pnvnonline@phunuvietnam.vn
Việt Nam không ngừng nỗ lực khẳng định vị trí trên bản đồ bình đẳng giới quốc tế

Ảnh minh họa
Tháng 3/2025, cộng đồng toàn cầu kỷ niệm 30 năm Hội nghị thế giới lần thứ tư về Phụ nữ và ngày thông qua Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh (1995) và kỷ niệm 10 năm Chương trình nghị sự 2030 vì sự Phát triển bền vững cùng các Mục tiêu Phát triển bền vững (SDGs). Chặng đường 30 năm là dịp để Việt Nam rà soát toàn diện cấp quốc gia, nỗ lực huy động các chủ thể chưa quan tâm đến bình đẳng giới, thu hút sự tham gia hơn nữa của những người ủng hộ bình đẳng giới, xoá bỏ căn nguyên bất bình đẳng giới, vạch ra đường hướng tới sự bình đẳng thực chất với các quyền và cơ hội bình đẳng cho phụ nữ và trẻ em gái. Theo xếp hạng của Liêp hợp quốc (LHQ), năm 2024, chỉ số phát triển bền vững (SDGs) của Việt Nam đã tăng 1 bậc so với năm 2023, xếp thứ 54/166, chỉ số hạnh phúc tăng 11 bậc, xếp thứ 54/143. Đó là minh chứng cho những nỗ lực vươn lên của Việt Nam trong thực hiện các mục tiêu bình đẳng giới theo Cương lĩnh hành động Bắc Kinh trên bản đồ bình đẳng giới quốc tế.
Trong 30 năm qua, Việt Nam đã quyết tâm thực hiện hoá các mục tiêu của Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, các cam kết quốc tế khác về bình đẳng giới. Cụ thể, trong lĩnh vực kinh tế, phụ nữ Việt Nam chiếm 46,8% lực lượng lao động cả nước, lao động nữ chiếm 62,4% lực lượng lao động, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ chiếm 28,2%, xuất hiện nhiều tấm gương nữ doanh nhân, nữ giám đốc điều hành tiêu biểu tham gia các diễn đàn kinh tế thế giới khẳng định được tài năng và sự đóng góp cho kinh tế đất nước trong quá trình hội nhập và phát triển.
Về lĩnh vực chính trị, Việt Nam đã tăng tỷ lệ nữ đại biểu tham gia Ban chấp hành TW Đảng và nữ cấp uỷ các địa phương, trình độ nữ cấp uỷ các cấp cũng được chuẩn hoá minh chứng cho sự chủ động học tập nâng cao trình độ và hoàn thiện các điều kiện, chuẩn hoá bằng cấp. (Cấp tỉnh 100% đạt trình độ đaị học trở lên và cao cấp lý luận chính trị hoặc cử nhân, Cấp huyện, 99,7% đạt trình độ đaị học trở lên và 90,2% đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị hoặc cử nhân, Cấp xã, 85,8% đạt trình độ đaị học trở lên và 91% đạt trình độ cao cấp lý luận chính trị hoặc cử nhân). Trong nhiệm kỳ Quốc hội 2021-2026, tỷ lệ nữ đại biểu quốc hội chiếm 30.26%, đứng vị trí thứ 51 toàn cầu, chiếm 151 trong số 499 ghế. Lần thứ 2 trong 15 khoá Quốc hội, tỷ lệ nữ đạt trên 30% (Quốc hội khoá V, tỷ lệ nữ 32,31%; Quốc hội khoá XV, tỷ lệ nữ 30,26%). Tính đến thời điểm tháng 6 năm 2021 tỷ lệ phụ nữ trong Quốc hội Việt Nam đạt 19,06% trung bình khu vực châu Á, 25,50% trung bình thế giới.

Hội thi "Tìm hiểu kiến thức Luật Phòng, chống bạo lực gia đình" khu vực Miền Bắc năm 2023.
Về lĩnh vực giáo dục, phụ nữ và trẻ em gái ngày càng bình đẳng hơn trong tiếp cận cơ hội giáo dục, đào tạo có chất lượng và học tập suốt đời cho phụ nữ và trẻ em gái. Tỷ lệ người từ 15 tuổi trở lên tham gia các chương trình đào tạo trình độ đại học, cao đẳng và trung cấp sư phạm ở mức 75%. Chỉ số bình đẳng trong giáo dục đào tạo theo giới tính năm 2022 tiếp tục duy trì ở mức 0,99 (xấp xỉ 1) thể hiện sự bình đẳng trong tiếp cận giáo dục đối với cả nam và nữ. Tỷ lệ lao động từ 15 tuổi trở lên có việc làm đã qua đào tạo tăng lên trong gia đoạn 2019 - 2023.
Chỉ số xếp hạng về bình đẳng giới (BĐG) của Việt Nam năm 2023 tăng 15 bậc so với năm 2021, tăng 11 bậc so với năm 2022. Bộ chỉ tiêu thống kê phát triển giới của quốc gia (2019) là tập hợp nhiều chỉ tiêu phản ánh đặc điểm, tính chất quan trọng, mối liên hệ chủ yếu về phát triển giới ở Việt Nam; là cơ sở để giám sát, đánh giá tình hình phát triển giới, sự tiến bộ của phụ nữ và BĐG trên các lĩnh vực của đời sống, kinh tế - xã hội; đáp ứng nhu cầu sử dụng thông tin thống kê giới của cơ quan, tổ chức, cá nhân. Hợp tác song phương, thúc đẩy BĐG và tăng quyền năng cho phụ nữ cũng được lồng ghép vào hoạt động đối ngoại đem lại hiệu quả thiết thực. Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia xóa bỏ khoảng cách giới nhanh nhất trong vòng 20 năm qua, là một trong những nước hoàn thành sớm Mục tiêu Thiên niên kỷ thứ 3 (MDG 3) về BĐG và đang nỗ lực thực hiện SDGs, trong đó có các Mục tiêu số 5 và 10 về xóa bỏ bất bình đẳng, thúc đẩy BĐG và trao quyền cho phụ nữ và trẻ em gái. Ngày 09/4/2024, Hội đồng Kinh tế Xã hội LHQ (ECOSOC) đã bầu Việt Nam vào Hội đồng Chấp hành Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và Trao quyền cho phụ nữ (UNWomen) nhiệm kỳ 2025 - 2027.

Hội thi các mô hình sáng tạo, hiệu quả thay đổi nếp nghĩ, cách làm trong thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em năm 2024
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu, Việt Nam vẫn còn những tồn tại cần nỗ lực cải thiện trong thời gian tới, cụ thể:
(1) Tỷ lệ phụ nữ tham gia lĩnh vực chính trị chưa tương xứng với trình độ, năng lực của phụ nữ hiện nay và chưa đạt được chỉ tiêu của Nghị quyết số 11-NQ/TW của Bộ Chính trị về công tác phụ nữ thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước; Tỷ lệ nữ đại biểu Quốc hội khóa XV tăng và xếp thứ hạng cao trên thế giới nhưng thứ hạng năm 2023 đã bị tụt xuống 8 bậc so với thời điểm sau khi bầu cử (63 so với 55) và tỷ lệ trung bình nữ đại biểu trên thế giới đang rút ngắn khoảng cách với Việt Nam. Quốc hội khóa XV vẫn còn 2 địa phương không có đại biểu Quốc hội là nữ. Chỉ tiêu đặt ra đến năm 2025 có 60% các cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền địa phương các cấp có lãnh đạo chủ chốt là nữ hiện chưa đạt.
(2) Các chính sách, quy định của các dự án luật khi trình Quốc hội chủ yếu trung tính về giới, chưa tính đến sự khác biệt giới để đề xuất các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới; thiếu các chế tài giám sát, gắn trách nhiệm cho việc thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu đề ra.
(3) Lao động nữ còn chiếm phần lớn trong các ngành nghề thâm dụng lao động, trình độ chuyên môn thấp hoặc làm việc trong khu vực phi chính thức. Các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ và siêu nhỏ do phụ nữ làm chủ rất khó đáp ứng được các điều kiện vay vốn ưu đãi chính thức. Thu nhập bình quân của lao động nam cao hơn lao động nữ là 1,14 lần (8,4 triệu đồng so với 7,4 triệu đồng). Số giờ trung bình làm công việc nội trợ và chăm sóc trong gia đình không được trả công của phụ nữ vẫn còn nhiều thời gian hơn so với nam giới trong công việc này.
(4) Mất cân bằng giới tính khi sinh vẫn chưa giảm, gây ảnh hưởng lâu dài đến cơ cấu dân số Việt Nam cũng như sẽ dẫn tới những hậu quả về xã hội và nhân khẩu học; là một trong những nguyên nhân gây bất bình đẳng giới.
(5) Tình trạng bạo lực trên cơ sở giới, bạo lực gia đình, mua bán người vẫn còn tiếp diễn.
(6) Mạng lưới trường lớp hiện chưa đáp ứng nhu cầu huy động trẻ đến lớp, đặc biệt những nơi khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, nơi có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số và các khu công nghiệp, chế xuất, đô thị đông dân cư.

Triển lãm tranh về đề tài bình đẳng giới
Trong 30 năm qua, thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh, Hội LHPN Việt Nam triển khai nhiều chương trình, hoạt động phát triển bền vững có trách nhiệm giới. Hội đã nỗ lực truyền thông, giáo dục thay đổi nhận thức xã hội về vai trò của phụ nữ và nam giới trong sản xuất, tái sản xuất và cộng đồng. Hội đẩy mạnh triển khai các phong trào thi đua "Xây dựng người phụ nữ Việt Nam thời đại mới" và cuộc vận động "Xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch", "5 có, 3 sạch xây dựng nông thôn mới, nông thôn kiểu mẫu, đô thị văn minh"; hợp tác với các ban/ngành nhằm tạo môi trường xã hội thuận lợi cho cả phụ nữ và nam giới, nâng cao ý thức cộng đồng trong việc thực hiện bình đẳng giới.
Bên cạnh đó, Hội LHPN Việt Nam cũng đặc biệt chú trọng phát triển nguồn nhân lực nữ bằng việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao các kỹ năng lãnh đạo, quản lý và kỹ năng làm việc, tổ chức cuộc sống cho đội ngũ cán bộ Hội các cấp. Các cấp Hội tăng cường ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số trong các hoạt động hỗ trợ phụ nữ cũng như nâng cao hiệu quả thực thi chính sách - pháp luật liên quan đến học nghề, việc làm, tham chính, giáo dục và các vấn đề xã hội liên quan đến bình đẳng giới. Hội luôn giữ vai trò nòng cốt trong các hoạt động, tạo cơ hội và điều kiện để phụ nữ phát huy vai trò làm chủ khẳng định mình, cùng với nam giới vun đắp và kiến tạo tương lai bền vững, để sự nghiệp bình đẳng giới ngày càng đi vào thực chất hơn.