Xây dựng nông thôn mới từ sản phẩm OCOP

Duy Anh
19/11/2022 - 22:40
Xây dựng nông thôn mới từ sản phẩm OCOP

Chị Đỗ thị Thúy Hà và sản phẩm dưa đạt OCOP của mình

Với trọng tâm là phát triển sản phẩm nông nghiệp có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể đóng vai trò chủ thể, chương trình OCOP được xem là nền tảng vững chắc xây dựng nông thôn mới ở xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng.

Trong đó, mô hình dưa công nghệ cao do chị Đỗ Thị Thúy Hà (sinh năm 1976) làm chủ đã phần nào phản ánh mô hình nông nghiệp xanh ở địa phương này.

Xây dựng nông thôn mới từ sản phẩm OCOP - Ảnh 1.

Hợp tác xã của chị Đỗ thị Thúy Hà sáng lập luôn đảm bảo đạt chuẩn từ việc chọn hạt giống

Hợp tác xã (HTX) Đầu tư Phát triển Sông Giá do chị Đỗ Thị Thúy Hà sáng lập luôn đảm bảo đạt chuẩn từ việc chọn hạt giống, nguồn nước tưới, giá thể trồng cây, chế độ dinh dưỡng, quản lý sâu bệnh bằng vi sinh, ra hoa, thụ phấn, thu hoạch. Mỗi quả dưa Sông Giá được chuyển đến tay người tiêu dùng là tình yêu và lòng nhiệt thành của mỗi thành viên, người lao động ở HTX, mang nguồn dinh dưỡng và chất lượng sản phẩm tiêu dùng xanh đến với mỗi gia đình.

Xây dựng nông thôn mới từ sản phẩm OCOP - Ảnh 2.

Loại sản phẩm này được thu hoạch nhiều vụ trong năm nên đòi hỏi cao về kỹ thuật trồng dưa lưới để đạt năng suất cao

Dưa Sông Giá tự hào là sản phẩm được chọn là mục tiêu Quốc gia - mỗi xã một sản phẩm OCOP của Hải Phòng. Mọi sản phẩm dưa của Sông Giá đều đảm bảo tính an toàn dựa trên tiêu chuẩn VietGAP.

Dưa bạch ngọc đường trắng nõn, giòn, mát và ngọt, dưa kim hoàng hậu là một loại trái cây giúp giải khát, cung cấp nước, đường và giàu vitamin, dưa lưới là sản phẩm rau ăn quả đang rất được ưa chuộng hiện nay. Loại sản phẩm này được thu hoạch nhiều vụ trong năm nên đòi hỏi cao về kỹ thuật để đạt năng suất cao. Vậy nên việc đào tạo kỹ thuật trồng dưa lưới cũng rất quan trọng.

Xây dựng nông thôn mới từ sản phẩm OCOP - Ảnh 3.

Hiện tại mô hình nhà kính được HTX trồng dưa kim hoàng hậu cũng là sản phẩm đầu tiên của HTX tham gia OCOP và đạt 4 sao

Chị Thúy Hà - Giám đốc HTX cho biết, trước đây, bà con canh tác dưa theo hộ cá thể nhỏ lẻ, năng suất chưa cao và thường xử lý đồng ruộng bằng thuốc hóa học như thuốc trừ cỏ, thuốc trừ sâu, sử dụng phân bón hóa học không theo quy trình. Đến khi thu hoạch nông sản bán giá thấp.

Vì vậy HTX Sông Giá đưa ra hướng đi mới "Nông nghiệp công nghệ cao", trồng rau, hoa, quả sạch sử dụng các chế phẩm sinh học để quản lý sâu bệnh, bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương.

Xây dựng nông thôn mới từ sản phẩm OCOP - Ảnh 4.

Mọi sản phẩm dưa của Sông Giá đều đảm bảo tính an toàn dựa trên tiêu chuẩn VietGAP

"Khi chưa tham gia OCOP, HTX cũng đã thực hiện nghiêm ngặt không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học vào sản xuất. Hiện tại mô hình nhà kính được HTX trồng dưa kim hoàng hậu cũng là sản phẩm đầu tiên của HTX tham gia OCOP và đạt 4 sao", chị Đỗ Thị Thúy Hà cho biết.

Theo chia sẻ của Giám đốc HTX Sông Giá, khó khăn nhất hiện nay là lao động có chuyên môn kỹ thuật chưa cao, thị trường đầu ra chưa ổn định, diện tích đất canh tác còn nhỏ hẹp và nguồn vốn còn khiêm tốn. Với doanh thu mỗi năm đạt hơn 1,2 tỉ đồng, HTX hy vọng sẽ đóng góp một phần cho nền kinh tế địa phương, tạo việc làm cho đông đảo người lao động nông thôn. Đặc biệt, qua việc sản xuất nông nghiệp hướng đến kinh tế xanh, sẽ góp phần nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương.

Xây dựng nông thôn mới từ sản phẩm OCOP - Ảnh 5.

HTX Sông Giá đưa ra hướng đi mới "Nông nghiệp công nghệ cao", trồng rau, hoa, quả sạch sử dụng các chế phẩm sinh học để quản lý sâu bệnh, bảo vệ người lao động, bảo vệ môi trường và tạo công ăn việc làm cho người lao động tại địa phương

"Mong các cấp chính quyền, đoàn thể tại địa phương tạo điều kiện giúp đỡ HTX cho thuê đất để chúng tôi mở rộng mô hình nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất những sản phẩm sạch, an toàn đưa ra thị trường và xuất khẩu ra nước ngoài", chị Thúy Hà chia sẻ.

Xây dựng nông thôn mới từ sản phẩm OCOP - Ảnh 6.

Đặc biệt, qua việc sản xuất nông nghiệp hướng đến kinh tế xanh, sẽ góp phần nâng cao tiêu chí xây dựng nông thôn mới ở địa phương


Có thể thấy, HTX xuất phát từ nhu cầu làm kinh tế của bà con bản địa và tính cấp thiết của việc tạo bước đột phá kinh tế địa phương bằng phát triển bền vững. Hướng đi của HTX không chỉ phù hợp với chủ trương, chính sách của Chính phủ, thành phố và huyện về chuyển đổi diện tích đất sản xuất các loại cây trồng có năng suất hiệu quả thấp sang trồng các loại cây có giá trị kinh tế cao, mà còn dựa trên các cơ sở thực tế tại địa phương; nhu cầu chuyển cơ cấu, mở rộng hình thức sản xuất trên đất nông nghiệp nhằm tạo thêm công ăn việc làm cho lao động địa phương. Điều này cũng nằm trong các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của xã Kênh Giang, huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng giai đoạn 2021 - 2025, tầm nhìn 2030.

 

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm