Vụ chồng trộm phôi trữ đông cho 'bồ': Bộ Y tế yêu cầu BV Bưu Điện làm rõ

14/10/2019 - 16:22
Liên quan đến vụ việc chồng trộm phôi trữ đông tại BV Bưu Điện (Hà Nội) cho người tình mang thai, ngày 14/10, ông Nguyễn Đức Vinh, Vụ trưởng Vụ sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em (Bộ Y tế), cho biết, Bộ đã gửi công văn yêu cầu BV báo cáo sự việc; xử lý các đơn vị và cá nhân vi phạm (nếu có).

Theo ông Vinh, qua thông tin sơ bộ, tháng 12/2017, vợ chồng bà N. (ở Bắc Ninh) đã thực hiện thụ tinh trong ống nghiệm tại BV Bưu Điện và được 2 phôi. Trong đó, 1 phôi được chuyển cho người vợ và phôi còn lại được lưu trữ tại BV. Hàng năm, gia đình vẫn đóng phí lưu trữ phôi đầy đủ.

Sau đó, người chồng đã có hành vi lấy phôi được lưu trữ ở BV nghi cho “bồ” mang thai. Người vợ chỉ phát hiện ra khi nhận được thông tin hỏi thăm sức khỏe thai nhi từ nhân viên của BV. Sau đó, bà N. đã yêu cầu BV làm rõ.

 

Quy trình lưu trữ và bảo quản phôi rất chặt chẽ. Ảnh min họa

Ông Vinh cho biết, BV đã nhận diện quá trình chuyển phôi thai thông qua chứng minh nhân dân của cả hai vợ chồng. Tuy nhiên, chứng minh nhân dân của người vợ đã rất cũ nên việc nhận diện khó khăn. Trong khi đó, hai người đến chuyển phôi lại trả lời đúng các câu hỏi lưu trữ trong ngân hàng phôi của BV. Còn bác sĩ chủ yếu chịu trách nhiệm về chuyên môn nên không thể bao quát được hết những vấn đề như vậy.

Trước mắt, Bộ Y tế cũng yêu cầu BV kiểm tra lại tất cả nhân viên y tế của BV có liên quan, xem xét họ có thực hiện đúng quy định trong quá trình lưu trữ phôi thai, cấy phôi, chuyển phôi hay không. Từ đó, tránh được những nhầm lẫn không đáng có.

Theo ông Vinh, việc người chồng “lừa” lấy phôi lưu tại BV, người chồng không chỉ vi phạm về mặt đạo đức mà còn khiến BV phải gánh chịu hậu quả. Trong đó, có việc ảnh hưởng đến uy tín của BV.

Còn theo GS.TS Nguyễn Viết Tiến, nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản quốc gia, theo quy trình, hai vợ chồng có phôi thai chung, dù đang chung sống hay ly hôn, muốn hiến tặng phôi thai đó phải có sự đồng thuận của cả hai người và phải kí vào văn bản đồng thuận. Còn trong trường hợp chỉ một người đồng ý sẽ không được phép, vì phôi thai là sản phẩm chung của cả hai người. Tuy nhiên, với việc bị trộm phôi để cho người khác mang thai thì đây là lần đầu tiên được phát hiện. 

 

BV Bưu Điện (Hà Nội) - nơi xảy ra vụ việc

 

Theo GS Tiến, Bộ Y tế đang đẩy nhanh quy trình nhận diện bằng vân tay để kiểm soát nguy cơ phôi thai được sử dụng sai mục đích. Nếu thành công, sẽ không thể xảy ra tình trạng giả mạo chữ kí, giả mạo chứng minh thư... để lấy phôi thai.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, các quy trình từ bảo quản phôi, cấy phôi đều thực hiện vô cùng chặt chẽ và qua nhiều bước. Vì vậy, việc “nhầm lẫn” giữa người chủ và người trộm phôi là điều khó xảy ra, trừ khi có sự tiếp tay của cán bộ y tế. Hơn nữa, lý do bác sĩ chỉ làm chuyên môn nên không bao quát được là không thuyết phục, bởi bộ phận làm nhiệm vụ kiểm tra giấy tờ, thân nhân là bộ phận hành chính chứ không phải bác sĩ. Vì vậy, trong vụ việc này cần phải làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân cụ thể của BV, chứ không chỉ xử phạt người chồng có hành vi trộm phôi. Nếu không, hàng ngàn gia đình đang thực hiện trữ phôi không thể an tâm, bởi phôi của họ có thể mất bất cứ lúc nào.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm