Vụ trẻ 10 tuổi tử vong: Giám đốc thừa nhận trình độ chuyên môn của bác sĩ hạn chế

25/06/2019 - 12:53
“Chúng tôi thừa nhận trình độ chuyên môn của bác sĩ còn hạn chế, kinh nghiệm chưa có, tiên lượng bệnh nhân chưa lường hết được diễn biến nguy hiểm của bệnh nên bác sĩ bình tĩnh thế”, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc BV Đa khoa Vân Đình (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) nói.

Liên quan đến vụ việc gia đình bé T.H.M. (10 tuổi, huyện Ứng Hòa, Hà Nội) tố BV Đa khoa Vân Đình không cho chuyển tuyến, chẩn đoán sai khiến trẻ tử vong, ngày 25/6, trao đổi với PNVN, ông Nguyễn Văn Đông, Giám đốc BV Đa khoa Vân Đình cho biết đây là sự cố ngoài mong muốn.

Theo ông Đông, khoảng 12h ngày 22/5, bệnh nhi T.H.M. được người nhà đưa vào khám với biểu hiện đau bụng, nôn, đi ngoài phân lỏng.

Tiếp nhận bệnh nhi, bác sĩ trực Cấp cứu chỉ định xét nghiệm máu và chẩn đoán rối loạn tiêu hóa nên chuyển vào khoa Nhi điều trị.

Tại khoa Nhi, bác sĩ thăm khám lại và cũng đồng tình với chẩn đoán trước đó là bệnh nhi M. bị rối loạn tiêu hóa nên truyền dịch và cho uống men tiêu hóa.

 

BV Đa khoa Vân Đình, nơi bệnh nhi điều trị trước khi tử vong

Khoảng 16h cùng ngày, bác sĩ Nguyễn Hữu Văn, Trưởng khoa Nhi trực tiếp thăm khám, xem xét nghiệm lâm sàng và nhận thấy bệnh nhi bị viêm đường mật, có viêm phổi trên rối loạn tiêu hóa. Lúc này, bệnh nhi vẫn nôn, có dịch mật nên bác sĩ dùng chống nôn, men tiêu hóa.

Trong quá trình điều trị, bệnh nhi vẫn không đỡ nên các bác sĩ đã nghĩ đến chuyển tuyến. Đêm ngày 23, rạng sáng ngày 24/5, bệnh nhi vẫn bị nôn, bác sĩ khám xét lại thấy bệnh nhi có vẻ mệt hơn nên cho chuyển lên BV Nhi TƯ. Tại đây, bệnh nhi được chẩn đoán viêm cơ tim cấp.

Theo ông Đông, trong việc chuyển viện, gia đình và bác sĩ không hiểu nhau dẫn đến nhầm lẫn. Theo đó, gia đình xin chuyển ra BV Nhi TƯ, nhưng dựa trên chẩn đoán và tình trạng của bệnh nhi, bác sĩ cho rằng bệnh không quá nặng nên tư vấn chuyển đến BV Xanh Pôn. Đây là BV hạng 1 của Hà Nội và là chỉ đạo tuyến của BV Đa khoa Vân Đình, đồng thời nếu chuyển đến đây BHYT sẽ đúng tuyến giúp gia đình tiết kiệm được chi phí điều trị. “BV không ngăn cản việc chuyển tuyến, mà do bác sĩ giải thích ngắn gọn dẫn đến gia đình bệnh nhi hiểu nhầm”, ông Đông nói(!?).

 

Khoa Hồi sức cấp cứu, nơi bệnh nhi đến khám ban đầu

 

Cũng theo ông Đông, khi điều trị tại BV Nhi TƯ, bệnh nhi được xác định bị viêm cơ tim cấp, tình trạng rất nặng. Khi nhận được thông tin này, các y bác sĩ giật mình bởi đây là bệnh rất khó, hiếm gặp ở tuyến dưới. Để chẩn đoán bệnh này phải có những triệu chứng, xét nghiệm mang tính chất đặc hiệu và đặc biệt là trình độ bác sĩ. Vì BV chưa nghĩ đến bệnh này nên không nghĩ đến biến chứng nguy hiểm này nên vẫn chỉ điều trị theo triệu chứng của rối loạn tiêu hóa, viêm phổi. Nếu xác định được bệnh này thì BV phải nhanh chóng chuyển ra Nhi TƯ.

Trả lời câu hỏi, trường hợp bệnh nhi M. có phải là bác sĩ chẩn đoán nhầm hay không, ông Đông cho rằng đây không phải là chẩn đoán sai, mà chưa xác định được nguyên nhân gây bệnh. Bác sĩ Đông nói: “Đây là ca bệnh khó, rất hiếm gặp. Mấy chục năm tôi công tác ở ngành hồi sức của BV cũng chưa gặp ca nào. Chúng tôi cũng thừa nhận, trình độ chuyên môn của bác sĩ còn hạn chế, kinh nghiệm chưa có, tiên lượng bệnh nhân chưa lường hết được diễn biến nguy hiểm của bệnh nên bác sĩ mới bình tĩnh thế”.

Khi bé mất, gia đình bé xuống viện yêu cầu làm rõ. BV không trốn tránh mà để cho gia đình tập trung lo tang ma cho bé xong thì Ban giám đốc BV đến thắp hương, chia sẻ nỗi đau.

Về hướng xử lý, bác sĩ Đông cho biết, BV đã hẹn ngày làm việc với gia đình bệnh nhi để giải thích những khúc mắc. BV cũng xem xét tâm tư, nguyện vọng của gia đình bệnh nhi như thế nào để có hướng xử lý, hỗ trợ, chia sẻ nỗi đau.

Với những người liên quan, BV thành lập hội đồng chuyên môn, phân tích kỹ trên hồ sơ bệnh án, lời của gia đình, tường trình của cán bộ để xem lỗi tại đâu, khâu nào, quy tắc ứng xử trong quá trình giao tiếp ra sao để xử lý. “Với bác sĩ trực tiếp trị cho bệnh nhi, sau khi họp Hội đồng chuyên môn và Hội đồng thi đua khen thưởng sẽ xử lý về mặt Đảng. Về thi đua, bác sĩ sẽ bị cắt thi đua năm 2019, bị chậm thời gian lên lương. “Thầy thuốc không bao giờ mong muốn điều trị thất bại, nhưng có những tình huống hoặc bệnh không ai ngờ thì bác sĩ rất mong bệnh nhân và người nhà chia sẻ”, ông Đông nói.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm