pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chìm trong nỗi đau bị chồng lừa dối
Ảnh minh họa
Bên ngoài, ai cũng nghĩ chị Thủy Trúc (44 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) đang sống rất hạnh phúc bên chồng và hai con. Ngay cả họ hàng nội ngoại cũng đều đinh ninh rằng, gia đình chị là một hình mẫu lý tưởng:
Sự nghiệp của cả hai vợ chồng thành đạt, mỗi người sở hữu một ô tô riêng; ngoài căn hộ chung cư cả nhà đang ở, họ còn có một căn hộ cho thuê; hai con chăm ngoan, đứa học đại học, đứa học cấp 3...
Theo chia sẻ từ người bạn thân của chị Thủy Trúc, mối quan hệ giữa vợ chồng chị không như nhiều người vẫn nghĩ. Hơn 5 năm trước, vì điều kiện công tác nên vợ chồng chị Thủy Trúc kẻ Bắc - người Nam mất gần 2 năm, chỉ có dịp lễ, Tết anh mới về thăm nhà.
Trong thời gian này, ở nhà, chị Trúc luôn cố gắng tròn vai làm vợ, làm mẹ, một lòng chung thủy nhưng chồng chị thì sa vào mối quan hệ ngoài luồng một thời gian ngắn. Khi bị vợ phát hiện, chồng chị Trúc thú nhận với chị rằng, không ai có thể thay thế được chị nhưng anh đã không vượt qua được cảm xúc xác thịt, không làm chủ được bản thân khi xa nhà.
Anh đổ tội cho hoàn cảnh, còn chị thì không thể chấp nhận điều đó. Chị Trúc giữ kín chuyện này trong lòng, không hé lộ với gia đình, bạn bè nên gần như không ai biết chuyện ngoại tình của anh. Anh cầu xin chị cho anh cơ hội để sửa chữa, anh không muốn đánh mất gia đình, đánh mất chị và các con. Nhưng rồi, chị chọn cách đau khổ một mình, giữ gia đình cho con.
Chị Thủy Trúc thú nhận với người bạn rằng, chị cũng đã cố gắng để có thể nối lại tình cảm vợ chồng nhưng những ám ảnh luôn bủa vây khiến trái tim chị như bị… chết lâm sàng. "Tôi cũng tự hỏi mình, liệu tôi có quá tàn nhẫn với chính mình không, khi mà không còn tình yêu, cảm xúc với chồng nhưng vẫn chấp nhận sống chung một mái nhà, giữ thái độ "bình thường đến thản nhiên".
Tôi cũng rất dằn vặt và đau khổ, thậm chí nhờ cả bác sĩ tâm lý và chuyên gia tư vấn để có thể mở lòng với chồng, quên nỗi đau bị phản bội. Lúc đầu tôi hận, tôi đau. Nhưng về sau, tôi trở nên vô cảm, không còn trách giận nhưng không thể nào trở lại bình thường được. Cứ hễ anh có tín hiệu muốn gần gũi vợ là nỗi uất nghẹn, tổn thương lại dâng đầy trong tôi", chị Trúc chia sẻ.
Vậy là nhiều năm nay, trước mặt các con, gia đình, bạn bè, chị vẫn thể hiện là người vợ đồng hành bên anh nhưng khi chỉ còn hai vợ chồng với nhau, chị lại như… tượng đá.
Chia sẻ xung quanh câu chuyện của vợ chồng chị Thủy Trúc, chuyên gia tư vấn tâm lý Trịnh Trung Hòa cho rằng, trong hành trình của cuộc sống hôn nhân, không phải bến đỗ nào cũng trải đầy hoa hồng và không phải con đường nào cũng luôn thuận buồm xuôi gió. Chính vì thế, hôn nhân đôi khi cần cả sự chấp nhận nhau, bao dung và tha thứ cho nhau.
Trong câu chuyện của vợ chồng chị Thủy Trúc, có thể vì cái tôi quá cao, sự tổn thương quá lớn khiến chị tự trói mình ngày càng chặt hơn trong những cảm xúc tiêu cực. Nếu sau chuyện đáng tiếc xảy ra, chị trách giận chồng nhưng cũng công bằng hơn nhìn lại bản thân, đặt mình vào hoàn cảnh của chồng, chị có thể đã có cái nhìn bao dung hơn với chồng.
Vì chị cứ gặm nhấm nỗi đau riêng mình mà không sẻ chia với người thân nên không thể nào thoát ra được nỗi ẩn ức. Khi ẩn ức không được giải tỏa kịp thời thì nội tâm bị trọng thương, vết thương lòng khó liền sẹo.
Còn thạc sĩ Lỗ Việt Phương (Viện nghiên cứu Giới và Gia đình) cho rằng, chuyện vợ chồng làm lành cũng có "thời điểm vàng". Nếu như vợ chồng để tình cảm nguội lạnh quá lâu, trở thành kiểu "người dưng cùng nhà" thì mối quan hệ ấy sẽ làm chết dần chết mòn cảm xúc yêu thương giữa hai người.
Đến một lúc, cả hai vẫn cứ lặng lẽ đi cùng nhau như hai đường thẳng song song và không còn nhu cầu trở lại mối quan hệ ngọt ngào từng có.
Hạnh phúc gia đình không chỉ là sự kết hợp của tình yêu mà còn là sự đồng lòng, sự chia sẻ và cả những thỏa hiệp với nhau. Trong trường hợp này, nếu chị Thủy Trúc không tự cởi trói nội tâm thì thật khó để chị và chồng có thể "làm lại" từ đầu ở tuổi U50.