'Xẩm Việt ngày càng được yêu mến không khác gì nhạc đồng quê ở Mỹ'

Bảo Anh
05/12/2019 - 22:23
'Xẩm Việt ngày càng được yêu mến không khác gì nhạc đồng quê ở Mỹ'
“Ở Mỹ, cứ 2 năm họ tổ chức lễ hội âm nhạc đồng quê (country festival) rầm rộ và vô cùng được yêu mến. Xẩm cũng giống nhạc đồng quê, đối tượng nghe phong phú, đề cập nhiều vấn đề của xã hội nên tôi luôn có hy vọng thể loại này có thể sống bền bỉ và càng ngày càng được yêu mến không khác gì nhạc đồng quê trên đất Mỹ”, nhạc sĩ Thao Giang chia sẻ.

Liên hoan các CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc 2019 vừa diễn ra tại Ninh Bình từ ngày 3 đến 5/12. Ngay sau khi bế mạc, nhạc sĩ Thao Giang – Trưởng Ban giám khảo Liên hoan, đã chia sẻ với PNVN về những hy vọng mới của di sản Xẩm.

+ Với vai trò Trưởng Ban giám khảo, điều đọng lại với ông sau Liên hoan các CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc 2019 là gì?

Lớn nhất và bao trùm nhất là niềm vui. Qua Liên hoan, chúng tôi đã phát hiện ra nhiều bạn trẻ, dù nhỏ tuổi nhưng lại hát ra chất của Xẩm, một vài bạn chơi nhạc cụ, kéo nhị cũng rất hay. Có những nhân tố mang tính phong trào như thế này là điều rất đáng mừng.

Dù qua 2 đêm diễn, số làn điệu được các CLB trình bày còn ít, một số khác biểu diễn còn pha màu loại hình nghệ thuật khác nhưng phần nào cho thấy diện mạo của xẩm trong đời sống đương đại được yêu mến, trân trọng như thế nào. Đây là cơ hội để chúng ta khảo sát thực tế, tìm cơ hội điều chỉnh phương pháp tiếp cận và có tính toán trong việc đào tạo, rèn rũa thêm cho các lớp nghệ sĩ kế cận của Xẩm với nhiều hy vọng. Chắc chắn, chúng ta sẽ còn có những liên hoan thành công với chất lượng khiến giới chuyên môn và công chúng đều hài lòng trong tương lai.

“Xẩm Việt ngày càng được yêu mến không khác gì nhạc đồng quê ở Mỹ” - Ảnh 1.

Liên hoan các CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc 2019

+ Nhưng e ngại cơm áo gạo tiền sẽ ít nhiều cản trở công việc đào tạo và theo đuổi đam mê với xẩm, học rồi sẽ như thế nào?

Thực ra, đối với nghệ thuật dân gian nói chung thì biểu diễn chuyên nghiệp tương đối khó khăn, không chỉ riêng hát Xẩm đâu. Nhưng cứ để ý sẽ thấy, các sinh viên ra trường của những khóa đào tạo đầu tiên mà chúng tôi đã có, họ trở về nhà văn hóa, trung tâm văn hóa của các tỉnh lại hoạt động rất tốt, phát huy được tài năng. Hơn nữa, việc đào tạo nghệ sĩ và các cử nhân lý luận về âm nhạc dân tộc là yêu cầu bắt buộc đối với thiết chế văn hóa của một đất nước. Dù hoàn cảnh có khó khăn thì chúng ta vẫn phải có nguồn lực kế cận để bảo tồn và là cơ sở phát huy di sản văn hóa, tạo nên môi trường diễn xướng để vốn cổ quý giá cha ông có thể tồn tại. 

+ Trong quá trình nghiên cứu, ông có thấy rằng, chúng ta chưa có một hệ thống tư liệu khoa học đầy đủ về hát xẩm là một nỗi buồn quá lớn?

Đây là điều tôi thấy vô cùng đáng tiếc. Hiện tại, đối với tư liệu về xẩm chỉ còn ít ỏi vài dòng bút tích của Phạm Đình Hổ thời Lê. Thời Lê Thánh Tông đã có luật nhạc, âm luật, đã chế ra Đồng văn và nhã nhạc, nhưng hiện tại không còn nữa. Cho đến thời Trịnh Nguyễn phân tranh, rồi chiến tranh và nhiều lý do khách quan khác, chúng ta không còn lưu giữ được tư liệu nào. Hơn nữa, âm nhạc dân gian thời kỳ phong kiến được coi là tục nhạc, nghệ sĩ lang thang kiếm sống và bị nhìn với con mắt kỳ thị, vùi dập. Tư tưởng triều đại đã khiến cho tư liệu về âm nhạc dân gian gần như không còn gì. Nhưng cũng rất may, thời đại của chúng ta, Đảng và nhà nước rất coi trọng di sản. Nếu không, chúng ta sẽ không còn gì để có thể ngồi nói với nhau như thế này. 

Trong 13 di sản được UNESCO vinh danh, có 9 di sản thuộc về âm nhạc và tôi hy vọng, Xẩm sẽ là di sản âm nhạc thứ 10. Thông qua Liên hoan kỳ này, chúng ta có cơ sở để thêm những luận cứ khoa học nhằm đưa Xẩm trở thành di sản quốc gia. Sẽ có lớp nghệ sĩ, nhà khoa học trẻ cùng chúng tôi cố gắng để thành lập, kiện toàn hồ sơ Xẩm trình với UNESCO tới đây. Có thể ví von, xẩm không khác gì nhạc đồng quê của Mỹ. Ở Mỹ, cứ 2 năm họ tổ chức lễ hội âm nhạc đồng quê (country festival) rầm rộ và vô cùng được yêu mến. Còn với xẩm, đối tượng nghe phong phú, đề cập nhiều vấn đề của xã hội nên tôi luôn có hy vọng thể loại này có thể sống bền bỉ và càng ngày càng được yêu mến không khác gì nhạc đồng quê trên đất Mỹ. 

“Xẩm Việt ngày càng được yêu mến không khác gì nhạc đồng quê ở Mỹ” - Ảnh 2.

Nhạc sĩ Thao Giang

+ Nhưng nguồn gốc của Xẩm từ thời Trần là Trần Quốc Đĩnh bị chọc mù mắt và sau này, Xẩm cũng ít nhiều gắn bó với người mù ăn xin nên một số người đánh giá thiếu thiện cảm về loại hình này. Theo ông, phải làm gì để di sản vượt qua mặc cảm?

Thực tế là như vậy và cũng không thể trách người nghe có cảm giác như vậy. Việc chúng ta cần phải làm ngay đưa ra diện mạo đầy đủ của Xẩm như nó vốn có. Nếu không mãi mãi người ta nghĩ nghệ thuật này là của người mù. Thực tế là cả trong lịch sử và hiện tại, có cả dòng "xẩm sáng" đấy chứ. Trong giai đoạn bần cùng thực dân Pháp, nghệ nhân của chúng ta thất nghiệp, lưu bạt đi làm đủ nghề kiếm sống, không đi hát nữa mà chỉ có những người mù ít có cơ hội công việc đi hát nên Xẩm mới kéo theo lối suy nghĩ như vậy về loại hình nghệ thuật độc đáo này. Trong khi đó trước kia, các bến sông vào kinh thành Thăng Long, xuôi dọc sông Hồng, thuyền bè tấp nập, người xưa hát Xẩm rất vui. Trong các ca quán, làng xã đều có hát Xẩm. 

Để tạo môi trường diễn xướng, nhất là Ninh Bình, có thể xây dựng trên các đò dọc Tràng An, Tam Cốc, kết hợp di sản vật thể và phi vật thể, chắc chắn sẽ rất được đón nhận. Có như vậy, dần dần sẽ thay đổi được cách nhìn về Xẩm. 

Đối với các thể loại âm nhạc dân gian khác như chèo, tuồng đều có nhà hát, trong khi đó, Xẩm không có hệ thống nghiên cứu bài bản, bị hiểu sai và lại thiếu nhà hát. Theo ông, Xẩm có cần đến một nhà hát?

Tôi nghĩ không nhất thiết phải có nhà hát nhưng cần có tụ điểm để Xẩm có thể được diễn xướng. Vừa rồi, ca sĩ Tân Nhàn có hát một bài Xẩm trong liveshow của mình cùng với NSƯT Văn Ty và được yêu mến. Trên phim ảnh, Xẩm cũng được lồng ghép và được đón nhận. Với di sản, chỉ cần có môi trường để nó có thể phát huy và tỏa sáng vẻ đẹp của mình trong lòng công chúng thì sẽ có sức sống bền lâu.

+ Xin cảm ơn ông!

BTC trao hoa, quà lưu niệm cho các đơn vị tham gia Liên hoan các CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc 2019

Liên hoan các CLB hát Xẩm khu vực phía Bắc 2019 do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình, Trung tâm Nghiên cứu, Bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc tổ chức. Liên hoan đã vinh danh 45 nghệ sĩ, nghệ sĩ xuất sắc, trong đó 5 giải Nhất được trao cho các nghệ nhân, nghệ sĩ: Đào Bạch Linh (Hải Phòng), Nguyễn Văn Tiến (Quảng Ninh), Bùi Công Sơn (Ninh Bình), Hoàng Hữu Hùng (Hà Nội), Lê Thanh Phong (Hà Nội).


Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm