Vì sao Quốc hội không thực hiện giám sát chuyên đề trong năm 2021?

D.H
09/06/2020 - 14:56
Vì sao Quốc hội không thực hiện giám sát chuyên đề trong năm 2021?
Với 440/442 đại biểu bấm nút tán thành, Quốc hội chiều nay 9/6 thống nhất việc thông qua Nghị quyết về chương trình giám sát của Quốc hội năm 2021. Một trong những nội dung đáng chú ý là chương trình sẽ không có chuyên đề giám sát trong hai kỳ họp của năm 2021.

Chiều nay 9/6, Quốc hội biểu quyết về Nghị quyết chương trình giám sát năm 2021. Kết quả, có 440/442 đại biểu thống nhất thông qua Nghị quyết chương trình. Có 1 ĐBQH không tham gia biểu quyết và 1 ĐBQH không tán thành.

Quốc hội thống nhất cao việc không giám sát chuyên đề trong năm 2021 - Ảnh 1.

Kết quả biểu quyết Nghị quyết về chương trình giám sát năm 2021

Trước khi Quốc hội bấm nút biểu quyết, Tổng Thư ký Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, điểm đáng chú ý của Chương trình giám sát Quốc hội năm 2021 là sẽ không thực hiện giám sát chuyên đề.

Theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, thông thường vào năm chuyển giao nhiệm kỳ, Quốc hội sẽ chọn một chuyên đề giám sát tại phiên họp cuối năm. Tuy nhiên, căn cứ đặc điểm, tình hình đặc thù của năm 2021, sau khi cân nhắc, UBTVQH dự kiến báo cáo Quốc hội cho phép không đề xuất nội dung giám sát chuyên đề vào Chương trình giám sát năm 2021 của Quốc hội.

Lý do là năm 2021 các cơ quan, địa phương phải dành nhiều thời gian cho công tác kiện toàn tổ chức, nhân sự bên cạnh việc đảm bảo thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên của mình. Do vậy sẽ không có đủ thời gian để triển khai giám sát toàn diện, có chiều sâu nên sẽ ảnh hưởng đến chất lượng và hiệu quả giám sát.

Xuất phát từ thực tế đã triển khai giám sát chuyên đề trong năm chuyển giao giữa hai nhiệm kỳ khóa XIII và khóa XIV cho thấy một số bất cập như: Phải thay đổi nhân sự của Đoàn giám sát (do Quốc hội và UBTVQH khóa trước thành lập) để Quốc hội khóa mới có thể tiếp tục tiến hành giám sát, dẫn đến gián đoạn trong khâu tổ chức triển khai thực hiện.

Việc tiếp cận của đại biểu Quốc hội khóa mới đối với nội dung giám sát chuyên đề (do Quốc hội nhiệm kỳ trước quyết định và đã triển khai giám sát) sẽ rất khó khăn, thiếu thông tin thực tiễn, ảnh hưởng đến việc đảm bảo tính chuyên sâu, toàn diện của vấn đề giám sát, vì vậy, việc xem xét, quyết định kết quả giám sát khó bảo đảm hiệu quả như yêu cầu đặt ra.

Cũng theo ông Nguyễn Hạnh Phúc, năm 2021 là năm tổ chức Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026, Quốc hội sẽ tiến hành ba kỳ họp, gồm:

Kỳ họp thứ 11, Quốc hội khóa XIV (cuối tháng 3-2021) tập trung vào việc tổng kết công tác nhiệm kỳ; công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, là kỳ họp đầu tiên của Quốc hội khóa mới (cuối tháng 7-2021), chủ yếu tập trung làm công tác tổ chức bộ máy và nhân sự cấp cao của các cơ quan Nhà nước; xem xét báo cáo kết quả công tác bầu cử đại biểu Quốc hội nhiệm kỳ khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân nhiệm kỳ 2021-2026.

Kỳ họp thứ 2, Quốc hội khóa XV (cuối tháng 10-2021) tập trung vào các nội dung chính về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, xây dựng pháp luật, quyết định các vấn đề quan trọng và một số hoạt động giám sát.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm