pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vợ chồng tìm cách thoát khỏi áp lực "nối dõi tông đường"

Ảnh minh họa
Cô Thanh Tâm thân mến!
Gần đây, mỗi bữa cơm gia đình cháu đều trở nên căng thẳng. Ông nội cháu 75 tuổi thường ngồi lặng lẽ bên mâm cơm, lặng lẽ về phòng. Những ai hiểu chuyện đều biết lý do: Ông đang buồn vì cháu - đứa cháu đích tôn của ông - lấy vợ 5 năm rồi mà vẫn chưa có con.
Sau khi bà nội mất, ông càng trở nên trầm lặng, dễ cáu gắt. Khi còn sống, bà là người an ủi, giúp ông bớt suy nghĩ về chuyện "nối dõi tông đường", nhưng giờ bà không còn, ông lại càng đau đáu về điều đó.
Những dịp giỗ chạp, cưới hỏi, bị họ hàng hỏi thẳng: "Bao giờ có chắt bồng đây cụ?", "cháu đích tôn mãi chưa có con thì phải làm sao?", ban đầu ông chỉ cười trừ nhưng dần dần, ông nổi cáu, thậm chí không nói chuyện với họ nữa.
Gánh nặng trên vai khiến cháu cũng căng thẳng. Vợ chồng cháu đã thử nhiều cách để có con: từ uống thuốc Bắc, tập yoga, thay đổi chế độ ăn uống đến cả những chuyến đi du lịch xa "đổi gió" nhưng vẫn chưa có thai. Khổ nhất là vợ cháu, người đã khóc không biết bao nhiêu lần.
Chúng cháu đã đi khám nhiều lần, bác sĩ nói hai vợ chồng đều khỏe mạnh nhưng vẫn chưa thể có con. Mỗi lần về nhà cháu, cô ấy cảm thấy như bước vào một trận chiến tâm lý, khiến cô ấy né tránh việc về nhà chồng, còn cháu thì kẹt giữa vợ và ông nội.
Không khí gia đình cháu thật nặng nề và cả hai vợ chồng đều cảm thấy kiệt sức. Nhìn ông nội buồn rầu, cháu cũng chẳng biết làm sao.
Cháu xin được giấu tên.
Chào cháu!
Thanh Tâm nghĩ, để cải thiện không khí gia đình, trước hết, cháu hãy thử thay đổi góc nhìn của ông nội. Khi bà mất, ông nội không chỉ mất đi người bạn đời mà còn đối diện với sự cô đơn, nỗi lo về tuổi tác, sức khỏe.
Việc cháu chưa có con khiến ông thêm bất an, vì trong suy nghĩ của ông, đó là sự tiếp nối của dòng họ. Những cảm xúc cáu gắt hay buồn bã của ông không chỉ xuất phát từ mong muốn có chắt, mà còn từ cảm giác bất lực khi không thể kiểm soát tương lai.
Gia đình cháu cần giúp ông hiểu rằng hạnh phúc không chỉ nằm ở chuyện có chắt mà còn ở sự đầm ấm, yêu thương giữa các thế hệ.
Người thân nên trò chuyện nhiều hơn với ông, giúp ông cảm nhận được rằng gia đình vẫn gắn kết, dù có con nối dõi hay không, từ đó, nhẹ nhàng hướng ông đến những quan điểm hiện đại hơn: có những gia đình hạnh phúc dù không có con ruột, vẫn có thể nhận con nuôi, hoặc đơn giản là tận hưởng cuộc sống bên con cháu hiện tại.
Đồng thời, tạo cho ông những niềm vui khác như đưa ông đi chơi, tham gia các hoạt động dành cho người cao tuổi.
Đối với vợ chồng cháu, đúng là áp lực có con vừa là mong mỏi, vừa là lo lắng, vừa là căng thẳng. Nhưng nếu không thoát ra khỏi cảm xúc tiêu cực đó, càng bị thúc ép, các cháu càng dễ rơi vào trạng thái căng thẳng, ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản.
Các cháu có thể chủ động khám và tiếp cận các phương pháp y học hiện đại. Nếu đã cố gắng 5 năm mà chưa có kết quả, vợ chồng cháu có thể cân nhắc các biện pháp như bơm tinh trùng vào buồng tử cung, thụ tinh trong ống nghiệm.
Nhưng cháu cũng nên đối diện với thực tế nếu không thể có con, gia đình cần chuẩn bị tâm lý cho mọi khả năng. Nếu các cháu không thể sinh con, có thể xem xét nhận con nuôi. Nhiều gia đình đã tìm thấy hạnh phúc bằng cách này.
Các cháu cũng có thể chọn cuộc sống không con cái nhưng vẫn hạnh phúc bên nhau, tận hưởng những chuyến đi, những khoảnh khắc bình yên. Việc có con không quyết định giá trị của một con người. Hãy giúp gia đình mình hiểu rằng tình yêu thương và sự gắn kết mới là điều quan trọng nhất.
Câu chuyện như nhà cháu không phải trường hợp hiếm gặp. Vẫn có nhiều người mang trong mình nỗi ám ảnh "nối dõi tông đường", khiến chính họ và con cháu rơi vào vòng xoáy căng thẳng.
Khi mỗi người học cách thay đổi góc nhìn, bớt áp đặt, gia đình sẽ tìm lại được sự bình yên. Hạnh phúc không đến từ việc có con hay không mà từ cách chúng ta yêu thương và trân trọng nhau trong từng khoảnh khắc.