Vụ ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên: Tước đoạt quyền hợp pháp của người vợ

29/05/2019 - 16:48
PNVN đã có nhiều bài phản ánh những dấu hiệu sai phạm trong quá trình thụ lý vụ án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên. Chúng tôi tiếp tục nêu lên những bất thường trong quá trình xét xử vụ ly hôn này để công luận có một cái nhìn khách quan về vụ án.

Sau phiên tòa sơ thẩm của TAND TP HCM, bà Lê Hoàng Diệp Thảo đã có đơn gửi các cơ quan chức năng, tố cáo hàng loạt sai phạm của cơ quan tiến hành tố tụng và một số cá nhân, nhất là thẩm phán Nguyễn Văn Xuân (Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm - PV) trong quá trình thụ lý và xét xử vụ án ly hôn của vợ chồng bà.

 

thao.jpg
Bà Lê Hoàng Diệp Thảo

 

Trước hết là việc trong quá trình xét xử, HĐXX sơ thẩm đã quyết định về tài sản là cổ phần và phần vốn góp của bà Thảo tại Tập đoàn Trung Nguyên khi chưa định giá, cụ thể:

HĐXX sơ thẩm đã quyết định về tài sản chung là cổ phần và phần vốn góp tại các Công ty thuộc Tập đoàn Trung Nguyên, tước đoạt toàn bộ số cổ phần và phần vốn góp mà bà Thảo đang đứng tên sở hữu, buộc bà Thảo phải giao toàn bộ cổ phần/phần vốn góp cho ông Đặng Lê Nguyên Vũ; buộc bà Thảo phải nhận tiền.

Hành vi này là cố ý làm trái pháp luật về nội dung và pháp luật tố tụng, cụ thể:

Điều 64 Luật Hôn nhân gia đình 2014 qui định về chia tài sản chung của vợ chồng đưa vào kinh doanh: “Vợ, chồng đang thực hiện hoạt động kinh doanh liên quan đến tài sản chung có quyền được nhận tài sản đó và phải thanh toán cho bên kia phần giá trị tài sản mà họ được hưởng, trừ trường hợp pháp luật về kinh doanh có quy định khác”.

Với qui định này, số cổ phần và phần vốn góp mà bà Thảo đang đứng tên sở hữu thì đương nhiên bà Thảo phải được nhận. Thế nhưng, HĐXX đã làm trái quy định của pháp luật, tước đoạt quyền luật định của bà Thảo.

 

tpnvx.jpg
Ông Nguyễn Văn Xuân - Thẩm phán, Chủ tọa phiên tòa sơ thẩm vụ án ly hôn của vợ chồng chủ cà phê Trung Nguyên 

Về pháp luật tố tụng: Khoản 3, Điều 104, Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015, qui định: “Tòa án ra quyết định định giá tài sản và thành lập Hội đồng định giá khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Theo yêu cầu của một hoặc các bên đương sự;

b) Các đương sự không thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản hoặc đưa ra giá tài sản khác nhau hoặc không thỏa thuận được giá tài sản;

c) Các bên thoả thuận với nhau hoặc với tổ chức thẩm định giá tài sản theo mức giá thấp so với giá thị trường nơi có tài sản định giá tại thời điểm định giá nhằm trốn tránh nghĩa vụ với Nhà nước hoặc người thứ ba hoặc có căn cứ cho thấy tổ chức thẩm định giá tài sản đã vi phạm pháp luật khi thẩm định giá".

Tài sản được quyết định trong bản án là cổ phần tại các Công ty cổ phần và phần vốn góp tại các Công ty TNHH. Từ khi thụ lý vụ án cho đến khi tuyên án, chưa có văn bản tố tụng nào thể hiện các bên thoả thuận về trị giá cổ phần và phần vốn góp. Do vậy, việc định giá cổ phần và phần vốn góp là bắt buộc (không phải định giá Công ty).

Tuy nhiên, thẩm phán Xuân đã cố ý vi phạm thủ tục tố tụng này. Trong hồ sơ vụ án, chưa có văn bản tố tụng nào thể hiện thủ tục định giá cổ phần và phần vốn góp tại các Công ty; chưa có kết luận định giá cổ phần và phần vốn góp là tài sản chung vợ chồng.

Đây là sự thật khách quan, bởi lẽ Toà án chỉ định giá các công ty, mà Công ty là pháp nhân (một chủ thể của quan hệ pháp luật) - không phải là tài sản chung để chia.

Như vậy, việc quyết định về tài sản là cổ phần và phần vốn góp mà chưa định giá cổ phần và phần vốn góp đó là trái pháp luật, xâm phạm đến quyền lợi hợp pháp của bà Thảo.

Ngoài ra, theo tố cáo của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, thẩm phán Xuân đã cố ý làm trái, ký ban hành Quyết định trưng cầu thẩm định giá tài sản số 5148/2017/QĐ-TCGĐ. Căn cứ pháp lý để ban hành quyết định này là Điều 97 và Điều 104 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Tuy nhiên, cả hai điều luật này, nói đúng hơn là toàn văn Bộ luật Tố tụng dân sự 2015 không có điều, khoản nào trao cho Toà án quyền quyết định trưng cầu thẩm định giá.

Việc thẩm định giá đã được trao quyền cho đương sự thoả thuận lựa chọn, cụ thể tại khoản 2, Điều 104, Bộ luật Tố tụng dân sự 2015, qui định: “Các đương sự có quyền thỏa thuận lựa chọn tổ chức thẩm định giá tài sản để thực hiện việc thẩm định giá tài sản và cung cấp kết quả thẩm định giá cho Tòa án”.

Với tư cách là thẩm phán, thẩm phán Xuân biết rõ và buộc phải biết việc ban hành quyết định này là trái pháp luật, vậy nhưng không hiểu tại sao vị thẩm phán này vẫn cố tình vi phạm.

(Còn nữa)

Ngày 20/5, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đã có phiếu chuyển đơn của bà Lê Hoàng Diệp Thảo đến Chánh án TANDTC để đề nghị xem xét vụ án này.

Theo phiếu chuyển đơn của ông Lưu Bình Nhưỡng, ông nhận được đơn kêu cứu khẩn thiết của bà Lê Hoàng Diệp Thảo, cho rằng thẩm phán Nguyễn Văn Xuân “dùng thủ đoạn cưỡng ép ly hôn”; quyết định phân, chia tài sản là cổ phần và vốn góp khi chưa định giá các tài sản này; “Thẩm phán Xuân có hành vi lừa dối đương sự để hợp pháp hóa vi phạm tố tụng”…, ra bản án trái pháp luật, có dấu hiệu che dấu tội phạm…

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm