pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việt kiều rục rịch về quê hương mua đất, đầu tư bất động sản
Việt kiều am hiểu thị trường bất động sản trong nước, có gu đầu tư khác lạ
Mạnh Thắng - một môi giới bất động sản lâu năm với rất nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ tốt với nhiều khách hàng - chia sẻ: "Dân môi giới vẫn hay có những đề bài được khách hàng đưa ra rất thú vị và đầy thử thách. Một Việt kiều vừa gặp và trao đổi với tôi về nhu cầu tìm kiếm một biệt thự cổ tại Hà Nội, ngân sách khoảng 100 tỉ đồng. Lý do là từ thời ông bà, sau đó đến cha mẹ của khách hàng này từng sống trong một ngôi biệt thự như vậy, khách hàng yêu thích những khung cửa số với kiểu thiết kế kiến trúc cổ điển. Khách hàng hiểu luôn rằng tìm được 1 biệt thự kiểu vậy ở Hà Nội giờ không hề đơn giản, nếu có phải mua gom từ nhiều hộ dân đang ở trong đó, quá trình thương lượng sẽ mất cả năm trời".
Một môi giới khác là Hương Thảo thì cho biết đã nhận được liên lạc từ nước ngoài nhờ tư vấn, tìm hiểu thông tin về các dự án bất động sản nghỉ dưỡng ven biển: "Phân khúc này hiện đang rất kém, xuống giá, đồng nghĩa với việc rất có lợi cho việc đầu tư lâu dài nếu có tài chính tốt, không phải lo về dòng tiền. Tại Mỹ và nhiều nước khác, muốn có một bất động sản du lịch biển thì số tiền bỏ ra phải vô cùng lớn. Có vị khách Việt kiều cho biết rằng cứ ưng là sẽ xúc tiến mua, trả tiền kiểu một lần trọn gói, ý định là để làm nơi nghỉ dưỡng cá nhân, không cần vận hành cho thuê". Qua tiếp xúc làm việc, Thảo cho biết các khách hàng Việt kiều là những nhà đầu tư bất động sản nhiều kinh nghiệm ở thị trường nước ngoài nhưng lại rất hiểu thị trường trong nước đang chuyển động thế nào, và có "gu" đầu tư khác khác lạ.
Nguyên nhân của việc thị trường hiện đã xuất hiện một dòng khách hàng mới là những Việt kiều quan đến từ quy định của Luật đất đai mới. Luật đã có, đã được thông qua nhưng đến thời điểm hiện tại thì mới thẩm thấu vào thị trường, dòng khách hàng mới này giờ mới bắt đầu xúc tiến tìm hiểu thị trường
Khoản 3, điều 4, Luật đất đai 2024 quy định về việc người gốc Việt định cư tại nước ngoài (Việt kiều) được hưởng đầy đủ quyền lợi về đất đai, nhà ở, các tài sản hình thành trên đất giống như công dân Việt Nam và người Việt định cư ở nước ngoài nhưng còn quốc tịch Việt Nam. Người gốc Việt định cư tại nước ngoài được phép nhập cư vào Việt Nam để mua bất động sản, được quyền sở hữu bất động sản đi kèm đất ở, chuyển nhượng, cho thuê, thừa kế, cho tặng quyền sử dụng đất, được phép thế chấp, góp vốn sau khi sở hữu bất động sản, đất ở. Việt kiều có những quyền lợi và nghĩa vụ với đất, bất động sản theo qui định của pháp luật tương tự những công dân có quốc tịch Việt Nam, chỉ cần chứng minh được có nguồn gốc là người gốc Việt.
Quy định mới hứa hẹn tạo động lực cho thị trường
Quy định này trong luật đất đại nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ các chuyên gia và cộng đồng Việt kiều. Chuyên gia kinh tế, TS Đinh Thế Hiển đánh giá: "Trước đây, người Việt ở nước ngoài nhưng không có quốc tịch Việt Nam không được mua nhà đất. Quy định trong luật bất động về việc cho phép Việt kiều sở hữu nhà đất, bất động sản tại Việt Nam là rất hợp tình hợp lý. Quy định này sẽ giúp thu hút thêm các nguồn lực ngoài nước, nguồn kiều hối, thúc đẩy việc đầu tư vào thị trường bất động sản Việt Nam, về lâu dài sẽ tạo thêm nhiều điều tích cực cho thị trường".
Thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP Hồ Chí Minh, lượng kiều hối về thành phố trong năm 2023 ước đạt gần 9 tỷ USD, là mức kiều hối cao nhất từ trước đến nay. Nếu so sánh với nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong năm qua của TP.HCM đạt 3,4 tỷ USD thì nguồn kiều hối chuyển về nước cao gần gấp 3 lần. Lượng kiều hối đổ vào đầu tư, kinh doanh ngày càng tăng.
Trên thực tế, cộng đồng người Việt tại nước ngoài vẫn luôn quan tâm đến thị trường bất động sản trong nước, thực hiện đầu tư theo nhiều phương cách. Việt kiều khi muốn đầu tư bất động sản đã nhờ người thân thực hiện giao dịch, đứng tên, từ đó có thể nảy sinh những mâu thuẫn tranh chấp. Điều này đã cản trở, gây lo ngại cho rất nhiều Việt kiều có ý định về đầu tư trong nước. Các chuyên gia bất động sản cũng đã nêu ý kiến về việc tháo gỡ khó khăn pháp lý, đơn giản hóa hơn trong thủ tục chứng minh nguồn gốc là người Việt cho đối tượng Việt kiều.
Khảo sát của công ty nghiên cứu thị trường Savills Việt Nam, Việt kiều có nhu cầu cao về sở hữu bất động sản, chủ yếu tập trung tại khu vực TP Hồ Chí Minh, sau đó đến Hà Nội và các thành phố du lịch biển như Nha Trang, Đà Nẵng, Phan Thiết. Trên thực tế, bất động sản nghỉ dưỡng ven biển đang là món hàng ế nhất trên thị trường, nhưng đây lại là phân khúc mà nhiều Việt kiều ưa thích.
Anh Oliver Phạm - một Việt kiều hiện đang sống tại Slovakia -cho biết: "Quy định mới về việc Việt kiều có thể sở hữu nhà đất, bất động sản tại Việt Nam nhận được sự quan tâm, ủng hộ rất lớn của cộng đồng người gốc Việt. Tâm lý khi rời xa quê hương đã rất lâu, khi về già là muốn muốn trở về. Tôi đang có ý định trở về để khảo sát và đầu tư, và ngay sau khi chia sẻ thì đã có 2 người bạn khác cũng muốn cùng về. Tôi nghĩ đến khi Luật bất động sản mới thực sự có hiệu lực thì sẽ có rất nhiều nhà đầu tư Việt kiều về nước đầu tư bất động sản, có bất động sản sẽ là tiền đề để mở rộng làm ăn tại nhiều lĩnh vực khác. Ai cũng muốn đóng góp cho quê hương, khi đã mang trong mình dòng máu người Việt".
Luật đất đai mới có thể có hiệu lực sớm hơn vào 1/7/2024 thay vì mốc 1/1/2025. Với nhiều những ưu điểm, nhiều quy định trong luật đang tạo ra những dấu hiệu tích cực cho thị trường.