Xã biên giới 2 lần về nhất trong xây dựng Nông thôn mới

Minh Châu
23/07/2025 - 17:59
Xã biên giới 2 lần về nhất trong xây dựng Nông thôn mới

Một con đường liên xóm ở xã Hạnh Lâm thời điểm vừa mới đươc trải bê tông

Hạnh Lâm là xã biên giới đầu tiên đạt chuẩn nông thôn (NTM) mới của tỉnh Nghệ An (năm 2017). Tháng 3/2024, Hạnh Lâm lại trở thành xã biên giới đầu tiên của tỉnh được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao. Với xuất phát điểm thấp, hạ tầng còn hạn chế nhưng, bằng tinh thần đoàn kết, vượt khó, đổi mới và sáng tạo không ngừng, Hạnh Lâm đã tạo nên những bước chuyển mình mạnh mẽ.

Hạ tầng giao thông hiện đại

"Xóm 1 chúng tôi từng là ốc đảo, muốn sang xã khác hoặc đến trung tâm xã phải đi lại bằng thuyền. Ngày đó, người dân chỉ ước bao giờ có con đường bộ nối liền để không phải chịu cảnh mỗi mùa mưa lũ trẻ lại không thể đến trường, người dân bị cô lập. Ấy vậy mà bây giờ đường bê tông phẳng lì đã đi tới mọi ngõ ngách. Con đường bộ nối liên với trung tâm xã rộng thênh thang không chỉ giúp ngươi dân đi lại thuận tiện mà còn giúp kinh tế phát triển nhanh chóng", anh Lê Hồng Tuấn chia sẻ.

Xác định đường là mạch máu của sự sống và ở Hạnh Lâm, việc cải thiện hạ tầng giao thông nông thôn chính là dấu ấn đầu tiên, rõ nét nhất trong hành trình xây dựng NTM nâng cao. Với tổng vốn đầu tư 6,6 tỷ đồng cùng sự đồng tình, hưởng ứng mạnh mẽ của người dân, đến nay 100% các tuyến đường xã đã được nhựa hóa hoặc bê tông hóa, đảm bảo ô tô có thể đi lại thuận tiện quanh năm.

Xã biên giới 2 lần về nhất trong xây dựng Nông thôn mới- Ảnh 1.

Ông Đặng Hữu Hạnh - PCT UBND xã Hạnh Lâm kiểm tra tuyến đường đang thi công

Những hoạt động nâng cấp, chỉnh sửa và làm mới các tuyến đường diễn ra sôi nổi, tạo nên một mạng lưới giao thông liên hoàn, kết nối các xóm, tạo điều kiện thuận lợi cho giao thương, sản xuất và nâng cao chất lượng đời sống. Nhiều thôn, nhiều hộ gia đình đã trở thành những điển hình tiên tiến trong phong trào hiến đất, tài sản trên đất và đóng góp công sức, tiền của để làm đường, góp phần tạo nên những tuyến đường khang trang, sạch đẹp.

Bên cạnh giao thông, hệ thống thủy lợi cũng được địa phương đặc biệt chú trọng. Hạnh Lâm đã làm tốt việc lồng ghép các chương trình, dự án, kết hợp nguồn vốn trực tiếp từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, đồng thời huy động sức dân đóng góp tiền để sửa chữa, nâng cấp hệ thống tưới tiêu. Hiện tại, xã có 2 trạm bơm và 11,3 km kênh mương, đảm bảo tốt việc phục vụ sản xuất canh tác cho nhân dân.

Đặc biệt, từ nguồn hỗ trợ lúa nước hàng năm, UBND xã đã đầu tư nâng cấp, bê tông hóa các tuyến kênh mương, mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp trên các vùng. Công tác bảo trì và nâng cấp các công trình thủy lợi nội đồng được thực hiện thường xuyên, đảm bảo nguồn nước tưới tiêu ổn định cho đồng ruộng.

Xã biên giới 2 lần về nhất trong xây dựng Nông thôn mới- Ảnh 2.

Trường học được xây dựng khang trang

Dù là xã biên giới với địa hình rộng và dân cư phân bố rải rác nhưng trong những năm qua, địa phương đã thực hiện hiệu quả chủ trương xóa nhà tranh tre dột nát, tạm bợ cho các hộ nghèo và gia đình chính sách có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Kết hợp với công tác tuyên truyền vận động nhân dân tự xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp nhà ở bằng nguồn vốn tự có, đến thời điểm hiện tại, trên địa bàn xã không còn nhà tạm bợ, dột nát. Tỷ lệ hộ có nhà ở kiên cố hoặc bán kiên cố ở Hạnh Lâm đạt 97,4%, góp phần mang lại cuộc sống ổn định và an toàn cho người dân.

Đổi thay toàn diện

Nhờ sự đầu tư hiệu quả vào các hệ thống cơ sở vật chất, kinh tế Hạnh Lâm đã có những bước tiến vững chắc. Bên cạnh việc sản xuất các loại cây trồng, vật nuôi truyền thống nhằm đảm bảo an ninh lương thực và phát triển kinh tế hộ, UBND xã còn đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa. Nhiều mô hình kinh tế mới đã và đang cho thấy hiệu quả rõ rệt, mang lại giá trị kinh tế cao hơn cho nông dân.

Xã biên giới 2 lần về nhất trong xây dựng Nông thôn mới- Ảnh 3.

Chè là cây thế mạnh, mang lại nguồn thu nhập rất lớn cho người dân Hạnh Lâm

Sự phát triển kinh tế đã kéo theo những thay đổi tích cực trong đời sống người dân. Thu nhập bình quân đầu người hàng năm của xã Hạnh Lâm luôn duy trì đà tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Cụ thể, từ 34 triệu đồng/người/năm vào năm 2020, con số này đã tăng lên 59,755 triệu đồng/người/năm vào năm 2024, đạt 96,4% so với kế hoạch đề ra.

Cùng với đó, các chương trình, chủ trương, chính sách hỗ trợ người dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế được địa phương thực hiện quyết liệt, đời sống người dân không ngừng được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể từ 3,51% năm 2020 xuống còn 2,7% vào năm 2024.

Để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế, công tác đào tạo lao động cũng được chú trọng. Năm 2024, tỷ lệ lao động qua đào tạo của xã là 2.655 người, đạt tỷ lệ 80,6%. Trong đó, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 31,4%, góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu sản xuất và dịch vụ trong tình hình mới.

Xã biên giới 2 lần về nhất trong xây dựng Nông thôn mới- Ảnh 4.

Lãnh đạo tỉnh Nghệ An trao Bằng công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao và công trình phúc lợi cho Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân xã Hạnh Lâm

Xác định đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho sự phát triển bền vững nhất, Hạnh Lâm đã triển khai nhiều giải pháp, huy động mọi nguồn lực để xây dựng cơ sở hạ tầng và trang thiết bị phục vụ công tác dạy và học. Hiện tại, xã Hạnh Lâm có 3 trường học. Trong đó, trường Mầm non và THCS đã đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 1 và trường Tiểu học đang được đầu tư xây dựng để đạt tiêu chuẩn cơ sở vật chất mức độ 2, đảm bảo môi trường học tập tốt nhất cho các thế hệ tương lai.

Song hành với giáo dục, tiêu chí về y tế cũng được địa phương quan tâm sâu sát. Trạm y tế xã đã triển khai và sử dụng hiệu quả các phần mềm hiện có, phục vụ công tác khám chữa bệnh, quản lý số liệu và thực hiện tốt Sổ khám chữa bệnh điện tử. Điều này giúp nâng cao chất lượng dịch vụ y tế ban đầu, đảm bảo sức khỏe cho toàn dân trên địa bàn.

Phong trào văn hóa văn nghệ ở Hạnh Lâm được giữ vững và phát huy mạnh mẽ. Các hoạt động diễn ra sôi nổi từ xã đến thôn xóm, với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, thu hút đông đảo các thành phần và đối tượng tham gia, góp phần nâng cao chất lượng đời sống tinh thần của người dân. Cùng với đó, việc bảo tồn và phát huy các giá trị di tích lịch sử, văn hóa trên địa bàn cũng được đẩy mạnh, góp phần gìn giữ bản sắc dân tộc và truyền thống tốt đẹp của địa phương.

Hướng tới Nông thôn kiểu mẫu

Chia sẻ về định hướng tương lai, ông Đặng Hữu Hạnh - PCT UBND xã Hạnh Lâm, khẳng định: "Xác định xây dựng NTM là có điểm đầu nhưng không có kết thúc. Việc được công nhận xã đạt chuẩn NTM nâng cao sẽ là tiền đề cho một quá trình mới trong việc phát huy các tiêu chí để đạt xã NTM kiểu mẫu".

Xã biên giới 2 lần về nhất trong xây dựng Nông thôn mới- Ảnh 5.

Xã biên giới Hạnh Lâm 2 lần về nhất trong xây dựng Nông thôn mới và đang hướng tới xã Nông thôn mới kiểu mẫu

Trong thời gian tới, Hạnh Lâm sẽ tiếp tục đầu tư để xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ và hiện đại. Xã cũng tập trung cơ cấu lại kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất một cách hợp lý, gắn nông nghiệp với từng bước phát triển công nghiệp và dịch vụ.

Mục tiêu là phát triển nông thôn theo quy hoạch, xây dựng một xã hội nông thôn dân chủ, ổn định, giàu bản sắc văn hóa dân tộc; đồng thời bảo vệ môi trường sinh thái, giữ vững an ninh trật tự, và không ngừng nâng cao đời sống vật chất cũng như tinh thần của người dân.

Với những thành quả đáng tự hào đã đạt được và định hướng rõ ràng cho tương lai, Hạnh Lâm không chỉ là minh chứng sống động cho hiệu quả của Chương trình NTM ở một xã vùng núi, biên giới mà còn là nguồn cảm hứng về tinh thần vượt khó, vươn lên mạnh mẽ, sẵn sàng chinh phục những mục tiêu cao hơn trên hành trình xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm