pnvnonline@phunuvietnam.vn
Xây dựng, phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của cả hệ thống chính trị
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, phát biểu tại hội thảo
Phát biểu tham luận tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Chủ trương, đường lối của Đảng và một số định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam "dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học", ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương, nhấn mạnh mối quan hệ khăng khít giữa xây dựng văn hóa với xây dựng con người đã được Đảng ta nhận thức ngày càng sâu sắc hơn. Đảng khẳng định: Phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người, xây dựng con người để thúc đẩy phát triển văn hóa. Con người là chủ thể sáng tạo, truyền bá, thụ hưởng văn hóa, là trung tâm của chiến lược phát triển. Xây dựng con người có nhân cách, lối sống tốt đẹp là trọng tâm, cốt lõi của phát triển văn hóa; mọi hoạt động văn hóa đều phải hướng tới xây dựng, phát triển con người.
Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của văn hóa, con người đối với phát triển nhanh và bền vững đất nước trong điều kiện mới. Việc xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam được trình bày trong mối quan hệ thống nhất, biện chứng, tạo nền tảng, động lực thúc đẩy đất nước phát triển nhanh và bền vững.
Về tồn tại, hạn chế trong lĩnh vực này, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho biết, những năm gần đây, đạo đức trong xã hội có chiều hướng xuống cấp đáng lo ngại. Môi trường văn hóa bị ô nhiễm và có những diễn biến phức tạp. Những tệ nạn, tiêu cực trong hoạt động, quản lý văn hóa chậm được ngăn chặn, đẩy lùi, tác động xấu đến quá trình phát triển văn hóa, xây dựng đạo đức, nhân cách, lối sống của con người Việt Nam.
Về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, phát huy nguồn lực xây dựng nền văn hóa Việt Nam "dân tộc, dân chủ, nhân văn và khoa học", Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, cần tiếp tục quán triệt sâu sắc, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam, nhất là các quan điểm được nêu trong Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng về xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam; kết luận chỉ đạo quan trọng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Cùng với đó, cần tập trung triển khai đồng bộ, quyết liệt hơn nữa các chương trình hành động; Xác định rõ, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp ủy đảng, chính quyền và cả hệ thống chính trị.
Đồng thời, cần đẩy nhanh quá trình thể chế hóa đường lối, quan điểm, chủ trương của Đảng thành luật pháp và các chính sách cụ thể, khả thi về phát triển văn hoá. Ngoài ra, cần phát huy toàn diện và đầy đủ các nguồn lực văn hóa bao gồm nguồn nhân lực con người và nguồn lực tài chính, nguồn vốn ngân sách nhà nước và nguồn vốn từ quá trình xã hội hóa, sự đóng góp của cộng đồng các doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân ở trong và ngoài nước cùng tham gia phát triển văn hóa.
Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số
Phát biểu tại hội thảo về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội Y Thanh Hà Niê K'đăm cho rằng, thực hiện chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của cộng đồng các dân tộc thiểu số (DTTS) chính là biện pháp nhằm khơi nguồn sức mạnh mềm của văn hóa dân tộc, tạo ra sức mạnh nội sinh, là nguồn lực và động lực to lớn cho phát triển kinh tế - xã hội bền vững và hội nhập quốc tế.
Bên cạnh những kết quả tích cực, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc cũng chỉ rõ, trong bối cảnh hiện nay, văn hóa các DTTS ở nước ta cũng đang đứng trước những biến đổi rất sâu sắc, bị mai một lai căng mất dần bản sắc đặt ra những thách thức to lớn trong bảo tồn và phát huy giá trị; cụ thể như: Sự mai một, biến mất của một số thành tố vốn là bản sắc văn hóa tộc người. Xuất hiện quan niệm, lối sống và nhiều yếu tố văn hóa lai căng/không lành mạnh trong các DTTS, đặc biệt là ở giới trẻ. Công tác thực hiện, đánh giá chính sách bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa các DTTS còn nhiều hạn chế…
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc đề xuất: Tiếp tục đổi mới nhận thức trong công tác hoạch định chính sách bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa các DTTS. Đồng thời tiếp tục rà soát văn bản, thể chế hóa các chủ trương của Đảng và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa cộng đồng DTTS.
Cùng với đó, nâng cao chất lượng công tác quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa DTTS, quan tâm bố trí đủ nguồn lực cho các chương trình, dự án, đề án, nghiên cứu khoa học về bảo tồn văn hóa và nâng cao hiệu quả công tác quản lý văn hóa vùng DTTS. Đổi mới tư duy, nâng cao chất lượng chính sách bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa các DTTS gắn kết với các chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS.