nữ người Mỹ mang thai hộ. John Weltman, nhân viên một Trung tâm dịch vụ mang thai hộ tại Boston (Mỹ), cho biết: “Rất nhiều khách hàng Trung Quốc sử dụng dịch vụ chúng tôi. Tôi chưa bao giờ chứng kiến số lượng khách hàng từ một quốc gia lớn như thế”. Ngày càng nhiều gia đình Trung Quốc bỏ ra khoản tiền lớn để thuê phụ nữ Mỹ mang thai hộ với hy vọng cả nhà sẽ được định cư ở Mỹ.
 
Công ty Circle Surrogacy ở Boston, Mỹ cho biết họ đã xử lý hàng trăm ca mang thai hộ cho người Trung Quốc trong vòng 5 năm qua. Giám đốc công ty John Weltman cho biết, nhiều khách hàng Trung Quốc muốn lựa chọn quốc tịch Mỹ cho con cái của mình, còn một số người muốn con em mình được hưởng nền giáo dục tốt hơn ở Mỹ. Chi phí cho mỗi ca mang thai hộ của các công ty ở Trung Quốc vào khoảng 120.000 đến 200.000 USD và nếu cộng thêm các chi phí khác như vé máy bay và tiền chăm sóc các lại, tổng chi phí có thể lên tới 300.000 USD. Tuy nhiên, kết quả của khoản đầu tư này là toàn bộ gia đình có thể được đinh cư ở Mỹ. Việc sinh con tại Mỹ sẽ tạo điều kiện cho em bé có thể làm thẻ xanh sang Mỹ vào năm 21 tuổi.
 
mang-thai-ho-cho-nguoi-tq-4.jpg
Dịch vụ mang thai hộ ở Mỹ đang phất lên

 

Khoản đầu tư này được coi là một món hời nếu so với số tiền mà người Trung Quốc phải bỏ ra để có được visa diện EB-5 của Mỹ. Theo đó, để được định cư ở Mỹ, họ sẽ phải đầu tư tối thiểu 500.000 USD vào một lĩnh vực kinh doanh tạo công ăn việc làm ở Mỹ. Trong khi đó, nhiều người giàu có ở Trung Quốc nói rằng họ muốn có một nơi ẩn náu ở nước ngoài vì lo sợ sẽ xảy ra bất ổn xã hội trong tương lai, với quan niệm rằng của cải của họ sẽ được bảo vệ tốt hơn ở Mỹ.
 
Những thiên đường hấp dẫn khác
 
Nhiều người giàu ở nền kinh tế số 2 thế giới muốn di cư đến một quốc gia có hệ thống giáo dục tốt hơn và thoát khỏi các thành phố ô nhiễm, cũng như chính sách khắt khe của chính phủ. Ngoài ra, bảo vệ tài sản cũng là một trong những lý do. Hiện tài sản ở nước ngoài chiếm 11% tổng tài sản của các triệu phú Trung Quốc.
 
Ở Canada, việc bao thẻ xanh cho phụ huynh cũng đang dần được cởi trói khiến ngành công nghiệp du lịch sinh con tại nước này ngày càng hấp dẫn. Theo thống kê công bố hồi tháng 7/2018, tỷ lệ sinh của những người mẹ quốc tịch nước ngoài, đặc biệt là Trung Quốc, tại Canada tăng vọt trong 3 năm trở lại đây.
 
mang-thai-ho-cho-nguoi-tq-3.jpg
Một trung tâm môi giới đẻ thuê ở Canada

 

Tuy vậy, gần đây, một trào lưu âm thầm hơn, kín kẽ hơn và ít được biết tới hơn đã hé lộ: Loạt phóng sự điều tra của báo Mainichi Shimbun (Nhật Bản) đã soi rọi vào những góc khuất cũng như các kế hoạch lạnh lùng của câu chuyện "đẻ chui" ở “đất nước mặt trời mọc” của những gia đình Trung Quốc. Theo đó, nhiều người thân của các quan chức Trung Quốc cấp cao đã tận dụng hoạt động kinh doanh đẻ mướn ngầm len lỏi ở Tokyo để có những đứa con mang quốc tịch Nhật nhằm tẩu tán tài sản và tính đường chuồn khi cần.
 
Sau khi thương thảo với một người môi giới đẻ mướn Trung Quốc suốt gần 6 tháng, Mainichi Shimbun mới gặp được một phụ nữ Bắc Kinh - vốn là thành viên trong gia tộc giàu có và cậu con trai 2 tuổi mang quốc tịch Nhật. "Tôi không chịu chuyện đẻ mướn. Thế nhưng, không ai trong gia đình có thể trái lệnh của bác chồng tôi" - người mẹ trải lòng.
 
Theo lời kể, chồng phụ nữ nêu trên là cán bộ quản lý của một công ty thương mại và bác chồng cô giữ chức vụ cao trong chính quyền. Chính ông bác chỉ thị cháu dâu sang Nhật dàn xếp người đẻ mướn. Ông nói: "Nếu trong gia đình có người mang quốc tịch Nhật sẽ dễ dàng chạy sang đó hơn khi có biến".
 
nguoi-tq-su-dung-dich-vu-de-thue-o-nuoc-ngoai.jpg
Người Trung Quốc không tiếc tiền thuê người nước ngoài mang thai hộ

 

Với một thành viên mang quốc tịch Nhật, gia đình người Trung Quốc có thể an toàn chuyển tài sản sang Nhật. Đồng thời, các thành viên trong nhà cũng dễ dàng hơn trong việc mua bán bất động sản hay mở công ty ở đây. Điều đó cũng tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các giao dịch sang nước thứ 3 như Mỹ.
 
Trong khi đó, một người đàn ông Trung Quốc ở độ tuổi 40 có cậu con trai 2 tuổi mang quốc tịch Nhật Bản cũng thông qua "đẻ mướn" tiết lộ tài khoản đứa bé có 2 tỉ yen (tương đương hơn 17 triệu USD). Giải đáp thắc mắc của phóng viên về việc số tiền lớn như vậy trong tài khoản của một đứa trẻ lẽ nào không bị để mắt tới, người đàn ông tự tin: "Những người trong ngành tài chính đều hiểu cả, thế nên chúng tôi vẫn ổn".
 
Một người Trung Quốc hành nghề môi giới dịch vụ đẻ mướn tiết lộ với Mainichi Shimbun rằng trong 4 năm (2012-2016) đã thu xếp cho 86 đứa trẻ Trung Quốc có quốc tịch Nhật. Chi phí 1 trường hợp lên tới 15 triệu yen (hơn 130.000 USD). Luật pháp Nhật Bản không cấm việc mang thai hộ. Ngoài ra, đứa trẻ sinh ra bằng dịch vụ đẻ mướn ngầm ở Tokyo có thể có được quốc tịch Nhật Bản.

Liên quan tới chuyên án triệt phá băng nhóm tổ chức mang thai hộ xuyên quốc gia vừa bị công an TPHCM triệt phá. Chiều 2/1/2019, Công an TPHCM tiến hành khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam 5 đối tượng có liên quan.

5 đối tượng bị khởi tố: Cai Guo Lin (SN 1982), Cai Guo Fang (SN 1965, cùng quốc tịch Trung Quốc); Hoàng Thị Thu Trang (SN 1992, quê Đắk Lắk); Triệu Thị Hằng (SN 1978, quê Thanh Hóa) và Nguyễn Thị Mai Anh (SN 1995, quê Nam Định) để điều tra về tội "Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” theo điều 187 Bộ luật Hình sự năm 2015. Đây là vụ án đầu tiên về hành vi phạm tội này bị Công an TPHCM khởi tố.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm