Vụ án lao động ở Hải Dương: Cần xem lại việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Sở Y tế

Lam Hồng
15/07/2020 - 13:47
Vụ án lao động ở Hải Dương: Cần xem lại việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Sở Y tế

Bệnh Viện Đa khoa Hòa Bình (Hải Dương)

Cho rằng mình bị sa thải trái pháp luật nên đương sự đã khởi kiện ra tòa án. Tuy nhiên, từ sự việc này đã “lộ” ra một loạt những bất cập trong việc cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Sở Y tế tỉnh Hải Dương.

Bị sa thải vì không chấp hành phân công công việc

Theo đơn khởi kiện của ông Phạm Hải Dương gửi TAND TP Hải Dương, lãnh đạo Công ty cổ phần Bệnh Viện Đa khoa (BVĐK) Hòa Bình (Hải Dương) đã sa thải ông Dương trái pháp luật. Vì vậy, ông Dương yêu cầu:

1. Hủy Quyết định số 164/QĐ-BVĐKHB ngày 30/9/2019 về việc kỷ luật sa thải đối với ông.

2. Buộc bà Nguyễn Thị Thu Trang và BVĐK Hòa Bình bồi thường cho ông các khoản thiệt hại vì sa thải người lao động trái pháp luật…

Vụ án lao động ở Hải Dương: Cần xem xét lại việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Sở Y tế - Ảnh 1.

Đơn khởi kiện của ông Phạm Hải Dương

Còn theo bà Nguyễn Thị Thu Trang, Chủ tịch HĐQT BVĐK Hòa Bình, thì: Ngày 01/4/2010, Công ty (đại diện là ông Nguyễn Hữu Phấn, Giám đốc Bệnh viện) ký Hợp đồng lao động với ông Phạm Hải Dương, nghề nghiệp Bác sĩ. Tuy nhiên, đến ngày 12/10/2015, Sở Y tế tỉnh Hải Dương mới có xác nhận cho ông Phạm Hải Dương: Có Văn bằng chuyên môn là Bác sĩ và cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh với hoạt động chuyên môn "Khám bệnh, chữa bệnh Nội – Siêu âm".

Đến ngày 10/11/2017, căn cứ Biên bản họp Hội đồng quản trị ngày 14/10/2017, bà Nguyễn Thị Thu Trang bổ nhiệm ông Phạm Hải Dương giữ chức vụ Phó Giám đốc BVĐK Hòa Bình từ ngày 10/11/2017.

Năm 2019, Công ty tiến hành rà soát hồ sơ nhân sự của cán bộ, công nhân viên và nhận thấy hồ sơ nhân sự của ông Phạm Hải Dương như sau: Từ tháng 9/2004 đến tháng 7/2009, ông Phạm Hải Dương, đã học và tốt nghiệp Học viện Trung y Quảng Tây (Trung Quốc). Ngày 17/12/2009, Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam công nhận là Bằng tốt nghiệp Đại học và chưa được công nhận danh hiệu Bác sĩ.

Sau khi về nước, ông Phạm Hải Dương có tham dự một số lớp bồi dưỡng kiến thức chuyên ngành như sau: Từ tháng 8/2010 đến tháng 7/2011, học tại trường Đại học Y Hà Nội và được cấp Chứng chỉ định hướng chuyên khoa - chuyên ngành "Y học cổ truyền"; Từ ngày 20/5/2013 đến ngày 20/11/2013, học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và được cấp Giấy chứng nhận "Siêu âm ổ bụng tổng quát"; Từ ngày 01/10/2013 đến ngày 27/10/2014, học tại Trường Đại học Y Hà Nội và được cấp Chứng chỉ định hướng chuyên khoa - chuyên ngành "Nội"; Từ ngày 11/8/2014 đến ngày 07/11/2014, ông Phạm Hải Dương còn học tại Bệnh viện Bạch Mai và được cấp Chứng chỉ chuyên ngành "Siêu âm tim mạch".

Như vậy, trong cùng một thời gian, từ ngày 01/10/2013 đến ngày 20/11/2013 ông Phạm Hải Dương học tại 02 nơi là Bệnh viện Da khoa tỉnh Hải Dương và trường Đại học Y Hà Nội. Tương tự như vậy, trong thời gian từ ngày 11/08/2014 đến 07/11/2014, ông Phạm Hải Dương vừa học Định hướng Nội khoa tại trường Đại học Y Hà Nội vừa học chứng chỉ siêu âm Tim mạch tại BV Bạch Mai, điều này không phù hợp với Quy chế đào tạo của các cơ sở đào tạo ngành Y nêu trên.

Từ tháng 4/2017 đến tháng 7/2017, học tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hải Dương và được cấp Giấy chứng nhận "Khám và điều trị bệnh nội tiết".

Trong khi đó, từ ngày 12/10/2015, ông Phạm Hải Dương, đã được Sở Y tế tỉnh Hải Dương xác nhận văn bằng Bác sĩ và cấp Chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh với phạm vi hoạt động chuyên môn: "Khám bệnh, chữa bệnh Nội khoa, siêu âm"…

Từ thực tế trên và các quy định của pháp luật, lãnh đạo BVĐK Hòa Bình nhận thấy có một số điểm bất hợp lý về bằng cấp của ông Phạm Hải Dương, nên đã điều chuyển ông Phạm Hải Dương về công tác tại khoa Y học cổ truyền, đúng với chuyên ngành được đào tạo nhưng ông Dương không chấp hành, tự ý bỏ việc. Bệnh viện đã ra Quyết định sa thải đối với ông Phạm Hải Dương.

Lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hải Dương nói gì?

Theo Công văn số 1335/SYT, ngày 26/6/2020 của Sở Y tế Hải Dương gửi TAND TP Hải Dương, thì: Văn bằng chuyên môn của ông Phạm Hải Dương là văn bằng đại học (không phải là bác sĩ y học cổ truyền)… Sau đó, ông Dương có chứng chỉ định hướng chuyên ngành nội khoa do Trường ĐH Y Hà Nội cấp; giấy chứng nhận siêu âm tổng quát do BV Đa khoa tỉnh cấp và chứng chỉ siêu âm tim mạch do BV Bạch Mai cấp.

Căn cứ điểm b, khoản 2, Điều 5 Nghị định 109/2016/NĐ-CP quy định cấp chứng chỉ hành nghề đối với người hành nghề…, người có văn bằng cử nhân y khoa do nước ngoài cấp thì phải qua đào tạo chuyên ngành bổ sung tối thiểu 12 tháng do các trường đào tạo hợp pháp của Việt Nam cấp thì được cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh là bác sỹ…

Từ những căn cứ trên, Sở Y tế tỉnh Hải Dương cho rằng việc Sở này cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh cho ông Phạm Hải Dương với chức danh Bác sĩ vào năm 2015 là hoàn toàn đúng quy định của pháp luật.

Vụ án lao động ở Hải Dương: Cần xem xét lại việc cấp chứng chỉ hành nghề khám, chữa bệnh của Sở Y tế - Ảnh 2.

Văn bản của Sở Y tế Hải Dương khẳng định việc công nhận ông Phạm Hải Dương là Bác sỹ vào năm 2015 là đúng với quy định pháp luật

Theo Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh số 0008850/HD-CCHN ngày 12/10/2015 của Sở Y tế cấp cho ông Phạm Hải Dương, với nội dung ghi Văn bằng chuyên môn Bác sĩ thì Sở Y tế Hải Dương đã căn cứ Nghị định số 87/2011/NĐ-CP và Thông tư số 41/2011/TT-BYT để cấp Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh cho ông Phạm Hải Dương.

Tuy nhiên, điều đáng tiếc là nội dung 02 văn bản nêu trên không có điều, khoản nào quy định việc cấp Chứng chỉ hành nghề (CCHN) khám bệnh, chữa bệnh Nội khoa – Siêu âm, cho người có trình độ chuyên môn Cử nhân Y khoa đã học ở nước ngoài. Vì vậy, việc cấp Chứng chỉ nói trên là trái pháp luật.

Không những thế, khi trả lời TAND TP Hải Dương, lãnh đạo Sở Y tế tỉnh Hải Dương lại lấy căn cứ tại điểm b, Khoản 2, Điều 5 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 để giải trình về việc đã cấp CCHN và ghi văn bằng chuyên môn chức danh Bác sĩ cho ông Phạm Hải Dương.

Trong khi đó, khoản 1, Điều 50 Nghị định số 109/2016/NĐ-CP ghi rõ: "Trường hợp tổ chức, cá nhân nộp hồ sơ đề nghị cấp, cấp lại chứng chỉ hành nghề, cấp, cấp lại, điều chỉnh giấy phép hoạt động trước thời điểm Nghị định này có hiệu lực thì thực hiện theo các văn bản quy phạm pháp luật đã được ban hành trước ngày Nghị định này có hiệu lực thi hành".

Trao đổi với PV qua điện thoại vào ngày 14/7 khi PV liên hệ làm việc, ông Phạm Mạnh Cường, Giám đốc Sở Y tế Hải Dương lại cho biết: "Chúng tôi đang rà soát, kiểm tra những trường hợp mà Báo đang tìm hiểu. Tuy nhiên, vấn đề này phức tạp nên chúng tôi cần xin ý kiến hướng dẫn của Bộ Y tế. Khi nào có kết quả cuối cùng, chúng tôi sẽ thông tin sau".

Vậy là, để trả lời báo chí thì Sở Y tế tỉnh Hải Dương cần phải xin ý kiến của Bộ Y tế. Nhưng trước đó, khi trả lời TAND TP Hải Dương thì Sở này lại khẳng định như "đinh đóng cột" là việc mình cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh Bác sỹ cho ông Phạm Hải Dương là hoàn toàn đúng pháp luật.

Cũng qua vụ việc này, chúng tôi còn phát hiện khá nhiều trường hợp khác cũng được cấp chứng chỉ hành nghề với chức danh là Bác sỹ có dấu hiệu trái pháp luật của Sở Y tế tỉnh Hải Dương hay không là điều cần phải làm rõ. Người hành nghề y liên quan trực tiếp đến tính mạng con người, nên nếu xảy ra việc cấp chứng chỉ hành nghề không đúng quy định thì có thể dẫn đến hậu quả khó lường.

Báo PNVN sẽ tiếp tục thông tin đến bạn đọc.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm