Việt Nam nêu 7 ưu tiên trong vai trò Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an LHQ

08/06/2019 - 14:18
Việc được bầu làm Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 nâng cao tiếng nói, tầm ảnh hưởng của Việt Nam tại châu Á-Thái Bình Dương và thế giới.
Nhiệm vụ mới, vận mệnh mới
 
Theo kết quả bầu chọn tại khóa họp thứ 73 Đại hội đồng LHQ đêm 7/6, Việt Nam nhận 192/193 phiếu để trở thành Ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021. Việc Việt Nam nhận được số phiếu ủng hộ gần như tuyệt đối như vậy đã đáp ứng được kỳ vọng, mong mỏi của tất cả người dân Việt Nam, đồng thời cũng cho thấy những đóng góp tích cực, thực chất, có trách nhiệm của Việt Nam đối với LHQ nói chung và HĐBA LHQ nói riêng được cộng đồng quốc tế ghi nhận.
 
Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung bỏ phiếu tại phiên họp LHQ

  

Việt Nam sẽ thay thế Kuwait ở châu Á tại HĐBA LHQ từ ngày 1/1/2020; Niger và Tunisia sẽ thay thế vị trí của Bờ Biển Ngà và Guinea Xích Đạo tại khu vực châu Phi. Còn Grenadines thay Peru tại Mỹ Latinh và Estonia/Romania sẽ thay Ba Lan ở Đông Âu. Các ủy viên mới bầu sẽ tiếp tục lãnh trọng trách góp phần xây dựng chương trình nghị sự, tham gia định hình chính sách của LHQ. Khối lượng công việc của các thành viên mới bao gồm Việt Nam được nhận xét rất nặng nề. Thế giới hiện nay còn nhiều điểm nóng xung đột như Ukraine, Venezuela, Trung Đông, khủng bố... bên cạnh các thách thức phi truyền thống.
 
HĐBA LHQ là một trong 6 cơ quan chính của LHQ có nhiệm vụ duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, chấp nhận các thành viên mới vào LHQ và phê chuẩn thay đổi với Hiến chương LHQ. Quyền hạn của cơ quan này bao gồm thiết lập các hoạt động gìn giữ hòa bình, các biện pháp trừng phạt quốc tế và chấp nhận hành động quân sự thông qua các nghị quyết. Trong khi các cơ quan khác của LHQ chỉ có thể đưa ra các quyết định mang tính khuyến nghị và tạo dư luận thì các quyết định của HĐBA LHQ có tính cưỡng chế thực hiện. Tất cả thành viên của LHQ có trách nhiệm tôn trọng và thi hành. Vì vậy, HĐBA là cơ quan có thực quyền nhất của LHQ.
 
Cơ quan này gồm 15 thành viên, trong đó Nga, Anh, Pháp, Trung Quốc và Mỹ là các ủy viên thường trực. 10 ủy viên không thường trực được chia thành 2nhóm với nhiệm kỳ 2 năm xen kẽ nhau, tức mỗi năm có 5 thành viên ra đi để nhường chỗ cho 5 thành viên mới được bầu. Các ghế không thường trực được phân bổ trên cơ sở khu vực: 5 cho các nước châu Phi và châu Á; một cho Đông Âu; 2 cho Mỹ Latinh và Caribe; 2 cho Tây Âu và các nước khác. Một nước muốn trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ phải đạt tối thiểu 2/3 số phiếu bầu của các nước thành viên LHQ có mặt và tham gia bỏ phiếu tại phiên họp Đại hội đồng. Nước vừa mãn nhiệm sẽ không được bầu lại tại nhiệm kỳ kế tiếp.
 
Các ủy viên thường trực HĐBA LHQ đều có quyền phủ quyết bất kỳ nghị quyết nào, trong khi ủy viên không thường trực không có quyền phủ quyết nhưng được quyền tranh luận và bỏ phiếu cho các nghị quyết. Các nước ủy viên không thường trực ở mức độ nhất định sẽ tìm được điểm đồng thuận trong việc cùng nhau thúc đẩy xu thế dân chủ hóa HĐBA, nâng cao sự tham gia đóng góp mang tính xây dựng và trách nhiệm đối với công việc của HĐBA. Việc tham gia HĐBA LHQ cũng là cơ hội để các nước nâng cao vị thế trên trường quốc tế và đề xuất, tham gia quyết định các vấn đề quan trọng liên quan đến khu vực và thế giới.
 
Các thành viên đoàn Việt Nam vui mừng khi kết quả bỏ phiếu được công bố

  

Từ khi gia nhập Liên hợp quốc (LHQ) năm 1977, Việt Nam đã và đang là một thành viên có trách nhiệm và đóng góp tích cực vào mọi lĩnh vực hoạt động của LHQ, trong đó có HĐBA, đặc biệt là trong nhiệm kỳ 2008-2009 khi Việt Nam đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực. Việt Nam cũng là một trong những quốc gia đi tiên phong trong thúc đẩy hòa bình, tiến bộ, hợp tác và phát triển trên thế giới. Tiếp theo nhiệm kỳ đầu tiên năm 2008-2009, đây là lần thứ hai Việt Nam được bầu làm ủy viên không thường trực HĐBA LHQ kể từ ngày 1/1/2020. Việt Nam sẽ có những đóng góp đáng kể trên các diễn đàn quốc tế, thể hiện vai trò tích cực trong việc góp phần chấm dứt các cuộc xung đột trên thế giới, đấu tranh chống khủng bố đồng thời giúp đạt được hòa bình và an ninh quốc tế.
Với mong muốn thực sự trở thành “Đối tác vì hòa bình bền vững”, trong nhiệm kỳ 2 năm sắp tới, Việt Nam sẽ có cơ hội chủ động đề xuất, thúc đẩy những sáng kiến của mình nhằm đóng góp trực tiếp và xây dựng vào những nỗ lực chung của LHQ và cộng đồng quốc tế vì hòa bình, an ninh và phát triển. Việt Nam đưa ra 7 ưu tiên:
Thứ nhất, ngăn ngừa xung đột, ngoại giao phòng ngừa, giải quyết hòa bình tranh chấp và thúc đẩy thực hiện Chương VI của Hiến chương.
Thứ hai, cải cách phương pháp làm việc của HĐBA, tăng cường vai trò của các tổ chức khu vực theo Chương VII của Hiến chương.
Thứ ba, bảo vệ thường dân, các cơ sở hạ tầng thiết yếu trong xung đột vũ trang.
Thứ tư, phụ nữ, hòa bình và an ninh, trẻ em trong xung đột vũ trang.
Thứ năm, giải quyết hậu quả xung đột, nhất là xử lý vật liệu nổ/bom mìn còn sót lại, phục vụ tái thiết và phát triển kinh tế xã hội.
Thứ sáu, các hoạt động gìn giữ hòa bình của LHQ.
Thứ bảy là tác động của biến đổi khí hậu đối với hòa bình và an ninh.
 
Nâng cao vị thế trên trường quốc tế
 
Ngay sau khi trúng cử, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Lê Hoài Trung - Trưởng đoàn Việt Nam đã có cuộc gặp gỡ và phát biểu trước báo chí quốc tế, bày tỏ sự cảm ơn tới cộng đồng quốc tế và cam kết Việt Nam sẽ đóng vai trò xây dựng và có trách nhiệm trên cương vị mới tại HĐBA LHQ. "Việt Nam đã trải qua hàng thập kỷ chiến tranh, chúng tôi hy vọng sẽ mang đến HĐBA kinh nghiệm của mình, một đất nước đã tái thiết thành công sau chiến tranh và vẫn đang phải xử lý các vấn đề hậu chiến như bom mìn sót lại. Việt Nam cũng sẽ thúc đẩy quyền lợi của phụ nữ, trẻ em và vai trò của họ trong chống chiến tranh và xây dựng hòa bình", Thứ trưởng Lê Hoài Trung cho biết.
 
Việt Nam tích cực tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

  

Việt Nam sẽ nỗ lực xây dựng mối quan hệ đối tác và đồng thuận trong HĐBA nhằm cùng tìm kiếm các giải pháp lâu dài cho các vấn đề an ninh và hòa bình thế giới. Việt Nam sẽ tham vấn với các thành viên khác của LHQ để hiểu rõ lợi ích và quan điểm của nhau cũng như chia sẻ sáng kiến và ý tưởng nhằm tìm ra các điểm tương đồng, thu hẹp bất đồng và tìm giải pháp cho các vấn đề ảnh hưởng tới tất cả các bên.
 
Đánh giá về thành công của Việt Nam, ông Hunter Marston - nguyên Trợ lý nghiên cứu cấp cao của Viện Brookings tại Mỹ cho rằng, việc Việt Nam được bầu là ủy viên không thường trực của HĐBA nhiệm kỳ 2020-2021 có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Việt Nam đã cho thấy vai trò ngày càng tăng của mình trên mặt trận thương mại, ngoại giao quốc tế cũng như an ninh khu vực ở Đông Nam Á. Trong vai trò này, Việt Nam có thể có những đóng góp nổi bật trong các lĩnh vực như y tế công cộng, chống lại các bệnh truyền nhiễm, thúc đẩy an ninh hàng hải, chống cướp biển, cũng như ngăn chặn nạn đánh bắt cá và buôn người bất hợp pháp. Việt Nam cũng là một nước đi đầu trong công tác rà phá vật liệu chưa nổ còn sót lại sau chiến tranh và có thể là quốc gia hình mẫu cho các quốc gia khác muốn phát triển các nguồn năng lượng tái tạo.
 
“Trở thành thành viên không thường trực của HĐBA LHQ là cơ hội tốt để Việt Nam lên tiếng, bày tỏ những quan ngại của mình đối với các vấn đề liên quan đến những tranh chấp trên Biển Đông và luật hàng hải quốc tế. Đây cũng là cơ hội để Việt Nam thể hiện khả năng, cũng như đóng góp của mình với an ninh hàng hải và sự ổn định trong khu vực”, ông Hunter Marston khẳng định.
 
Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 2 đang khẩn trương chuẩn bị sang Nam Sudan tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình LHQ

  

Năm đầu tiên trong nhiệm kỳ ủy viên không thường trực HĐBA LHQ của Việt Nam trùng với thời gian Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, là cơ hội giúp Việt Nam phát huy hơn nữa vai trò cầu nối giữa LHQ với các cơ chế khu vực tại châu Á. Đây cũng là cơ hội lớn để Việt Nam thể hiện vai trò và những đóng góp của mình cho các vấn đề quốc tế và quảng bá hình ảnh của mình trên thế giới.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm