Xã hội đòi hỏi rất cao trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em

01/03/2019 - 11:00
Theo Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình, mỗi vụ án hiếp dâm trẻ em hay buôn bán phụ nữ, trẻ em đều tạo nên làn sóng căm phẫn khắp cả nước. Nếu việc điều tra, truy tố, xét xử tội phạm này không nghiêm sẽ khiến dư luận bức xúc. Điều đó đòi hỏi trách nhiệm lớn với các cơ quan chức năng.

Vừa qua, tại Hà Nội, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Tòa án Nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Bộ Công an tổ chức Lễ ký kết chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ phụ nữ và trẻ em gái giai đoạn 2019 - 2022.

Sự kiện này cũng là một trong những chương trình hưởng ứng chủ đề năm “An toàn cho phụ nữ và trẻ em” 2019 do Hội LHPN Việt Nam phát động.

hoi-2.jpg
Lãnh đạo Hội LHPN Việt Nam cùng lãnh đạo Bộ Công an, TAND Tối cao, Viện KSND Tối cao ký kết chương trình phối hợp.

Tại Lễ ký kết này, các bên đã thống nhất cao về vai trò, nhiệm vụ của mỗi ngành trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em, trong đó nhấn mạnh về vai trò của Hội LHPN các cấp, từ trung ương đến cơ sở.

Cụ thể, trong chương trình phối hợp này, trách nhiệm của Hội LHPN Việt Nam được thể hiện qua 6 nội dung chính, đó là: Hội LHPN các cấp thông báo kịp thời những thông tin về tội phạm đã phát hiện hoặc nhận được tố giác, tin báo về tội phạm cho cơ quan Công an, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân có thẩm quyền để xem xét, giải quyết; Hội LHPN các cấp cử đại diện tham gia đoàn kiểm tra liên ngành do Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân hoặc cơ quan Công an chủ trì đối với các vụ việc liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em gái khi có đề nghị của cơ quan chủ trì.

Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hà phát biểu:

Thực hiện quyền giám sát trong tố tụng hình sự đối với các vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái theo quy định của pháp luật; Phối hợp với Bộ Công an, Viện KSND Tối cao, TAND Tối cao tham gia các hoạt động góp ý, kiến nghị, nghiên cứu, đề xuất chính sách, pháp luật bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái; Tuyên truyền, vận động cán bộ, hội viên, phụ nữ thực hiện chính sách, pháp luật, đấu tranh phòng, chống tội phạm vi phạm quyền của phụ nữ, trẻ em gái; Chủ trì, phối hợp với Bộ Công an, Viện KSNDTC, TANDTC tổ chức các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kiến thức cho đội ngũ công chức cơ quan tiến hành tố tụng về đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giới trong việc khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các tội phạm về xâm hại tình dục phụ nữ, trẻ em.

hoi-3.jpg
Các đại biểu tham dự Lễ ký kết.

Đối với Bộ Công an: Kịp thời xử lý, khởi tố, điều tra vụ việc liên quan đến phụ nữ, trẻ em gái và có biện pháp phù hợp trong bảo vệ quyền, lợi hợp pháp, chính đáng của phụ nữ, trẻ em gái theo quy định của pháp luật; cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật, có ý kiến phản hồi để Hội nắm được thông tin, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em gái; mời Trung ương Hội LHPN Việt Nam tham gia các hoạt động góp ý xây dựng luật, kiến nghị việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái khi Bộ Công an là cơ quan chủ trì.

Đối với Viện KSND Tối cao: Cung cấp thông tin theo quy định của pháp luật về vụ án, vụ việc có liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái mà Viện kiểm sát nhân dân thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp khi có yêu cầu của Hội LHPN Việt Nam; kịp thời chỉ đạo việc thực hành quyền công tố, kiểm sát việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố các vụ việc xâm hại phụ nữ, trẻ em gái khi có kiến nghị của Hội LHPN Việt Nam và thông báo cho Hội theo quy định của pháp luật; mời Trung ương Hội LHPN Việt Nam tham gia các hoạt động góp ý xây dựng luật, kiến nghị việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền, lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái khi Viện kiểm sát nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì.

Đối với Tòa án: Tạo điều kiện để Hội LHPN các cấp tham gia các hoạt động tố tụng đối với những vụ việc vi phạm pháp luật về quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ và trẻ em gái theo quy định của pháp luật: tham gia Hội đồng xét xử sơ thẩm vụ án dân sự theo quy định tại Điều 63 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khởi kiện vụ án về hôn nhân gia đình theo quy định tại Điều 187 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; tham gia phiên họp đối với vụ án về hôn nhân và gia đình theo quy định tại Điều 209 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; bào chữa viên nhân dân theo quy định tại Điều 72 của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015;

Trong quá trình giải quyết vụ việc liên quan đến quyền lợi hợp pháp của phụ nữ, trẻ em, phối hợp cung cấp thông tin để Trung ương LHPN Việt Nam kịp thời lên tiếng bảo vệ quyền lợi hợp pháp, chính đáng của hội viên, phụ nữ. Đặc biệt, nếu có văn bản kiến nghị của Hội cần kịp thời phản hồi để Hội nắm được thông tin, bảo vệ quyền lợi cho phụ nữ, trẻ em gái.

Mời Hội LHPN các cấp tham gia các hoạt động góp ý xây dựng luật, kiến nghị việc thực hiện chính sách, pháp luật liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của phụ nữ, trẻ em gái khi Tòa án nhân dân tối cao là cơ quan chủ trì.

ky-ket-6.jpg
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sáng tạo của Hội LHPN Việt Nam khi tổ chức, ký kết chương trình phối hợp.
Phát biểu tại Lễ ký kết, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình đánh giá cao sáng kiến phối hợp của Hội LHPN Việt Nam trong công tác bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Chánh án TAND Tối cao nhấn mạnh, phụ nữ, trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương. Họ cũng là đối tượng mà nhiều loại tội phạm hướng tới như bạo lực, xâm hại tình dục, dâm ô, hiếp dâm. Thực trạng xâm hại tình dục đối với phụ nữ, trẻ em diễn ra phức tạp, nhức nhối, đặc biệt là ở vùng sâu vùng xa, vùng kém hiểu biết về pháp luật, dân trí hạn chế.
Nói chung những vụ án về xâm hại, đặc biệt là xâm hại trẻ em, luôn gây nên những bức xúc mạnh mẽ trong cộng đồng, xã hội. Mỗi vụ án hiếp dâm trẻ em hay buôn bán phụ nữ trẻ em đều tạo nên làn sóng căm phẫn khắp cả nước.
“Nếu việc điều tra, truy tố, xét xử những loại tội phạm này tiến hành không nghiêm hoặc chậm trễ sẽ khiến người dân bức xúc. Như vậy, xã hội đặt ra một yêu cầu bảo vệ phụ nữ, trẻ em với đòi hỏi rất cao. Đây là trách nhiệm lớn của các cơ quan có trách nhiệm, đặc biệt là của Hội LHPN, Bộ Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát…”, Chánh án TAND Tối cao nói.
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu:
 
Bên cạnh những kết quả đã đạt được trong công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án liên quan đến phụ nữ, trẻ em, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình cũng cho rằng, vẫn có nhiều vụ việc các cơ quan tố tụng chưa đáp ứng được nhu cầu, ví dụ như vụ dâm ô ở Vũng Tàu, vụ hiếp dâm, sát hại nữ sinh ở Điện Biên vừa xảy ra trong dịp Tết…
“Xã hội đòi hỏi chúng ta phải khẩn trương hơn, quyết liệt hơn. Trước đòi hỏi như vậy, hôm nay với sáng kiến của Hội LHPN Việt Nam, chúng ta ký kết chương trình phối hợp trong bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Vì thế, chúng ta phải thể hiện được trách nhiệm, vai trò của mình trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em. Chúng tôi đánh giá cao sáng kiến này của Hội LHPN Việt Nam. Việc ký kết chương trình này chúng ta đã đưa ra một cam kết chính trị trước nhân dân, đề cao trách nhiệm, phối hợp với nhau chặt chẽ hơn trong việc bảo vệ phụ nữ, trẻ em”, Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm