Vì sao số ca tử vong do bệnh dại tăng?

Anh Đào
27/03/2024 - 21:04
Vì sao số ca tử vong do bệnh dại tăng?

Một bệnh nhân dại được Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương tiếp nhận và điều trị

Mới đây, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương đã tiếp nhận 2 bệnh nhi lên cơn dại, không thể cứu được. Chỉ trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, cả nước đã ghi nhận 22 ca tử vong vì bệnh dại, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm 2023. Với con số này, bệnh dại có tỷ lệ tử vong cao nhất trong số các bệnh truyền nhiễm hiện nay.

Trong 2 bệnh nhi vừa được Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương tiếp nhận có một trường hợp 11 tuổi, quê ở Hoà Bình, nhập viện sau 1 tháng bị chó nhà cắn và không được tiêm phòng dại. Bệnh nhi thứ 2 quê ở Thanh Hoá, nhập viện sau 3 tháng bị chó lạ cắn, cũng không được tiêm phòng dại. 

Hai bệnh nhi đều được các bệnh viện tuyến dưới chuyển lên, nhập viện trong tình trạng xuất hiện cơn kích thích, bồn chồn, tức ngực, khó thở, sợ gió, sợ ồn, tăng tiết đờm dãi, khạc nhổ nhiều lần. Hai bệnh nhi này được chẩn đoán mắc bệnh dại và đã tử vong. 

Bác sĩ Lê Văn Thiệu, Khoa Nhiễm khuẩn Tổng hợp (Bệnh viện Bệnh nhiệt đới Trung ương), cho biết, nếu được tiêm phòng ngay sau khi bị chó cắn thì có lẽ hai bệnh nhi đã không bị tử vong.

"Đối với bệnh dại, có một điều khiến đa số y bác sĩ đều day dứt đó là bệnh nhân khá tỉnh táo, người bệnh tỉnh đến khi tử vong. Bản thân người bệnh biết rằng bị bệnh dại thì họ sẽ chết nên rất hoang mang, lo sợ." - Bác sĩ Thiệu chia sẻ.

Ngoài con số 22 ca tử vong vì bệnh dại, trong hơn 2 tháng đầu năm 2024, cả nước còn ghi nhận hơn 100.000 người phải điều trị dự phòng do bị chó, mèo cắn. Trong đó, nhiều trường hợp dưới 5 tuổi bị cắn ở vùng đầu, mặt, gần khu vực thần kinh trung ương. 

Vì sao số ca tử vong do bệnh dại tăng?- Ảnh 1.

Bệnh nhi ở Hoà Bình nhập viện sau 1 tháng bị chó dại cắn

Đáng chú ý, thời gian ủ bệnh ngắn hơn, khoảng 5-7 ngày, trong khi thông thường là từ 2 đến 8 tuần. Theo bác sĩ Lê Văn Thiệu, bệnh dại có thời gian ủ bệnh phức tạp, phụ thuộc vào tình trạng, vị trí vết cắn, số lượng virus lây nhiễm ở cơ thể. Nếu vị trí vết cắn ở chân nguy cơ thấp, thời gian ủ bệnh dài hơn so với vị trí cắn ở tay hoặc đầu mặt cổ. 

Sau khi vào cơ thể, virus dại sẽ di chuyển dọc theo dây thần kinh, mỗi ngày 12-24mm để lên não bộ. Vị trí vết cắn càng gần não bộ, virus sẽ đến đích nhanh hơn. Đây là lý do chính khiến thời gian ủ bệnh rút ngắn.

Không chỉ vậy, thời gian ủ bệnh còn phụ thuộc vào cách xử lý sau khi bị chó, mèo cắn, có rửa vết thương bằng xà phòng hay không. Điều này sẽ ảnh hưởng rất nhiều đến thời gian ủ bệnh, thời kỳ toàn phát của bệnh. 

"Đôi khi bệnh dại còn có thể lây qua vết liếm ở tay chân, đầu mặt, nhất là những gia đình nuôi chó. Có thể con chó không bị dại nhưng trong quá trình sống, nó liếm phải nước dãi của con chó dại khác rơi trên cỏ, trên đường, rồi lại liếm qua mặt vết thương của chúng ta thì hoàn toàn có thể lây dại. 

Trong trường hợp nguy cơ rõ, người dân cần tiêm huyết thanh và cả vaccine. Huyết thanh kháng dại cung cấp miễn dịch thụ động kháng dại đặc hiệu, giúp trung hòa và làm chậm sự lan tỏa của virus dại, bảo vệ tính mạng người bệnh cho đến khi kháng thể kháng dại có được từ vaccine được sản sinh", bác sĩ Thiệu nhấn mạnh.

Bác sĩ Lê Văn Thiệu khuyến cáo, để dự phòng bệnh dại, người dân nuôi chó, mèo cần tiêm phòng cho chó, mèo ít nhất một năm một lần. Ngoài ra, khi nuôi chó, mèo thì không được thả rông mà nên rọ mõm, không nên chơi đùa quá thân thiết hay nghịch dại, trêu chọc chó. 

Khi đã xác định khu vực mình sinh sống có biểu hiện của bệnh dại thì mọi người phải đi tiêm phòng lại cho chó, mèo ngay; thực hiện khử khuẩn khu vực xung quanh, nhốt chó, mèo, tránh việc vật nuôi đi lại liếm phải dãi rớt của chứa virus dại hoặc bị tấn công bởi chó, mèo dại. 

Cần xử lý vết thương đúng cách, tiêm huyết thanh và vaccine cho người ngay sau khi bị chó, mèo cắn. Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, huyết thanh kháng dại được tiêm càng sớm càng tốt, vào ngày đầu sau khi bị cắn cùng với tiêm vaccine phòng dại. 

Trường hợp không thể tiêm huyết thanh vào ngày đầu sau khi bị cắn thì tiêm trong vòng 7 ngày sau mũi vaccine đầu tiên. Quá ngày thứ 7, không được chỉ định huyết thanh kháng dại bởi vì sau 7-8 ngày vaccine đã có thể giúp cơ thể sản sinh ra kháng thể chủ động phòng bệnh dại. Nếu tiêm huyết thanh kháng dại thời điểm này có thể ức chế quá trình sản xuất kháng thể chủ động do vaccine tạo ra.

Chủ vật nuôi có thể bị phạt 5 năm tù nếu để vật nuôi cắn chết người

Luật sư Đặng Văn Cường, Trưởng Văn phòng Luật sư Chính pháp, cho biết, theo quy định pháp luật, nếu chủ nuôi chó thực hiện không rọ mõm hoặc không tiêm ngừa vaccine phòng bệnh dại cho vật nuôi thì sẽ bị phạt từ 1.000.000- 2.000.000 đồng.

Cũng theo luật sư Đặng Văn Cường, pháp luật quy định rất rõ về bồi thường thiệt hại do súc vật, thú dữ gây ra. Kể cả trong trường hợp chủ sở hữu, người chiếm hữu, quản lý vật nuôi không có lỗi thì vẫn phải bồi thường thiệt hại, trừ trường hợp thuộc trường hợp bất khả kháng hoặc lỗi hoàn toàn thuộc về nạn nhân. Theo đó, nếu để súc vật nuôi gây ra thiệt hại thì chủ sở hữu phải thực hiện bồi thường thiệt hại theo pháp luật dân sự. Trong tình huống hậu quả làm chết người, chủ sở hữu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo pháp luật hình sự. Cụ thể, về hành vi để chó cắn chết người, phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người chủ nuôi mà người này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo những tội danh khác nhau, được quy định trong Bộ Luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) như: Tội giết người, tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác, tội vô ý làm chết người. Cơ quan điều tra khi tiến hành điều tra vụ án sẽ phải xác định cụ thể nhiều yếu tố để kết luận hành vi của người chủ nuôi sẽ bị truy tố theo tội nào.

Trường hợp người nuôi chó không tuân thủ quy định, dẫn đến chó cắn chết người thì có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vô ý làm chết người" theo Điều 128 Bộ luật Hình sự, với mức hình phạt có thể đến 05 năm tù.

Đối với trường hợp để chó thả rông nơi công cộng, nơi đông người, dẫn đến hậu quả chó cắn người mà nạn nhân không chết nhưng thương tích từ 61% trở lên hoặc thiệt hại từ 100.000.000 đồng trở lên thì chủ vật nuôi cũng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội "vi phạm quy định về an toàn nơi đông người" theo Điều 295 Bộ luật Hình sự, với mức phạt là phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm