Hỏi: Tôi đang mang thai 15 tuần, ốm, nằm ở nhà, bỗng nhiên nhận được thông báo yêu cầu nghỉ việc do trưởng phòng tổ chức công ty ký gửi đến nhà. Trong thông báo chỉ nói chung chung là do công ty phải thay đổi công nghệ mới nên cần lao động mới, có trình độ chuyên môn cao hơn, đồng thời có nêu lên việc tôi bị xử lý kỷ luật lao động do đi hay làm muộn. Điều này có đúng không?
Thanh Thảo (Cà Mau)
Ảnh minh họa |
Trả lời:
Có 2 nội dung liên quan đến pháp luật lao động cần phải trao đổi trong vụ việc của chị, cụ thể như sau:
1. Về lý do cho rằng chị phải nghỉ việc là do thay đổi cơ cấu công nghệ:
Việc trưởng phòng tổ chức công ty ra văn bản yêu cầu chị phải nghỉ việc do công ty thay đổi công nghệ sản xuất là không đúng quy định pháp luật. Khoản 1 Điều 44 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:
“Điều 44. Nghĩa vụ của người sử dụng lao động trong trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ hoặc vì lý do kinh tế
1- Trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động theo quy định tại Điều 46 của Bộ luật này; trường hợp có chỗ làm việc mới thì ưu tiên đào tạo lại người lao động để tiếp tục sử dụng.
Trong trường hợp người sử dụng lao động không thể giải quyết được việc làm mới mà phải cho người lao động thôi việc thì phải trả trợ cấp mất việc làm cho người lao động theo quy định tại Điều 49 của Bộ luật này.”
Như vậy, trường hợp thay đổi cơ cấu, công nghệ mà ảnh hưởng đến việc làm của nhiều người lao động, thì người sử dụng lao động có trách nhiệm xây dựng và thực hiện phương án sử dụng lao động có những nội dung chủ yếu sau đây:
a) Danh sách và số lượng người lao động tiếp tục được sử dụng, người lao động đưa đi đào tạo lại để tiếp tục sử dụng;
b) Danh sách và số lượng người lao động nghỉ hưu;
c) Danh sách và số lượng người lao động được chuyển sang làm việc không trọn thời gian; người lao động phải chấm dứt hợp đồng lao động;
d) Biện pháp và nguồn tài chính bảo đảm thực hiện phương án.
2- Khi xây dựng phương án sử dụng lao động phải có sự tham gia của tổ chức đại diện tập thể lao động tại cơ sở. (Điều 46 Bộ luật Lao động).
2. Về lý do xử lý kỷ luật lao động:
Khoản 4 Điều 155 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định:
“4. Trong thời gian mang thai, nghỉ hưởng chế độ khi sinh con theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội, nuôi con dưới 12 tháng tuổi, lao động nữ không bị xử lý kỷ luật lao động.”
Hiện chị đang mang thai vì vậy, bất luận trong trường hợp nào chị cũng không bị xử lý kỷ luật lao động. Do đó, chị cần phải sớm làm đơn khiếu nại lên người sử dụng lao động để sớm được xem xét giải quyết bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Luật sư, Trọng tài viên Hà Huy Từ (Công ty Luật Hà Huy)
Thông tin chuyên mục có giá trị tham khảo, không dùng làm tài liệu trong tố tụng pháp luật. Chuyên mục được thực hiện với sự cộng tác của Công ty Luật Hà Huy - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội.