Việt Nam có hơn 6,2 triệu người khuyết tật

11/01/2019 - 12:21
Hiện có sự khác biệt lớn về tình trạng hôn nhân của dân số từ 15 tuổi trở lên giữa nhóm người khuyết tật và nhóm người không khuyết tật: Tỷ lệ người khuyết tật đang có vợ/chồng là 51,9% so với 71,5% ở người không khuyết tật.
Nếu tính cả nguồn số liệu tổng rà soát hành chính người khuyết tật, cả nước có tổng số 6.225.519 người khuyết tật, trong đó có 671.659 trẻ em từ 2 đến 17 tuổi và 5.553.860 người từ 18 tuổi trở lên. Cần can thiệp hiệu quả và phục hồi chức năng để trẻ khuyết tật có thể phát triển tối đa tiềm năng và tham gia đầy đủ vào cộng đồng cũng như toàn xã hội.
 
Đó là những con số được đưa ra trong hội thảo “Công bố Kết quả Điều tra Quốc gia về người khuyết tật Việt Nam” do Tổng cục Thống kê và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ở Hà Nội sáng 11/1.
 
Đây là cuộc điều tra đầu tiên có quy mô lớn sử dụng tiêu chuẩn quốc tế xác định người khuyết tật để thu thập các thông tin toàn diện về cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam, do Tổng cục Thống kê tiến hành trong 2 năm 2016 và 2017 với sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF.
 
Tỷ lệ phụ nữ khuyết tật cao hơn nam giới
 
Tại hội thảo, ông Vũ Thanh Liêm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê - nhấn mạnh, mục đích của điều tra là đánh giá tình trạng khuyết tật của dân số và điều kiện kinh tế - xã hội nhằm cung cấp bằng chứng phục vụ lập kế hoạch, chính sách cải thiện cuộc sống của người khuyết tật tại Việt Nam.  
 
ong-vu-thanh-liem.JPG
Ông Vũ Thanh Liêm - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê

  

Khuyết tật có ảnh hưởng đến một tỷ lệ dân số đáng kể ở Việt Nam. Hơn 7% dân số 2 tuổi trở lên - khoảng hơn 6,2 triệu người khuyết tật. Bên cạnh đó, có 13% dân số - gần 12 triệu người, sống chung trong hộ gia đình có người khuyết tật. Tỷ lệ này dự kiến tăng lên cùng với xu hướng già hóa dân số.
 
Tỷ lệ khuyết tật khu vực nông thôn cao hơn gần 1,5 lần khu vực thành thị. Vùng có tỷ lệ khuyết tật cao nhất là Bắc Trung Bộ và duyên hải miền Trung, thấp nhất là vùng Đông Nam Bộ và Tây Nguyên. Tỷ lệ khuyết tật của nhóm 20% dân số nghèo nhất là 11,2%, cao gấp 3 lần so với nhóm 20% dân số giàu nhất.
 
Tỷ lệ khuyết tật có xu hướng tăng lên theo tuổi, tỷ lệ nữ cao hơn nam giới. Tỷ lệ người khuyết tật cũng cao hơn ở phụ nữ, nhưng yếu tố có khả năng đóng góp vào tỷ lệ cao này là phụ nữ có xu hướng sống lâu hơn nam giới. Khuyết tật có tác động lớn và rất đáng kể đến quyết định của phụ nữ rời khỏi thị trường lao động. Nó cũng có tác động trái chiều đến thất nghiệp, với độ tin cậy 90%.
 
phu-nu-khuyet-tat-1.png
Ảnh minh họa
  
Người khuyết tật có quyền được kết hôn và có gia đình riêng. Tuy nhiên, đã có sự khác biệt lớn về tình trạng hôn nhân của dân số từ 15 tuổi trở lên giữa nhóm người khuyết tật và nhóm người không khuyết tật: Tỷ lệ người khuyết tật đang có vợ/chồng là 51,9% so với 71,5% ở người không khuyết tật; có 35,2% người khuyết tật có tình trạng hôn nhân là góa, ly hôn hoặc ly thân; trong khi con số này ở người không khuyết tật chỉ 7,6%.
 
Theo ông Nguyễn Văn Thanh - Phó Chủ tịch thường trực Liên hiệp hội Người khuyết tật Việt Nam - cần hoàn thiện khuôn khổ pháp lý để đảm bảo quyền của người khuyết tật nói chung, trong đó có quyền có việc làm của người khuyết tật nói riêng. Đặc biệt, chúng ta tập trung vào sửa đổi các quy định về lao động là người khuyết tật, về cơ chế, nguồn lực để đảm bảo người khuyết tật có cơ hội vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm và từ nguồn vốn tín dụng của ngân hàng chính sách.
 
nguoi-khuyet-tat.jpg
Giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng

  

Ngoài ra, từng bước hoàn thiện để phù hợp với thực tiễn kinh tế xã hội của đất nước ta, giúp người khuyết tật có cơ hội tiếp cận toàn diện, đầy đủ về quyền có việc làm, trong đó tập trung vào việc hỗ trợ cho người khuyết tật được học nghề, dạy nghề phù hợp với nhu cầu của thị trường lao động và chúng ta sẽ hỗ trợ cho người khuyết tật tiếp cận những công việc phù hợp với năng lực và hỗ trợ. Chúng ta cũng sẽ hỗ trợ cho người khuyết tật tự tạo việc làm, tự tổ chức sản xuất, kinh doanh để họ có thể tự tạo ra thu nhập, ổn định cuộc sống và có cơ hội phát triển, vươn lên.
 
Cần hỗ trợ đặc biệt cho trẻ em khuyết tật
 
Theo kết quả điều tra, những hộ gia đình có thành viên khuyết tật thường nghèo hơn, trẻ em khuyết tật có nguy cơ ít được đi học hơn các bạn cùng trang lứa, cơ hội việc làm cho người khuyết tật cũng thấp hơn những người không khuyết tật. Cho dù người khuyết tật là đối tượng được hưởng chính sách bảo hiểm y tế và nghèo không phải là rào cản đối với việc tiếp cận các cơ sở y tế nhưng rất ít người khuyết tật (2,3%) tiếp cận được với dịch vụ phục hồi chức năng khi bị ốm hoặc bị thương. Bên cạnh đó, vẫn còn tồn tại những bất bình đẳng về mức sống và tham gia xã hội đối với người khuyết tật.
 
Chính phủ đã có nhiều nỗ lực trong việc hỗ trợ người khuyết tật, cứ 10 người khuyết tật thì 4 người được nhận trợ cấp hàng tháng, cứ 2 người thì 1 người được hỗ trợ mua thẻ bảo hiểm y tế và cứ 3 người thì 1 người được miễn giảm chi phí khám chữa bệnh.
 
tre-em-khuyet-tat.jpg
Trẻ em khuyết tật

  

Kết quả điều tra cũng cho thấy loại khuyết tật phổ biến nhất ở trẻ em là khuyết tật liên quan đến tâm lý xã hội. Điều này liên quan đến các vấn đề phát triển của trẻ em ở các giai đoạn khác nhau và những khuyết tật này có thể là rào cản lớn ngăn cản sự tham gia xã hội của trẻ khuyết tật. “Cần có thêm những nỗ lực để cung cấp các dịch vụ phát hiện sớm, can thiệp hiệu quả và phục hồi chức năng dựa vào cộng đồng để trẻ khuyết tật có thể phát triển tối đa tiềm năng và tham gia đầy đủ vào cộng đồng cũng như toàn xã hội”, bà Lesley Miller - Quyền Trưởng Đại diện UNICEF - nhấn mạnh.
 
ba-lesley-miller.JPG
Bà Lesley Miller - Quyền Trưởng Đại diện UNICEF - phát biểu tại hội thảo

  

Theo bà Lesley Miller, số liệu nghiên cứu chính xác và cập nhật sẽ cung cấp thông tin cho việc hoạch định chính sách, xây dựng chương trình và lập ngân sách để trẻ em có thể được giáo dục hòa nhập và tiếp cận các dịch vụ xã hội khác. Từ đó, các em có thể hoàn toàn hòa nhập với cộng đồng, xã hội và phát triển hết tiềm năng.
 
tre-em-khuyet-tat-2.jpg
Tạo điều kiện cho trẻ em khuyết tật được đến trường

  

Điều tra cũng chỉ ra rằng cơ hội được đi học của trẻ em khuyết tật thấp hơn nhiều so với trẻ em không khuyết tật. Ở các cấp học cao hơn thì cơ hội đi học của trẻ khuyết tật càng thấp hơn. Đến cấp Trung học phổ thông chỉ có chưa đến 1/3 trẻ khuyết tật đi học đúng tuổi, so với tỷ lệ 2/3 trẻ em không khuyết tật. Mặc dù việc đưa trẻ em khuyết tật vào hòa nhập với trẻ em khác và học chung giáo trình đã cho những kết quả tích cực nhưng chỉ có 2% trường Tiểu học và Trung học cơ sở có thiết kế phù hợp với học sinh khuyết tật và khoảng 1/7 số trường có một giáo viên được đào tạo về khuyết tật.
 
Điều tra Quốc gia về Người khuyết tật là một trong những điều tra quốc gia đầu tiên trên thế giới về người khuyết tật, sử dụng kết hợp Bộ câu hỏi mở rộng của Nhóm Washington (WG) dành cho người trưởng thành và Mô-đun đo lường thực hiện chức năng của trẻ em (CFM) của UNICEF/ Nhóm Washington để xác định người khuyết tật. Cuộc điều tra được thực hiện với sự hỗ trợ của các Bộ ngành, các tổ chức Quốc tế, đăc̣ biêṭ là sự hỗ trợ kỹ thuật của UNICEF, Nhóm Washington về Thống kê khuyết tâṭ và Chính phủ Australia.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm