Xem xét đưa Luật Bản dạng giới vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

PV
10/04/2023 - 12:17
Xem xét đưa Luật Bản dạng giới vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu Khai mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Phát biểu khai mạc phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, sáng 10/4, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh: Công tác lập pháp của kỳ họp tới rất nặng nề, cần tập trung thảo luận kỹ lưỡng, trọng tậm, trọng điểm các nội dung liên quan với tinh thần công tác lập pháp và công tác giám sát vì kiến tạo, phát triển.

Theo chương trình công tác, trong tháng 4/2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ có 2 phiên họp; bao gồm: Phiên họp thường kỳ tháng 4, phiên họp thứ 22 để tập trung cho ý kiến về một số nội dung chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV. Phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Riêng phiên họp thứ 22 dự kiến được tổ chức trong 2 ngày; trong đó Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các nội dung dự kiến trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5. Theo đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 và điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023.

Xem xét đưa Luật Bản dạng giới vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh - Ảnh 1.

Các đại biểu tham dự phiên họp thứ 22 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Tại phiên họp này, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: có một dự án luật theo theo sáng kiến lập pháp của đại biểu Quốc hội là dự án Luật Bản dạng giới do đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí, Đoàn đại biểu Quốc hội Hà Nội đề xuất. Chủ tịch Quốc hội cũng lưu ý đối với những dự án luật đã được Quốc hội khóa trước cho ý kiến nhưng chưa đưa vào chương trình, lần này tiếp tục cho ý kiến xem xét có đưa vào chương trình xây dựng luật và pháp lệnh hay không?

Vừa qua, đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đã lập Hồ sơ đề nghị xây dựng dự án Luật Bản dạng giới với nội dung quy định cụ thể về quyền chuyển đổi giới tính.

Theo đại biểu Nguyễn Anh Trí, các nghiên cứu cho thấy LGBT là cộng đồng người chiếm tỷ lệ từ 3 đến 7% dân số thế giới. Trong đó tỷ lệ người chuyển giới (đã phẫu thuật hay sử dụng hoóc-môn) chiếm từ 0,3% đến 0,5% dân số.

Hiện đã có, 72 quốc gia đã thừa nhận quyền thay đổi giới tính hợp pháp.

Liên quan đến công tác giám sát, tại phiên họp, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Đoàn giám sát tối cao của Quốc hội về chuyên đề "Việc huy động quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19 và việc thực hiện chính sách pháp về y tế cơ sở và y tế dự phòng". Chủ tịch Quốc hội nêu rõ đây là chủ đề rất quan trọng đã được Quốc hội quyết định là 1 trong 2 chuyên đề giám sát tối cao sẽ báo cáo với Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 tới.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến để trình với Quốc hội lựa chọn quyết định các chuyên đề giám sát tối cao của Quốc hội trong năm 2024.

Đối với kỳ họp thứ 5, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh đây là kỳ họp hết sức quan trọng, là kỳ họp giữa nhiệm kỳ của Quốc hội với nhiệm vụ lập pháp nặng nề. Theo đó, tại Kỳ họp tứ 5, Quốc hội dự kiến xem xét thông qua 7 dự án luật và 4 nghị quyết có tính quy phạm pháp luật và 01 nghị quyết chung của kỳ họp. Đối với những dự án trình Quốc hội thông qua đã có 6 dự án luật được Quốc hội đã cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 4.

Xem xét đưa Luật Bản dạng giới vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh - Ảnh 3.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Hà Nội, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tờ trình xây dựng Luật Bản dạng giới, đây là một sáng kiến lập pháp của cá nhân (ảnh quochoi.vn)

Ngoài ra, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với 9 dự án luật khác. Trong đó có dự án Luật Đất đai (sửa đổi) là sẽ được thảo luận lần thứ 2 sau khi chúng ta tiếp thu hoàn thiện theo ý kiến của đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 và qua tổ chức lấy ý kiến rộng rãi của Nhân dân, ý kiến của cử tri. Đối với nội dung này quan trọng nhất là vấn đề tiến độ chuẩn bị và gửi hồ sơ, Chủ tịch Quốc hội nêu rõ.

Như vậy, tổng số dự án Quốc hội sẽ xem xét là 20, gấp đôi so với những kỳ họp bình thường. Đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thảo luận kĩ lưỡng các nội dung, công tác phối hợp chuẩn bị các nội dung, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh những việc không đảm bảo được chất lượng, không đảm bảo được quy trình vẫn phải bỏ lại.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ xem xét cho ý kiến quyết định một số nội dung thuộc thẩm quyền theo quy định của pháp luật…

"Về chuyển đổi giới tính, Bộ luật Dân sự 2015 mới chỉ dừng lại ở việc xác định nguyên tắc "việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật" (Điều 37) nhưng đến nay, chưa có quy định hướng dẫn cụ thể để: Cá nhân có thể chính thức hiện thực hóa quyền này trên thực tế; cơ quan có thẩm quyền xác định quy trình, thủ tục công nhận và tiến hành chuyển đổi giới tính; thủ tục, thẩm quyền thực hiện thủ tục và thay đổi giấy tờ, hộ tịch liên quan đối với người chuyển giới".

Đại biểu Nguyễn Anh Trí, Đoàn ĐBQH Hà Nội

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm