14/15 vụ xâm hại trẻ em từ người thân
Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em là nội dung được nhiều đại biểu Quốc hội bày tỏ sự quan tâm trong phiên thảo luận, và đồng thuận lựa chọn làm nội dung để Quốc hội giám sát tối cao trong năm 2020. Thực hiện nội dung này, chiều 26/8 đoàn giám sát đã có mặt tại huyện Chương Mỹ (Hà Nội) và làm việc với chính quyền huyện này.
Theo báo cáo của huyện Chương Mỹ, trong vòng từ năm 2015 – 2019, toàn huyện xảy ra 15 vụ xâm hại trẻ em, trong đó có 14 trẻ em gái là người bị hại. Điều đáng lưu tâm là trong 15 vụ xâm hại trẻ em thì có 13 vụ xâm hại tình dục; 14 vụ xâm hại xuất phát từ người thân, quen và chỉ có một vụ là đối tượng xâm hại là người lạ. Một điều đặc biệt nữa là riêng 6 tháng đầu năm 2019, có đến 8 vụ xâm hại trẻ em liên tiếp xảy ra tại huyện này, trong đó có một trẻ em tử vong.
Ông Hoàng Minh Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Chương Mỹ nhận định, các vụ xâm hại trẻ em xảy ra ngày càng nhiều, mức độ nghiêm trọng hơn, tính chất phức tạp hơn. Đối tượng sử dụng các thủ đoạn tinh vi lợi dụng mối quan hệ bị lệ thuộc để khống chế nên trong thời gian dài không bị phát hiện. Chỉ đến khi nạn nhân có thai, bị thương tích trên người, bị người thân phát hiện hoặc bị tố giác mới thông báo với cơ quan chức năng.
Tình hình phức tạp nhưng theo huyện này, việc xử lý các vụ việc cũng như kiểm soát tình trạng trên gặp nhiều khó khăn. “Xâm hại trẻ em thường không tố giác ngay, thời gian xảy ra đã lâu, đối tượng không nhận tội.. gây khó khăn trong công tác điều tra. Trong khi đó, một số điều luật chưa có hướng dẫn cụ thể. Vấn đề nhân lực cũng khó khăn khi cán bộ phụ trách mỗi xã chỉ có một cán bộ kiêm nhiệm, còn lại phải huy động cộng tác viên…” – ông Hiến nhận định.
Một thông tin đáng chú ý cũng được ông Hiến đưa ra, đó là do nguồn lực khó khăn, toàn huyện hiện nay chưa có một công trình chuyên biệt nào cho trẻ em vui chơi giải trí như cung văn hóa, nhà văn hóa dành riêng cho trẻ em. “Việc đầu tư cho trường học mặc dù 40% vốn đầu tư xây dựng cơ bản là dành cho giáo dục nhưng vẫn chưa đủ. Hệ thống tường rào, nhà vệ sinh hàng trăm tỷ đồng, không thể bố trí nổi với số lượng trường lớn như thế. Trong khi đó, khai thác nguồn lực xã hội rất hạn chế, mỗi năm chỉ huy động được 400 – 500 triệu đồng để ủng hộ quỹ bảo trợ trẻ em của huyện” – ông Hiến cho hay.
Nhiều băn khoăn còn bỏ ngỏ
Trước thông tin báo cáo của huyện, nhiều đại biểu tham gia đoàn giám sát bày tỏ sự băn khoăn khi một số vấn đề chưa được làm rõ. Bà Nguyễn Thanh Hải – Trưởng Ban Dân Nguyện Quốc hội cho rằng, trách nhiệm quản lý nhà nước của đội ngũ cán bộ huyện về vấn nạn trên còn quá mờ nhạt. “Đặc biệt trong công tác xét xử điều tra, tôi đề nghị nêu thêm có vụ nào xét xử chưa nghiêm, chưa đủ sức răn đe hay bỏ lọt tội phạm hay không? Có những vụ việc không thể hòa giải vì đã có chứng cứ, có xét xử, hay có những vụ việc quan điểm xét xử chưa nghiêm” – bà Hải nói.
Ở góc độ xã hội, ông Nguyễn Hoàng Mai – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội băn khoăn về số liệu báo cáo 100% trường học có tổ tư vấn tâm lý, liên quan đến trình độ chuyên môn của giáo viên, hay là các trường chỉ thành lập tổ này… cho có? “Huyện có đánh giá tình hình trẻ em với nạn ma túy, hay chống xâm hại với trẻ khuyết tật, thì đối tượng này được bảo vệ như thế nào?” – ông Mai cho hay.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh thậm chí còn khá thẳng thắn khi cho rằng, chính quyền huyện chưa nhận thức đầy đủ về xâm hại trẻ em, nhiều vụ việc nghiêm trọng nhưng xét xử có dấu hiệu giảm nhẹ, sự phối hợp công an và nhà trường thiếu chặt chẽ khiến học sinh bị xâm hại ngay trong trường học. Bà Khánh đề nghị thanh tra lại một số vụ việc tại Chương Mỹ, sau đó báo cáo lại với đoàn giám sát.
Nhiều đại biểu cũng thể hiện sự lo lắng, hay chưa hài lòng về quá trình thực thi chống xâm hại tình dục trẻ em của huyện trong thời gian qua, đặc ra nhiều khúc mắc như việc quan tâm trẻ em sau khi bị xâm hại đến đâu, tại sao 6 tháng đầu năm tăng đột biến với 6 vụ xâm hại, và trẻ em – đối tượng chính cần được quan tâm, đã được quan tâm để phổ biến tuyên truyền pháp luật đến đâu…
Bà Nguyễn Thị Thu Hà - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội LHPNVN tỏ ra băn khoăn trước thông tin báo cáo của huyện là chưa có các cơ sở dịch vụ để hỗ trợ trẻ em. Theo bà, Luật Trẻ em đề cập nhiều về các cơ sở dịch vụ này, cùng với các cấp độ từ tư vấn hỗ trợ, cung cấp thông tin, tố giác tội phạm… Trong khi đó, cả huyện chưa hề có cơ sở nào, giải pháp cũng chưa thấy nêu.
Một vấn đề nữa, theo bà Thu Hà không có dữ liệu nào trong báo cáo đề cập đến vai trò giám sát của MTTQ và đoàn thể. “Trong vụ việc xâm hại trẻ mới đây mà huyện Chương Mỹ khởi tố tội "dâm ô", Đoàn Chủ tịch Trung ương Hội LHPNVN đã có văn bản gửi Công an TP. Hà Nội, Viện KSND TP. Hà Nội vào tháng 3/2019 tuy nhiên đến giờ này sau 5 tháng chúng tôi vẫn chưa nhận được bất cứ thông tin phản hồi nào. Trên thực tế, các cơ quan đoàn thể MTTQ có kiến nghị và tham gia vào quy trình này như thế nào? Nếu có thì các ý kiến được tiếp thu ra sao và phối hợp giải quyết đến đâu?” – bà Thu Hà băn khoăn.
Đồng Quan điểm, bà Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội Bảo vệ quyền trẻ em Việt Nam cho rằng, việc huy động giám sát phản biện xã hội của MTTQ, đoàn thể là cần thiết vì lợi ích vô cùng thiết thực, đặc biệt là đoàn thanh niên, hội phụ nữ. Thay vì chỉ để cho nhà trường làm, huyện nên xem xét huy động vai trò của các tổ chức. Bà cũng nhấn mạnh việc hỗ trợ tâm lý cho các trẻ sau khi bị xâm hại, đồng thời gợi ý tổ chức các trao đổi, đối thoại nhỏ để lắng nghe trẻ em nói lên ý kiến của mình về vấn đề xâm hại tình dục.
Kết luận tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu cho biết, thực trạng xâm hại trẻ em vẫn sẽ gia tăng, nhiều hành vi hơn chứ không đơn thuần khoanh trú ở xâm hại tình dục, bạo lực, sức khỏe… do đó, huyện cần đưa vào báo cáo để có giải pháp chỉ đạo, ngăn ngừa tình trạng. Bên cạnh đó, trách nhiệm quản lý nhà nước của huyện cần được thẳng thắn nhìn nhận rõ, cụ thể hóa kế hoạch đến cấp xã.
“Cần phân tích vai trò, trách nhiệm của gia đình trong chăm sóc bảo vệ trẻ em. Với tinh thần là một người làm nhiều việc trong điều kiện khó khăn, do đó cần có sự phối kết hợp các tổ chức đoàn thể, đồng thời tăng cường công tác thanh kiểm tra giám sát, giải quyết khiếu nại tố cáo” – ông Uông Chu Lưu nhấn mạnh
Không phải ngẫu nhiên mà huyện Chương Mỹ được lựa chọn để giám sát, liên quan đến vấn nạn xâm hại trẻ em gây nhức nhối dư luận. Trong toàn thành phố Hà Nội, đây là địa bàn có diện tích lớn thứ ba (sau Sóc Sơn, Ba Vì), là huyện có số đơn vị hành chính lớn nhất với 30 xã, 2 thị trấn, tổng dân số trên 33 vạn người. Toàn huyện có hơn 88.500 trẻ em dưới 16 tuổi, trong đó có gần 43.000 trẻ em nữ. Số lượng trẻ em có cha mẹ ly hôn là gần 1.500 em, và có khoảng 570 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Có 115 trường học các cấp đang nằm trên địa bàn huyện. Địa bàn rộng, giáp ranh nhiều vùng, số lượng dân cư đông… là những yếu tố được đại biểu quan tâm, khi chọn Chương Mỹ làm điểm nóng của đợt giám sát tối cao lần này. |