pnvnonline@phunuvietnam.vn
Vươn lên làm giàu bằng nghề chổi tre, chổi chít
Nghề làm chổi chít, chổi tre đã giúp chị Trần Thị Cúc vươn lên khẳng định mình
Vợ chồng chị Trần Thị Cúc (SN 1965) xuất thân từ gia đình làm nông nghiệp, trong thôn lại có truyền thống đan lát thủ công. Nên ngoài sản xuất 2 vụ lúa và trồng rau màu vụ đông, tranh thủ những lúc nông nhàn gia đình chị Cúc lại cùng bà con trong thôn đan rổ, đan xảo, làm chổi tre để phục vụ sinh hoạt gia đình và kiếm thêm thu nhập… Qua tìm hiểu thị trường về nghề buôn bán chổi chít, năm 2007, chị Cúc cùng chồng đã mạnh dạn mở rộng nghề đan thủ công, làm chổi lúa, chổi tre và chổi chít.
Từ nguồn vốn tích lũy của gia đình gom góp lại, và vay thêm của người thân, bạn bè, vay ngân hàng, chị có được 50 triệu đồng để xây dựng nhà xưởng, mua dụng cụ làm nghề và nhập nguyên liệu. Lúc đầu, do nguồn vốn còn hạn hẹp, thị trường tiêu thụ sản phẩm làm ra lại nhỏ, nên cơ sở làm chổi chít của chị Cúc chỉ có 5 người làm. Sản phẩm làm ra, vợ chồng chị đem bán lẻ tại các chợ, trừ chi phí thu lãi cũng không đáng kể.
"Để có vốn mua thêm nguyên liệu, thuê nhân công lao động và mở rộng quy mô sản xuất, vợ chồng tôi cứ làm được số lượng hàng nhất định lại đem đi bán, bỏ mối cho các cơ sở. Với cách xoay vòng vốn như thế, dần dần cơ sở sản xuất của tôi cũng làm ăn hiệu quả", chị Trần Thị Cúc cho biết.
Với bản tính cần cù, chịu khó, ham học hỏi, chị Cúc còn đi tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm ở các tỉnh lân cận với Hải Dương. "Cứ thế, số vốn tích lũy được tăng theo từng năm. Tôi cùng chồng lại mở rộng xưởng, nhập nguyên liệu và thuê thêm nhân công làm việc. Cũng từ đó, gia đình tôi không chỉ sản xuất chổi chít, mà còn làm thêm chổi tre. Sản phẩm từ xưởng chổi chít của gia đình tôi không chỉ chiếm lĩnh được thị trường trong tỉnh, nay đã có mặt ở các chợ lớn tại Quảng Ninh, Hải Phòng, Hà Nội. Đặc biệt, sản phẩm từ xưởng chổi chít của gia đình tôi nay đã có thương hiệu "Chổi chít siêu bền Quốc Khánh" - chị Trần Thị Cúc vui vẻ cho biết.
Sau hơn 15 năm làm nghề, số lượng chổi các loại của cơ sở gia đình chị làm ra cũng tăng lên theo từng năm, đem lại cho gia đình chị một cuộc sống khấm khá. Chị Cúc bảo, mỗi năm trừ chi phí, cơ sở sản xuất của chị cho thu lãi từ 150 đến 250 triệu đồng. Từ nguồn thu nhập ổn định, gia đình chị đã mua sắm được nhiều vật dụng và tiện nghi phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày, đồng thời tạo điều kiện cho con cái học tập và phát triển toàn diện.
Là một hội viên phụ nữ, chị Cúc luôn thể hiện rõ tinh thần đoàn kết, tương thân, tương ái, sẵn sàng giúp đỡ chị em khác có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn, thiếu vốn sản xuất... để cùng nhau vươn lên thoát nghèo.
Nhiều chị em không có nghề phụ, nhất là những phụ nữ cao tuổi, phụ nữ nghèo đơn thân, khuyết tật có nhu cầu làm việc tại xưởng, chị Cúc luôn tạo điều kiện sắp xếp việc làm phù hợp với sức khoẻ, đảm bảo mức thu nhập của lao động chính từ 3 - 3,5 triệu đồng/người/tháng, lao động phụ từ 1,5 - 2 triệu đồng/người/tháng. Đến nay có sở của chị đã tạo việc làm ổn định cho 20 hội viên trong xã Hợp Tiến.
"Quản lý xưởng sản xuất nên tôi thường phải thức khuya dậy sớm, song là một hội viên phụ nữ xã, tôi luôn ý thức sắp xếp công việc khoa học để tham gia các cuộc họp, các buổi sinh hoạt của chi Hội, của Hội phụ nữ xã đầy đủ, tạo động lực cho các chị em khác cùng tích cực tham gia công tác Hội phụ nữ ở địa phương", chị Trần Thị Cúc chia sẻ.
Nhờ những nỗ lực trong nhiều năm qua, gia đình chị Cúc luôn đạt gia đình văn hoá tiêu biểu và hộ sản xuất kinh doanh giỏi tại địa phương. Năm 2013, chị Cúc được Hội LHPN Việt Nam tặng Bằng khen "Phụ nữ có thành tích trong việc thực hiện phong trào thi đua tích cực học tập, lao động, sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc". Đồng thời, chị cũng được Trung ương Hội tặng Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ". Hội nông dân Việt Nam cũng tặng Bàng khen công nhận chị là "Hộ sản xuất kinh doanh giỏi" ở Hợp Tiến.