pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng lưới an sinh xã hội đa tầng, bền vững - Bài 1: Những nông dân già và mong ước lương hưu "tuổi xế chiều"
Giống như nhiều người già ở thôn Phú Động (thị trấn Cẩm Khê, Phú Thọ), bà Nguyễn Thị Huệ (66 tuổi) vẫn hằng ngày bám trụ nơi bãi nổi giữa sông Hồng mưu sinh. Ảnh: Tiến Dũng
Tuổi già vất vả mưu sinh
Đã cận kề tuổi 70 nhưng hàng ngày, vợ chồng bà Bùi Thị Kha và ông Thân Công Lập vẫn phải "dầm mình" trên bãi nổi Phú Động, thị trấn Cẩm Khê (huyện Cẩm Khê, tỉnh Phú Thọ) để mưu sinh. Nhà ở thị trấn, đất sản xuất ở giữa bãi nổi sông Hồng nên vợ chồng bà Kha phải dựng ngôi nhà tạm trên bãi để tiện cho việc sản xuất, chăn nuôi. Ngôi nhà gỗ tuềnh toàng, tứ phía được che bằng phên tre của vợ chồng bà Kha đã có tuổi đời hơn 40 năm.
Theo bà Kha, năm Mậu Thân 1968, sau trận lũ lớn, hơn 100 hộ dân ở bãi nổi Phú Động đã được chuyển về định cư tại thị trấn Cẩm Khê. Dù nhà đã chuyển về thị trấn hơn nửa thế kỷ nhưng đất sản xuất vẫn ở bãi nổi nên gia đình bà Kha và hàng chục hộ dân khác buộc phải dựng nhà tạm trên bãi nổi để ở.
Thời gian ở nhà tạm là chủ yếu. Dăm bữa nửa tháng họ mới về nhà một lần, chủ yếu để mua nhu yếu phẩm. "Sống ở bãi nổi cũng cực lắm. Điện không, nước sạch không, chỉ có nắng gió là bốn mùa đủ cả. Trước đây, chúng tôi dùng nước sông Hồng "đánh phèn". Khoảng 10 năm nay, các hộ dân khoan giếng nhưng nhiều giếng nước rất bẩn, mùa hè là khô cạn. May mắn là giếng nhà tôi nhiều nước hơn nhưng cũng phải dùng rất tiết kiệm", bà Kha nói.
Còn theo ông Lập, do sản xuất vất vả nên hiện tại, thôn còn gần 30 nhà ở lại trên bãi và chủ yếu là người già, trong đó có vợ chồng ông. Gia đình ông Lập trồng 2 mẫu chuối, ngô, lạc và nuôi thêm mấy con bò. Làm lụng vất vả cũng chỉ đủ ăn. Mới ngấp nghé tuổi 70 nhưng cả bà Kha và ông Lập đều trông tiều tụy.
"Cuộc sống trên bãi nổi vất vả, mấy năm nay vợ chồng tôi ốm đau bệnh tật, nhiều lúc cũng muốn về nhà nghỉ ngơi nhưng rời bãi nổi thì lấy gì mà sống nên vẫn cố gắng bám trụ", ông Lập chia sẻ.
Cách nhà ông Lập mấy vườn chuối là nhà vợ chồng ông Chu Hồng Quảng, bà Tào Thị Thơm. Vợ chồng ông Quảng cũng đã có hơn 30 năm sản xuất trên bãi nổi. Giống như gia đình hàng xóm, vợ chồng ông Quảng canh tác trên 2 mẫu đất và nuôi mấy con bò. Bà Thơm vẫn thường đi về giữa bãi nổi và nhà bên thị trấn Cẩm Khê để mua nhu yếu phẩm, còn ông Quảng mấy tháng mới về nhà một lần.
Lương hưu cho người cao tuổi
Mặc dù quanh năm "bán mặt cho đất" nhưng khá bất ngờ khi bà Kha, ông Lập hay ông Quảng đều nắm khá rõ về dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đang được trình Quốc hội bàn thảo. Họ cập nhật thông tin trong các lần dự thảo Luật được tiếp thu sau các lần góp ý.
Nội dung mới nhất trong dự thảo Luật này liên quan đến chế độ trợ cấp hưu trí xã hội, đó là: Những người từ đủ 75 tuổi trở lên không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ thì sẽ được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
Với người thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn thì từ đủ 70 tuổi đã có thể hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. "Tôi rất vui khi dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã hạ 5 tuổi hưởng trợ cấp hằng tháng so với quy định hiện hành. Nếu quy định 80 tuổi, vợ chồng tôi không có cơ hội được hưởng", ông Lập nói.
Bà Nguyễn Thị Kim, Bí thư chi bộ, Trưởng khu dân cư Phú Động (thị trấn Cẩm Khê), cho biết: "Thôn Phú Động có 98 cụ cao tuổi nhưng hiện chỉ có 10 người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội. Đây là con số rất ít. Các cụ từ 75 tuổi, thậm chí là 70 tuổi đã không còn sức lao động. Do đó, hỗ trợ những đối tượng này là rất cần thiết. Tôi cũng mong theo lộ trình, tuổi được hưởng sẽ ngày một thấp hơn".
Chủ tịch Hội người cao tuổi thị trấn Cẩm Khê, ông Nguyễn Minh Đức, cho biết: Số người cao tuổi trên toàn thị trấn hiện có 2.650 người nhưng mới có 370 người hưởng được hưởng trợ cấp xã hội theo quy định của Chính phủ. Nếu hạ xuống 75 tuổi, ông Minh cho biết, số người được hưởng sẽ tăng gấp đôi con số hiện tại.
"Dù số tiền được hưởng không cao nhưng với người già, số tiền đó là rất quý. Chúng tôi rất mong chờ dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) năm 2024 sẽ được thông qua và sớm đi vào cuộc sống".
Việc quy định trợ cấp hưu trí xã hội trong dự thảo Luật nhằm: (1) Thể chế hóa quan điểm về hệ thống BHXH đa tầng theo định hướng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW; (2) Thể hiện rõ hơn sự kết nối giữa tầng trợ cấp hưu trí xã hội, BHXH cơ bản, bảo hiểm hưu trí bổ sung, hướng tới bảo đảm an sinh xã hội cho người lao động trong các giai đoạn của cuộc đời khi còn trẻ đến khi về già, hết tuổi lao động”.
Trích báo cáo tiếp thu, giải trình và chỉnh lý dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) ngày 19/5/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội
Theo Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, mức trợ cấp xã hội cho người cao tuổi hiện nay còn thấp so với mặt bằng mức sống, nhiều người không chờ được đến 80 tuổi để hưởng trợ cấp xã hội. Bà Nguyễn Thị Huế, đại biểu Quốc hội Đoàn Bắc Kạn, nói rằng, chính sách trợ cấp hưu trí xã hội là một chính sách hết sức nhân văn, được nhiều cử tri và nhân dân mong đợi.
Theo tính toán của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, với việc giảm độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội từ 80 tuổi xuống 75 tuổi sẽ giúp mở rộng đối tượng thụ hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thêm khoảng 800.000 người cao tuổi được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội và bảo hiểm y tế. Để thực hiện chính sách này, kinh phí phát sinh thêm mỗi năm ước tính khoảng 3.456 tỷ đồng từ nguồn ngân sách nhà nước.
Hiện tuổi thọ trung bình của người Việt Nam năm 2023 là 73,7 tuổi, trong đó, tuổi thọ trung bình của nam giới là 71,1 tuổi, của nữ giới là 76,5 tuổi. So với các nước trong khu vực Đông Nam Á, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam hiện nay thấp hơn 3 quốc gia là Singapore (83 tuổi), Brunei (78 tuổi) và Thái Lan (76 tuổi).
Nếu các điều kiện sống tiếp tục được cải thiện sẽ là cơ sở để góp phần nâng tuổi thọ của người Việt Nam, kéo theo tuổi trọ trung bình được nâng lên.
Nhìn từ góc độ giới, tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách lần thứ 5 thảo luận về một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Luật giới hạn số người được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội thông qua điều kiện về độ tuổi (người đủ 75 tuổi trở lên) tuy thể hiện bình đẳng giới nhưng chưa thể hiện sự nhạy cảm giới.
Hiện nay, tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ vẫn còn chênh lệch với việc nữ nghỉ hưu sớm hơn nam. Nên chăng, mốc tuổi bắt đầu hưởng trợ cấp cũng cần điều chỉnh theo giới?
Điều 20. Đối tượng và điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội
1. Công dân Việt Nam được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đủ 75 tuổi trở lên;
b) Không hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng theo quy định của Chính phủ;
c) Có đề nghị hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
2. Công dân Việt Nam từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo đang cư trú tại các xã, thôn đặc biệt khó khăn đồng thời bảo đảm quy định tại điểm b và điểm c khoản 1 Điều này thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
3. Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định điều chỉnh giảm dần độ tuổi hưởng trợ cấp hưu trí xã hội tại điểm a khoản 1 Điều này phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và khả năng của ngân sách nhà nước từng thời kỳ theo đề nghị của Chính phủ.
(Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được tiếp thu, chỉnh lý trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV)