Vì sao có hiện tượng thải ghép trong ghép tạng?

Mai Nguyễn
10/05/2022 - 10:30
Vì sao có hiện tượng thải ghép trong ghép tạng?

Ảnh minh họa

Một trong những thành tích nổi bật của khoa học hiện đại là phẫu thuật ghép nội tạng nhưng sau quá trình ghép thường xuất hiện tình trạng thải ghép, tức bộ phận cho không tương thích, khiến cơ thể người nhận từ chối, đào thải.

Ca ghép tạng thành công đầu tiên diễn ra vào năm 1954 tại Mỹ. Thuật ngữ "cấy ghép nội tạng" (organ transplant) có thể hiệu rộng là bao gồm việc cấy ghép các cơ quan chính như tim, gan hoặc thận hay cấy ghép các mô như da, tủy xương và giác mạc… Thải ghép xảy ra khi mô cấy ghép bị hệ thống miễn dịch của người nhận từ chối.

Cho dù tạng đến từ người hiến tặng còn sống hay đã chết não, người nhận phải đối mặt với rủi ro khi cấy ghép, kể cả nguy cơ tử vong. Người nhận cũng phải gặp các biến chứng phát sinh nhiều năm sau khi cấy ghép và tất cả ca cấy ghép nội tạng đều có nguy cơ đào thải.

Sự đào thải nội tạng xảy ra khi hệ thống miễn dịch của cơ thể bắt đầu tấn công cơ quan được cấy ghép, coi vật cấy ghép như vật thể ngoại lai. Nếu không được điều trị, phản ứng từ chối có thể dẫn đến bệnh nặng cho người nhận nội tạng, thậm chí có thể tử vong. Có hai loại từ chối nội tạng là đào thải cấp tính, xảy ra trong vòng vài tháng sau khi cấy ghép nội tạng và đào thải mạn tính, xảy ra một năm sau lần cấy ghép. Từ chối cấp tính và mạn tính là kết quả của các yếu tố khác nhau, do đó việc điều trị cũng khác nhau.

Theo các chuyên gia y tế Mỹ, mặc dù thải ghép gây hậu quả nặng nề nhưng y học vẫn có cách điều trị. Một trong những thủ thuật này là sử dụng các loại thuốc ức chế miễn dịch. Thuốc ức chế miễn dịch ngăn chặn hệ thống miễn dịch của cơ thể, không cho nó tấn công cơ quan vừa được cấy ghép.

Thuốc ức chế miễn dịch lần đầu được sử dụng là năm 1978, đó là thuốc Cyclosporine giúp cải thiện kết quả của các bệnh nhân cấy ghép. Đến nay, thuốc ức chế miễn dịch là một phần của phác đồ tiêu chuẩn cho tất cả những người nhận nội tạng. Tuy nhiên, thuốc không hiệu quả 100%, có nghĩa là vẫn xảy ra tình trạng đào thải nội tạng. Vì lý do này, bệnh nhân bắt đầu bị đào thải nội tạng cấp tính cần điều chỉnh các loại thuốc, còn nhóm mạn tính thì phải điều trị phức tạp hơn. Để mang lại hiệu quả, bệnh nhân cần tuân thủ phác đồ điều trị và để ý nếu có bất kỳ triệu chứng tiêu cực xảy ra trong quá trình thay đổi thuốc.

Triển vọng của ghép tạng

Theo BBC, kỹ thuật ghép tạng không ngừng phát triển và đạt những thành tựu mới. Một trong những thành tựu này là xenotransplant, hoặc cấy ghép nội tạng từ động vật sang cho người. Trong khi vật liệu hiến tặng nội tạng từ người được xem là tối ưu thì thực tế "chuỗi cung ứng" này ngày càng khan hiếm. Tại Mỹ, mỗi ngày có 17 người ở Mỹ chết trong khi chờ ghép nội tạng nên dùng xenotransplant là giải pháp tình thế hiệu quả. Đầu năm 2022, tại Mỹ người ta đã dùng tim lợn biến đổi gene để cấy cho người. Người nhận nội tạng đó sau đó đã chết nhưng y học hy vọng quá trình này sẽ sớm được hoàn thiện.

Những phát triển mới khác trong lĩnh vực cấy ghép nội tạng bao gồm nỗ lực ngừng thuốc ức chế miễn dịch. Mặc dù thuốc ức chế miễn dịch hiện rất cần thiết cho tất cả người được cấy ghép nhưng chúng cũng có những tác dụng phụ tiêu cực, khiến người ghép tạng dễ mắc các bệnh truyền nhiễm hơn. Hy vọng các kỹ thuật tế bào gốc có thể khắc phục nhược điểm này, giúp các cơ quan bị tổn thương tái sinh, thay vì ghép nội tạng của người khác như hiện nay.

Nguồn: Grunge
Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm