TPHCM tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại

Đông Quân
21/03/2024 - 06:40
TPHCM tăng cường triển khai các biện pháp phòng chống bệnh dại

Hiện tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vaccine phòng dại còn thấp

Sở Y tế TPHCM yêu cầu các đơn vị tăng cường các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn trong bối cảnh bệnh dại trên cả nước gia tăng đột biến.

Sở Y tế TPHCM vừa có văn bản khẩn gửi đến Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố, trung tâm y tế và phòng y tế các quận, huyện và TP.Thủ Đức cùng các cơ sở tiêm vaccine phòng dại về việc tiếp tục tăng cường triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống bệnh dại trên địa bàn thành phố.

Theo đó, Sở Y tế thành phố yêu cầu trung tâm y tế quận, huyện và TP Thủ Đức tăng cường giám sát chặt chẽ các trường hợp bị chó, mèo nghi dại cắn để hướng dẫn tiêm phòng theo hướng dẫn của Bộ Y tế và xử lý ổ dịch kịp thời.

Tăng cường công tác phối hợp chặt chẽ với ngành thú y trên địa bàn để kịp thời thông tin khi phát hiện hoặc nhận được thông tin; giám sát về các trường hợp người bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc dại cắn.

Đồng thời phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan trên địa bàn tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật. Vận động người dân kịp thời đến các cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm phòng dại khi bị chó, mèo mắc bệnh dại hoặc nghi mắc bệnh dại cắn.

Sở Y tế cũng giao Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố chủ động hướng dẫn, theo dõi, giám sát các đơn vị, địa phương trong việc thực hiện các hoạt động phòng chống bệnh dại trên người. Bên cạnh đó phối hợp với Chi cục Chăn nuôi thú y - Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong việc chia sẻ thông tin về tình hình bệnh dại và phối hợp điều tra, xử lý ổ dịch kịp thời.

Phòng y tế quận, huyện và TP. Thủ Đức phối hợp với các đơn vị, tổ chức liên quan trên địa bàn tăng cường truyền thông về sự nguy hiểm, hậu quả của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng, chống bệnh dại trên người và động vật.

Đối với các cơ sở tiêm vaccine phòng dại phải đảm bảo nguồn vaccine phòng dại. Cán bộ y tế phải được tập huấn về kỹ năng tư vấn, xử trí trường hợp bị động vật cắn.

Theo Bộ Y tế, từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình bệnh dại gia tăng đột biến. Chỉ tính riêng 2 tháng đầu năm đã có 22 trường hợp tử vong do bệnh dại, cao hơn gấp đôi so với cùng kỳ 2023 (10 trường hợp). Đặc biệt, gần đây xuất hiện các trường hợp có thời gian ủ bệnh ngắn, từ 10-15 ngày, trong đó nhiều trường hợp là trẻ em dưới 5 tuổi, bị chó, mèo cắn ở vùng đầu, mặt, gây thương tích nặng ở khu vực gần thần kinh trung ương.

Nguyên nhân chủ yếu gây tử vong do dại trên người là do người bị động vật nghi dại cắn không tiêm phòng kịp thời, nhận thức của người dân về sự nguy hiểm của bệnh dại cũng như các biện pháp phòng bệnh còn hạn chế. Bên cạnh đó, công tác quản lý đàn chó, mèo ở một số địa phương còn lỏng lẻo; tỷ lệ chó, mèo nuôi được tiêm vaccine phòng dại còn thấp.

Để chủ động phòng chống bệnh dại, người dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau:

+ Người dân nuôi chó, mèo cần tiêm vaccine phòng dại đầy đủ và tiêm nhắc lại hàng năm theo khuyến cáo của ngành thú y; nuôi chó phải xích, nhốt, khi ra đường phải mang rọ mõm.

+ Không đùa nghịch, chọc phá chó, mèo.

+ Khi bị chó, mèo cắn cần: Rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút; nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Sau đó, vết thương cần được rửa sạch với cồn 70% hoặc cồn iod; hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương. Đồng thời, cần nhanh chóng đến cơ sở y tế để khám, tư vấn và tiêm vaccine phòng dại, huyết thanh kháng dại; tuyệt đối không tự chữa trịhoặc nhờ thầy lang chữa trị.

+ Truyền thông, hướng dẫn cho trẻ em cách phòng tránh chó, mèo cắn và thông báo ngay cho cha, mẹ hoặc người thân sau khi bị chó, mèo cắn.


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm