Đó là những số liệu giật mình được công bố sáng nay, 28/6, tại Hội thảo “Vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em” do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức nhân Ngày Gia đình Việt Nam 28/6.
Trước thực trạng trẻ em bị xâm hại có xu hướng gia tăng, gây bức xúc trong dư luận và ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự phát triển tâm sinh lý của trẻ em, cũng như những hệ lụy của của vấn đề này với gia đình, xã hội, buổi Hội thảo đã tập trung thảo luận nhiều vấn đề quan trọng có liên quan đến việc phát huy hiệu quả vai trò, trách nhiệm của gia đình trong phòng, chống xâm hại trẻ em, để góp phần hạn chế, giảm thiểu tình trạng này, nâng cao hiệu quả xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông khẳng định: “Việc phòng, chống xâm hại trẻ em, đặc biệt là xâm hại tình dục là vấn đề cấp thiết, cần sự tham gia vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, các cấp, các nhành và toàn xã hội. Trong đó, gia đình có vị trí đặc biệt quan trọng. Vì gia đình là môi trường sống đầu tiên, là nơi hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người. Do đó, mỗi thành viên gia đình, nhất là cha mẹ trước hết phải hiểu rõ về vai trò, trách nhiệm của bản thân; trang bị cho bản thân và giáo dục, hướng dẫn cho con, cháu những kiến thức, kỹ năng trong việc nhận diện, phòng, chống các xâm hại trẻ em, đảm bảo sự phát triển toàn diện của trẻ”.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ LĐTB&XH), cho biết, số lượng các vụ xâm hại trẻ em nghiêm trọng được phát hiện, xử lý có giảm nhưng không nhiều, tính chất của các vụ xâm hại tình dục trẻ em có chiều hướng diễn biến phức tạp, nghiêm trọng. Trẻ em bị xâm hại tình dục xảy ra ở nhiều độ tuổi, do nhiều đối tượng gây ra, trong đó phần lớn là người quen, họ hàng, hàng xóm. Nhiều vụ việc gia đình không cung cấp thông tin, thủ phạm có sự đe dọa hoặc dùng tiền mua chuộc, hòa giải với gia đình nạn nhân.
Bạo lực, xâm hại tình dục gây tổn thương nặng nề đến cả thể chất và tinh thần trẻ em, thậm chí làm trẻ em bị tử vong hoặc khiến trẻ em phải tự tử. Bạo lực học đường diễn ra ngày càng nhiều, học sinh đánh nhau trong và ngoài trường học, thầy cô giáo có hành vi bạo lực đối với học sinh, bạo lực trong cơ sở giáo dục mầm non gây bức xúc trong dư luận.
Ông Đặng Hoài Nam cũng nêu ra nguyên nhân của tình trạng trẻ em bị xâm hại hiện nay như: công tác truyền thông, giáo dục, vận động xã hội về bảo vệ, chăm sóc trẻ em còn chưa hiệu quả. Nhận thức của gia đình, xã hội về vấn đề bảo vệ trẻ em chưa đúng, chưa đầy đủ. Các em chưa được trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết để phòng tránh khi bị xâm hại tình dục.