pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng lưới an sinh xã hội đa tầng, bền vững - Bài cuối: Để bảo hiểm xã hội trở thành trụ cột chính trong hệ thống an sinh xã hội
Chị Nguyễn Thị Hoa rất mong tài xế xe công nghệ được đóng BHXH bắt buộc. Ảnh: Tiến Dũng
Thêm động lực cho cán bộ thôn
Giữ cương vị Bí thư Chi bộ xóm 1 (tương đương thôn), xã Hạnh Lâm, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An, mỗi tháng, chị Lê Thị Đào nhận được phụ cấp 3,7 triệu đồng. Đây cũng là mức phụ cấp mà vị trí Trưởng thôn cũng như Trưởng Ban công tác Mặt trận được hưởng. So với phụ cấp Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ chỉ là 590 ngàn đồng/tháng thì mức đãi ngộ này cao hơn nhiều. Vậy mà không ít lần chị Đào có ý định xin nghỉ việc vì áp lực công việc.
"Xóm tôi có hơn 100 hộ dân và cũng không phải là địa bàn phức tạp về an ninh trật tự. Tuy nhiên, làm cán bộ xóm cũng đối diện với không ít khó khăn, phức tạp trong đời sống xã hội. Lời ra lời vào nên nhiều lúc rất mệt mỏi. Trưởng xóm tôi từng mấy lần xin nghỉ việc khiến Chủ tịch UBND xã phải đến nhà động viên tiếp tục tham gia công tác", chị Đào chia sẻ.
Nói về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) có bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc, trong đó có người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, chị Đào hồ hởi: "Nếu điều đó trở thành hiện thực thì sẽ là động lực rất lớn cho tôi gắn bó với công việc. Thật ra từ trước đến nay, đảm nhận công việc ở xóm vẫn có cảm giác như làm thời vụ vì hết nhiệm kỳ lại "hoàn dân". Nếu được tham gia BHXH bắt buộc, tôi phấn đấu để làm việc lâu dài, sau này còn có lương hưu".
Cũng đang giữ chức Bí thư chi bộ khu dân cư Phú Động (thị trấn Cẩm Khê, Phú Thọ), bà Nguyễn Thị Kim bày tỏ vui buồn lẫn lộn khi biết thông tin người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố được tham gia BHXH bắt buộc.
"Tôi công tác ở thôn từ năm 2006 đến nay, trải qua nhiều vị trí và hiện tại là Bí thư chi bộ. Lương cán bộ thôn rất thấp trong khi công việc được gọi là "vác tù và hàng tổng" nên không mấy người duy trì được thời gian làm việc dài như tôi. Gần 20 năm công tác, ngoài số tiền phụ cấp ít ỏi, cán bộ thôn không có thêm chế độ nào. Nếu thời gian ấy, tôi được tham gia BHXH thì tốt biết mấy.
Bây giờ đã ngoài 60 tuổi, nếu được đóng BHXH cũng là niềm vui nhưng thời gian tôi làm cũng chỉ được vài năm nữa là phải nghỉ vì sức khỏe không còn. Điều tôi chờ đợi hơn là nhà nước sẽ hạ tuổi được hưởng trợ cấp xã hội từ 80 xuống còn 70 hoặc 75 tuổi".
Nói về dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) bổ sung đối tượng hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố, ông Tạ Xuân Khiết, Chủ tịch UBND xã Tây Sơn (huyện Kiến Xương, Thái Bình), cho rằng, đây là chính sách phù hợp nhằm mở rộng mạng lưới bao phủ BHXH. Với chính quyền cấp cơ sở, việc cán bộ thôn, tổ dân phố được đóng BHXH bắt buộc là nguồn động viên lớn để họ có thêm động lực cũng như gắn bó hơn với công việc của mình.
"Tôi đã nhiều năm công tác ở thôn, trước khi chuyển lên công tác ở xã. Suốt những năm làm việc ở thôn, ngoài tiền phụ cấp, tôi không có thêm chế độ nào và cũng không đóng BHXH. Nếu thời gian làm ở thôn gần 10 năm được tham gia BHXH bắt buộc như dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề ra, khi tôi về hưu, lương cũng cao hơn đáng kể", ông Khiết nói.
"Shipper", xe ôm công nghệ mong được đóng BHXH
Có thâm niên chạy xe công nghệ 6 năm trên địa bàn Hà Nội, mỗi ngày, anh Nguyễn Văn Hồ chạy xe khoảng 10 tiếng, thu nhập từ 400 nghìn đến 500 nghìn đồng. Khi được hỏi về việc đóng BHXH, anh Hồ cười trừ: "Gắn bó nhiều năm với nghề nhưng tôi chưa từng đóng và được đóng BHXH. Nếu được đóng, tôi sẽ rất có lợi vì nghề này có không ít rủi ro".
Đang chạy xe ôm công nghệ, chị Nguyễn Thị Hoa, quê ở Nghệ An, cho biết, tổng thu nhập của công việc này sau khi trừ chi phí xăng xe, ăn uống, chị được khoảng 9-10 triệu đồng/tháng.
"Tôi đã tự mua bảo hiểm y tế để được hưởng chế độ nếu không may bị ốm đau, bệnh tật nhưng chưa tham gia BHXH. Tôi chỉ mong được hỗ trợ đóng BHXH để mỗi khi đi làm yên tâm hơn, được đảm bảo quyền lợi tốt hơn", chị Hoa nói.
Tuy nhiên, theo cách hiểu của chị Hoa, tài xế công nghệ chỉ có hợp đồng đối tác với công ty cung cấp dịch vụ công nghệ, không phải hợp đồng lao động và nằm ngoài khuôn khổ điều chỉnh của Bộ luật Lao động 2019. Hiện cũng chưa có chuẩn mực nghề nghiệp và khung pháp lý rõ ràng, quy định chế độ phúc lợi xã hội cho lực lượng này.
"Đối tác chỉ là cách nói giảm, nói tránh, thực ra chúng tôi là lao động tự do, cảm thấy được thì làm, không thì nghỉ, chứ có bồi thường hợp đồng gì đâu. Chạy xe ôm công nghệ rất vất vả, nguy hiểm nhưng bù lại thu nhập cũng không phải là thấp. Tôi chỉ mong được hỗ trợ đóng BHXH để mỗi khi đi làm yên tâm hơn, được đảm bảo quyền lợi tốt hơn", chị Hoa nói.
Nếu so sánh với số giờ làm việc theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, thời gian làm việc trung bình một ngày của tài xế công nghệ gần chạm ngưỡng tối đa (12h/ngày). Lái xe công nghệ cũng gần như không có các ngày lễ, Tết, ngày nghỉ…
Họ đều bị kiểm soát về thu nhập, lịch trình làm việc. Ngoài ra, họ còn phải làm việc trong điều kiện vất vả, chịu nhiều rủi ro. Về phúc lợi, người lao động không có hỗ trợ tiền ăn, chế độ nghỉ phép, khám sức khỏe định kỳ, thưởng lễ...
Luật sư Nguyễn Trọng Hoàng (Công ty Luật Đồng Tâm Thăng Long) phân tích: "Gọi là đối tác, nghĩa là phải có sự bình đẳng, hai bên đều có quyền, nghĩa vụ nhưng thực tế, công ty cung cấp nền tảng công nghệ là bên quyết định mọi thứ, từ giá cước của một chuyến đi, phần trăm chia cho lái xe và trích lại cho nền tảng. Như vậy, từ đối tác ở đây đã bị méo mó, tài xế hoàn toàn yếu thế".
Ông Hoàng cho biết thêm, theo quy định của Bộ luật Lao động năm 2019, nhóm đối tượng này về bản chất là tồn tại quan hệ lao động. Cụ thể, Điều 13 Bộ luật Lao động 2019 quy định: "Hợp đồng lao động là sự thỏa thuận giữa người lao động và người sử dụng lao động về việc làm có trả công, tiền lương, điều kiện lao động, quyền và nghĩa vụ của mỗi bên trong quan hệ lao động. Trường hợp hai bên thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên thì được coi là hợp đồng lao động".
Như vậy, tài xế xe công nghệ có thỏa thuận làm việc cho doanh nghiệp vận tải xe công nghệ và có trả lương, thưởng, có sự điều hành, giám sát… như thế là quan hệ lao động".
Từ phân tích trên, luật sư Hoàng đề xuất, Nhà nước có thể mở rộng đối tượng đóng bảo hiểm, đưa lái xe công nghệ vào nhóm đối tượng tham gia BHXH bắt buộc là giải pháp bảo đảm về an sinh, đảm bảo về quyền lợi cho đối tượng shipper, xe ôm công nghệ.
Nêu ý kiến thảo luận về dự án Luật BHXH sửa đổi vào tháng 11/2023, đại biểu Trần Thị Diệu Thúy (TPHCM) nói rằng, rất cần áp dụng BHXH bắt buộc đối với một số nhóm lao động công nghệ.
"Nhóm lao động như tài xế xe công nghệ, shipper hoặc các đối tượng bán hàng online có thu nhập tương đối ổn định. Các đối tượng này rất đông, phải vài trăm nghìn lao động trẻ. Thu nhập của họ thậm chí còn cao hơn cả nhóm lao động phổ thông làm việc trong doanh nghiệp. Tuy nhiên, đến nay Chính phủ vẫn chưa có giải pháp kịp thời để đưa đối tượng này tham gia BHXH bắt buộc", bà Thúy nói.
Theo Báo cáo ngày 19/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) so với luật BHXH hiện hành đã mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đến một số nhóm như chủ hộ kinh doanh, người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố; người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc không trọn thời gian.
Dự thảo Luật BHXH cũng bổ sung quy định: Việc tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với các đối tượng khác có việc làm, thu nhập ổn định, thường xuyên do Chính phủ đề xuất phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ và báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Nghị quyết 28-NQ/TW của Trung ương khẳng định: BHXH là một trụ cột chính của hệ thống an sinh xã hội trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, góp phần quan trọng thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, bảo đảm ổn định chính trị - xã hội, đời sống nhân dân, phát triển bền vững đất nước.
Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) cho thấy quan điểm trên đang từng bước được thể chế hóa bằng những quy định pháp luật cụ thể nhằm hướng tới mục tiêu bao phủ an sinh xã hội toàn dân và gia tăng độ bao phủ theo cả chiều rộng và chiều sâu cho người lao động ở Việt Nam.