Ngày 7/12, Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Hòa Bình cho biết, đã ra Cáo trạng số 01/CT-VKS-P2 truy tố 7 bị can trong vụ án chạy thận xảy ra tại BV Đa khoa Hòa Bình ngày 29/5/2017.
Theo cáo trạng, bị cáo Hoàng Công Lương là người có chuyên môn, được đào tạo kỹ thuật thận nhân tạo; có chứng chỉ hành nghề khám chữa bệnh. Hoàng Công Lương là người thừa lệnh Trưởng khoa ký đề xuất sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống lọc nước RO số 2; biết rõ nội dung sửa chữa và thời gian cụ thể ngày 28/5/2017 sửa chữa hệ thống RO số 2.
Trong sự cố ngày 29/5, Hoàng Công Lương là bác sĩ duy nhất trong 3 bác sĩ được phân công điều trị cho bệnh nhân tại Đơn nguyên lọc máu có đủ điều kiện ra y lệnh lọc máu chạy thận. Vì vậy, Lương là người chịu trách nhiệm về chuyên môn trong ca điều trị cho người bệnh ngày 29/5/2017.
Tuy nhiên, sáng 29/5/2017, khi mới nghe Điều dưỡng Đỗ Thị Điệp nói về việc Trần Văn Sơn thông báo hệ thống RO số 2 đã sửa xong và có thể hoạt động bình thường và chưa có việc bàn giao hệ thống RO số 2 để đưa vào sử dụng, nhưng Hoàng Công Lương đã chủ quan ra y lệnh điều trị và ký xác nhân y lệnh điều trị của bác sĩ Nguyễn Mạnh Linh và bác sĩ Phạm Thị Huyền. Điều này dẫn đến việc nguồn nước không đảm bảo chất lượng trực tiếp đi vào người bệnh nhân, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Do đó, VKS đã truy tố Hoàng Công Lương tội Vô ý làm chết người theo quy định tại khoản 2, Điều 98, BLHS năm 1999.
Đối với bị can Trương Quý Dương, với vai trò là Giám đốc BV đã không thực hiện đầy đủ nhiệm vụ được giao, buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra thường xuyên đối với cấp dưới, để cho cấp dưới có những vi phạm nghiêm trọng trong một thời gian dài, vi phạm một loạt các quy định, quy chế của Bộ Y tế.
Do đó, Trương Quý Dương bị truy tố về tội bị truy tố về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS 1999.
Đối với bị can Đỗ Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Công ty cổ phần Dược phẩm Thiên Sơn, là người ký hợp số 315 với BVĐK tỉnh Hòa Bình; là người yêu cầu Bùi Mạnh Quốc tiến hành kiểm tra hệ thống RO số 2 và báo giá cho công ty Thiên Sơn.
Sau khi ký kết hợp đồng số 315, Đỗ Anh Tuấn chỉ đạo nhân viên gọi và yêu cầu Quốc sửa chữa, bảo dưỡng hệ thống RO số 2. Tuấn đã không thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm của mình, bỏ mặc Quốc tự mua hàng hóa, tự liên hệ với Trần Văn Sơn để thực hiện việc sửa chữa theo báo giá.
Viện kiểm sát truy tố Đỗ Anh Tuấn về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng, theo quy định tại khoản 2 Điều 285 BLHS 1999.
Ngoài ra, Cáo trạng cũng truy tố Trần Văn Sơn; bị can Trần Văn Thắng; bị can Hoàng Đình Khiếu về tội Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Bị cáo Bùi Mạnh Quốc bị truy tố về tội Vô ý làm chết người.
Liên quan đến bác sĩ Lương, ngày 5/12, các gia đình nạn nhân trong vụ tai biến chạy thận cho biết, đã gửi đơn kiến nghị đến các vị lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan, ban, ngành của TƯ và Hoà Bình đề nghị trả tự do cho bác sĩ Hoàng Công Lương, bị can trong vụ án.
Theo đó, đơn kiến nghị gồm chữ ký của đại diện 18 gia đình nạn nhân, bao gồm 9 gia đình có người thân tử vong và 9 người bị thương trong vụ tai biến.
Gia đình các nạn nhân cho rằng, sự cố chạy thận ngày 29/5/2017 tại BV Đa khoa Hòa Bình đã được cơ quan chức năng kết luận là do tồn dư hóa chất độc hại cao gấp 260 lần mức cho phép trong quá trình bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống nước RO. Lỗi để xảy ra tồn dư hóa chất gây chết người này trong hệ thống nước RO sử dụng cho chạy thận nhân tạo là lỗi của những người ký kết hợp đồng sửa chữa, những người thực hiện và giám sát thực hiện hợp đồng, không liên quan đến công việc chuyên môn của các y bác sĩ tại Đơn nguyên Thận nhân tạo, trong đó có bác sĩ Hoàng Công Lương.