Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu người: Làm gì để không ai bị bỏ lại phía sau?

Mai Vàng
17/03/2023 - 16:56
Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu người: Làm gì để không ai bị bỏ lại phía sau?

Ảnh minh hoạ

Dân số Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu người. Để đảm bảo không ai bị bỏ lại phía sau trong quá trình phát triển bền vững của đất nước, chúng ta cần tăng cường các chính sách về dịch vụ liên quan đến sức khỏe và đặc biệt chú ý đến nhu cầu đặc thù của các nhóm dân số dễ bị tổn thương.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến thời điểm 0 giờ ngày 1/4/2022, dân số Việt Nam đã đạt 99,2 triệu người. Với tốc độ tăng dân số trung bình như đã được quan sát trong những năm gần đây, dự báo trung tuần tháng 4/2023 Việt Nam sẽ chính thức trở thành 1 trong 15 quốc gia trên thế giới và 1 trong 3 quốc gia khu vực Đông Nam Á có quy mô 100 triệu người.

Thác thức lớn: Khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm

Theo nhận định của Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam, dân số 100 triệu đồng nghĩa với việc Việt Nam có một thị trường nội địa rộng lớn, khả năng thu hút nhiều vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài hơn với nguồn lao động khỏe mạnh, có trình độ học vấn và tay nghề cao, tư duy đổi mới sáng tạo và động lực mạnh mẽ của đất nước. Do đó, chúng ta cần phải nhận ra rằng 100 triệu người vào năm 2023 không chỉ là con số. Mà đó là tầm nhìn xây dựng một đất nước Việt Nam hùng cường cho các thế hệ hôm nay và mai sau.

Việt Nam hiện có tỷ lệ dân số trẻ cao nhất trong lịch sử đất nước. 21,1% tổng dân số là thanh thiếu niên trong độ tuổi từ 10 đến 24. Thời kỳ dân số vàng của Việt Nam sẽ còn tiếp diễn đến năm 2039 với sự hiện diện của các nhóm dân số trẻ có năng suất lao động cao, đồng thời có thể khai thác lợi thế về cơ cấu dân số để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế - xã hội của đất nước hơn nữa.

Mọi người dân Việt Nam ngày nay được sống khỏe mạnh hơn và hưởng thọ cao hơn là một thành tựu quan trọng. Song, sự suy giảm tỷ lệ sinh và hạn chế mức sinh trong những thập kỷ vừa qua đang khiến cho dân số Việt Nam già đi nhanh chóng. Việt Nam được dự báo sẽ trở thành quốc gia có dân số già vào năm 2036 khi dân số từ 65 tuổi trở lên đạt 15,5 triệu người, chiếm hơn 14% tổng số dân.

Ngoài ra, do tâm lý ưa thích có con trai vẫn còn phổ biến trong xã hội Việt Nam, cùng với mức sinh giảm và hạn chế số con cũng như các công nghệ sẵn có nên thực hành lựa chọn giới tính trước sinh đang diễn ra phổ biến, ước tính khoảng 47.000 trẻ em gái bị thiếu hụt mỗi năm. Dự báo đến năm 2034, Việt Nam sẽ dư thừa 1,5 triệu nam giới trong độ tuổi 15-49 và con số này sẽ lên đến 2,5 triệu người vào năm 2059.

Việt Nam sắp cán mốc 100 triệu người: Làm gì để không ai bị bỏ lại phía sau? - Ảnh 1.

Bà Naomi Kitahara, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam (trái), cho rằng, Việt Nam cần tăng cường các chính sách về dịch vụ liên quan đến sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản

Cần chú ý đến nhu cầu đặc thù của các nhóm dân số dễ bị tổn thương

Đứng trước những cơ hội và thách thức này, UNFPA đưa ra kiến nghị sau:

Thứ nhất, các cá nhân và các cặp vợ chồng nên được tự do quyết định một cách có trách nhiệm về số lần sinh, khoảng cách giữa các lần sinh và thời điểm sinh con. Để làm được như vậy, tất cả chúng ta phải đảm bảo rằng mọi phụ nữ, mọi bà mẹ và mọi cặp vợ chồng đều có thể tiếp cận dịch vụ chăm sóc sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản có chất lượng, và các chính sách xã hội hỗ trợ trẻ em và có thể xem xét hỗ trợ nhà ở cho các cặp vợ chồng trẻ.

Theo ước tính của UNFPA trên toàn cầu, cứ 1 USD đầu tư vào sức khỏe bà mẹ có thể mang lại 8,4 USD lợi tức kinh tế vào năm 2050. Tương tự như vậy, cứ 1 USD đầu tư vào công tác kế hoạch hóa gia đình sẽ thu về 10,1 USD lợi tức kinh tế.

Thứ hai, UNFPA khuyến nghị Việt Nam tiếp tục đầu tư vào thanh thiếu niên thông qua các chính sách và chương trình y tế, giáo dục, cơ hội việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu của thị trường lao động trong kỷ nguyên mới và thúc đẩy tinh thần đổi mới sáng tạo trong nước.

Cũng giống như các nước thu nhập trung bình khác trên thế giới, tình trạng bất bình đẳng và chênh lệch vẫn tồn tại trong nước. Tỷ lệ tử vong mẹ và nhu cầu kế hoạch hóa gia đình chưa được đáp ứng vẫn cao hơn đáng kể trong nhóm dân tộc thiểu số, lao động nhập cư và thanh thiếu niên. Việt Nam cần tăng cường các chính sách về dịch vụ liên quan đến sức khỏe, bao gồm cả sức khỏe tình dục và sức khỏe sinh sản.

Cuối cùng, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến nhu cầu đặc thù của các nhóm dân số dễ bị tổn thương như phụ nữ và trẻ em gái, thanh thiếu niên, người cao tuổi, dân tộc thiểu số, lao động di cư, người khuyết tật và nạn nhân của bạo lực gia đình và bạo lực giới.

Hơn nữa, với vấn đề già hóa dân số, an sinh xã hội cũng như các cơ chế hỗ trợ và chăm sóc dài hạn cho người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ cao tuổi, cần phải được đảm bảo bằng cách áp dụng phương pháp tiếp cận theo vòng đời, và khuyến khích người cao tuổi tiếp tục và mở rộng tham gia vào các hoạt động kinh tế-xã hội.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm