Xe đẩy bán bánh từng kiếm 4-5 triệu đồng/ngày bỗng ế ẩm và kinh nghiệm xử lý

Vân Anh - Ảnh: NVCC
03/09/2023 - 16:16
Mở quán vỉa hè bán hàng ăn uống là lựa chọn của cặp đôi trẻ khi rơi vào tình cảnh thất nghiệp.

Mở cửa hàng đầu tiên sau 2 tháng thất nghiệp

Nằm trên con ngõ nhỏ của thành phố Đà Nẵng, xe đẩy bán bánh hotdog phô mai của Trúc Quỳnh (SN 2000) và bạn trai trở thành địa điểm quen thuộc với nhiều bạn trẻ.

Tận dụng thời điểm bánh hotdog phô mai trở thành xu hướng ăn uống, cửa hàng này thu được lợi nhuận tốt. Tuy nhiên, để duy trì hoạt động của quán sau khi trào lưu ăn bánh hotdog đã thoái trào không phải là câu chuyện dễ dàng của những người tập tành khởi nghiệp.

Được biết, tháng 9/2022, bạn trai của Trúc Quỳnh rơi vào cảnh thất nghiệp vì làn sóng cắt giảm nhân sự. Cùng lúc đó, Trúc Quỳnh quyết định nghỉ công việc gia sư tiếng Trung vì mức lương thấp, chế độ đãi ngộ không cao. 

Xe đẩy bán bánh từng hốt 4-5 triệu đồng/ngày bỗng ế ẩm và cách xử lý của bà chủ - Ảnh 1.

Trúc Quỳnh và bạn trai

Bấy giờ, cả hai nảy sinh ý định mở cửa hàng bán bánh hotdog phô mai vỉa hè. Một phần bởi cặp đôi nhìn thấy tiềm năng của mô hình kinh doanh, phần còn lại là muốn tìm hướng đi lâu dài sau này.

“Mình chọn bán bánh hotdog phô mai vì thời điểm bấy giờ, bánh này rất hot ở TPHCM. Ngoài ra, mình vô tình lướt mạng xã hội, thấy có một chị review món bánh này vô cùng hấp dẫn. 

Sau đó, mình tức tốc tìm chỗ dạy và học cách làm bánh hotdog. Mình cũng tìm hiểu thêm, mở tiệm bánh hotdog phô mai cần nguồn vốn khá thấp, dễ làm và không cần mặt bằng to. Mình học cách làm bánh, chuẩn bị đồ dùng mở quán trong vòng 1 tháng. Sau đó, chúng mình gấp rút khai trương luôn”, Trúc Quỳnh chia sẻ.

Đầu tháng 11, Trúc Quỳnh và bạn trai khai trương cửa hàng bán bánh hotdog phô mai vỉa hè. Ngày đầu tiên khai trương, họ bất ngờ vì lượng khách kéo đến quán rất đông. Thực tế trước đó, họ lầm tưởng rằng những ngày đầu mở bán, phần đông chỉ có người nhà mới ghé qua ủng hộ cặp đôi trẻ.

Tháng đầu khai trương, Trúc Quỳnh và bạn trai tốn khoảng 20 triệu đồng cho quán, bao gồm mua nguyên vật liệu và chuẩn bị xe đẩy. Tháng đầu tiên, một phần vì ăn bánh hotdog phô mai đang là xu hướng, một phần vì chất lượng bánh tốt nên quán của Quỳnh khá đắt hàng. Doanh thu mỗi ngày của cửa hàng khoảng 4-5 triệu đồng. Thậm chí, có nhiều ngày Trúc Quỳnh đã phải từ chối bán hàng cho khách vì hết nguyên liệu.

Xe đẩy bán bánh từng hốt 4-5 triệu đồng/ngày bỗng ế ẩm và cách xử lý của bà chủ - Ảnh 2.

Mỗi tháng, Trúc Quỳnh và bạn trai chi 10 - 15 triệu đồng cho chi phí hoạt động của quán

Sau Tết âm năm nay, lượng khách ghé đến quán của Trúc Quỳnh bắt đầu sụt giảm rõ rệt. Doanh thu mỗi ngày chỉ khoảng 1-2 triệu đồng, thậm chí có những ngày chỉ bán được vài trăm ngàn đồng. Bấy giờ, cả hai mới bắt đầu tìm hiểu nguyên nhân của tình trạng bán hàng ế ẩm này.

“Lúc đó chúng mình rất hoang mang. Vì bản thân đã cải thiện chất lượng bánh dựa vào phản hồi của khách hàng nhưng lượng khách ghé quá cứ thưa dần. Chúng mình không biết tại sao quán đột nhiên vắng đến vậy”, Trúc Quỳnh nhớ lại. 

Xử lý ra sao khi quán bỗng ế khách, đối thủ mở 4 cơ sở bán hàng?

Sau một thời gian tìm hiểu, Trúc Quỳnh phát hiện ra nguyên nhân tình trạng ế khách của quán.“Đó là vì có một tiệm bánh hotdog mở đến tận 4 cơ sở trên địa bàn thành phố mình bán. Họ tạo nhiều chương trình giảm giá hấp dẫn như “mua 2 tặng 1” để thu hút khách hàng. Ngoài ra về mặt truyền thông, "đối thủ’ của quán mình còn phủ sóng mạnh trên cả Facebook và TikTok”, cô nàng cho hay.

Khi phát hiện vấn đề của quán, Trúc Quỳnh mới nhận thức rõ tầm quan trọng của việc quảng bá thương hiệu. Dù chỉ là một quán vỉa hè hay cửa hàng to có nhiều cơ sở, bạn cũng nên truyền thông cho thương hiệu trên đa dạng nền tảng mạng xã hội.

Sau đó, Trúc Quỳnh và bạn trai đã mở kênh TikTok riêng để chia sẻ chuyện làm bánh hotdog và khởi nghiệp. Nhờ có nhiều video lên xu hướng, quán của Trúc Quỳnh không chỉ được nhiều người biết đến mà còn hút được tệp khách hàng cố định. Tình trạng ế khách đã dần biến mất.

Ngoài ra, cũng trong giai đoạn bán hàng ế ẩm, quán của Trúc Quỳnh tình cờ được một nhóm reviewer đến chụp ảnh, quảng bá sản phẩm miễn phí. Sau khi đánh giá tích cực của nhóm reviewer được đăng tải lên các nền tảng mạng xã hội, quán lại càng thu hút được nhiều khách hàng hơn.

Trúc Quỳnh cũng chia sẻ thêm, với cửa hàng F&B, chất lượng bánh có ngon hay không vẫn là yếu tố rất quan trọng để giữ khách hàng. Trong nhiều trường hợp, bạn có thể tự làm nguyên liệu để tiết kiệm chi phí sản xuất, đồng thời tạo nét riêng cho quán.

“Về nguồn nguyên liệu, nhìn chung hiện tại chúng mình vẫn đang mua lẻ. Chỉ riêng trứng muối là mình tự làm. Bởi giá thành trứng muối khá đắt. 

Thời gian trước, mình vẫn mua trứng muối bên ngoài, mình bán bánh chỉ từ 8-12k đồng. Chúng mình phân vân rất lâu có nên tăng giá bán bánh hay không. Vì nếu tăng giá bán, mình sẽ mất đi một lượng khách hàng. Còn nếu giá bán giữ nguyên, mình thu được tiền lời ít vì trứng muối đắt.

Cuối cùng, chúng mình quyết định tự học cách làm trứng muối. Tuy hơi mất công thời gian đầu, nhưng mình có thể bớt được chi phí sản xuất bánh, mà còn tạo hương vị riêng cho quán”, Trúc Quỳnh cho hay.

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm