Hàng trăm nghìn người Việt đang chờ Luật chuyển đổi giới tính

26/09/2018 - 16:46
Ước tính hiện nay Việt Nam có khoảng 300.000 - 500.000 người chuyển giới. Tuy nhiên, các rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý đang đặt họ trở thành nhóm bị hạn chế nhiều quyền và dễ bị tổn thương. 45% người chuyển giới nữ cho biết họ bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới và có tới 13% phải kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Đó là những thông tin vừa được chia sẻ tại Hội thảo về “Luật chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới" diễn ra sáng 26/9 tại Hà Nội.

Trước đó, Bộ luật Dân sự năm 2015 (có hiệu lực thi hành từ 1/1/2017) đã công nhận việc chuyển đổi giới tính. Điều này đáp ứng nhu cầu, mong muốn của khoảng 0,3%-0,5% dân số cả nước (tương đương với khoảng từ 290.000 - 480.000 người chuyển giới).

tam-thao.jpg
Đoàn lô tô Hương Nam với các nghệ sĩ chuyển giới trong một đêm diễn. Ảnh minh họa: Mễ Thuận

 

Theo đó, điều 37 của Bộ luật Dân sự 2015 quy định: "Việc chuyển đổi giới tính được thực hiện theo quy định của luật. Cá nhân đã chuyển đổi giới tính có quyền, nghĩa vụ đăng ký thay đổi hộ tịch theo quy định của pháp luật về hộ tịch; có quyền nhân thân phù hợp với giới tính đã được chuyển đổi theo quy định của Bộ luật này và luật khác có liên quan".

6.jpg
Hội thảo “Luật chuyển đổi giới tính vì người chuyển giới" do Trung tâm Hỗ trợ Sáng kiến phát triển Cộng đồng (SCDI) tổ chức

 

Tại hội thảo, ThS Đinh Thị Thu Thủy, chuyên viên Vụ Pháp chế - Bộ Y tế, cho biết về những thách thức của người chuyển giới hiện đang gặp phải: "Bị kỳ thị và phân biệt đối xử trong gia đình nhà trường, cơ sở y tế và cộng đồng. Họ phải đối phó với kỳ thị, phải che giấu, bị phớt lờ, suy nghĩ tiêu cực…; khó khăn trong tình yêu và hôn nhân; khó khăn trong cơ hội việc làm; khó khăn trong các vấn đề liên quan đến pháp lý như không được đổi tên và xác định lại giới tính, không được sống như một người bình thường khi tham gia phương tiện giao thông, dịch vụ công cộng…; rủi ro về sức khỏe (thiếu thông tin về sử dụng hormone và các vấn đề sức khỏe; sức khỏe tâm thần, nguy cơ lây nhiễm các bệnh lây truyền qua đường tình dục; đau đớn do phẫu thuật chuyển giới và nguy cơ giảm tuổi thọ đến 20 năm”.

 

2.jpg
Chia sẻ tại Hội thảo, bạn Mai Châu là người chuyển giới nữ (thứ 2 từ trái qua) cho biết: "Vừa tháng trước, em biết có một bạn trong cộng đồng đã bị chết vì sốc thuốc khi tự tiêm hormone"

Trước đó, trong nghiên cứu về người chuyển giới nữ sinh sống tại TPHCM (2015) cho thấy, có tới 45% người được hỏi cho biết họ bị từ chối việc làm do phân biệt đối xử dựa trên bản dạng giới. Chỉ có 4% những người tham gia khảo sát có việc làm ở khu vực chính (có hợp đồng lao động và được hưởng các chế độ, lợi ích của người lao động) và có tới 13% kiếm sống bằng nghề mại dâm.

Tình trạng bị lạm dụng tình dục và bạo lực trong cộng đồng chuyển giới cũng ở mức báo động. 23% cho biết đã buộc phải quan hệ tình dục, và 16% đề cập rằng đã bị bạo lực tình dục. Ngoài ra, 83% người được hỏi chia sẻ là bị chế giễu bởi vì họ là người chuyển giới.

Hầu hết người chuyển giới tự điều trị nội tiết tố (hormone) ở “chợ đen”. Chỉ một số rất ít người chuyển giới có điều kiện kinh tế mới có thể ra nước ngoài hoặc tìm đến các cơ sở y tế “chui” trong nước để thực hiện phẫu thuật chuyển đổi giới tính… Nhiều người đã chết hoặc gặp phải các vấn đề sức khỏe do tự điều trị nội tiết tố hay tự tiêm silicone…

 “Dự thảo Luật còn nhiều điểm chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới"

Chia sẻ về Dự thảo Luật Chuyển đổi giới tính, ThS Đinh Thị Thu Thủy cho biết pháp luật  Việt Nam chỉ công nhận 2 giới tính là nam và nữ, không công nhận giới tính thứ 3. Luật Hôn nhân và Gia đình không thừa nhận hôn nhân giữa những ngƣời cùng giới tính (Khoản 2, Điều 8). Luật hộ tịch, Luật nghĩa vụ quân sự, Luật Thi hành Tạm giữ, tạm giam, Luật thi hành án hình sự… chưa có quy định đối với người chuyển đổi giới tính.

Người muốn được chuyển giới phải đáp ứng đủ những điều kiện như: Có giới tính sinh học hoàn thiện (là giới tính của một người được xác định là nam hay nữ dựa trên sự hoàn chỉnh về cả bộ phận sinh dục và nhiễm sắc thể); được kiểm tra tâm lý theo bảng chuẩn, có xác nhận của chuyên gia tâm lý và bác sĩ tâm thần về mong muốn có giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện và có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; từ đủ 18 tuổi trở lên; là người độc thân...

Hiện cả nước có 3 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đã đựợc Bộ Y tế cho phép thực hiện xác định lại giới tính, bao gồm: BV Nhi Trung ương, BV Việt Đức (Hà Nội) và BV Nhi đồng 2 TPHCM. Trong quá trình thực hiện xác định lại giới tính, các bệnh viện này đã thực hiện điều trị nội tiết và phẫu thuật ngực từ nam sang nữ, từ nữ sang nam, phẫu thuật bộ phận sinh dục: Cắt bỏ hoặc tạo bộ phận sinh dục… Về kỹ thuật: Nhiều cơ sở khám chữa bệnh trong nước đã đủ điều kiện thực hiện...

Tuy nhiên, Dự thảo cũng có những điểm quan trọng chưa nhận được sự đồng thuận của cộng đồng người chuyển giới. Cụ thể tại điểm 5 Điều 2 dự thảo quy định: Can thiệp y học để chuyển đổi giới tính là một hoặc toàn bộ quá trình từ điều trị nội tiết tố sinh dục đến phẫu thuật ngực, phẫu thuật bộ phận sinh dục để thay đổi giới tính khác với giới tính sinh học hoàn thiện”. Như vậy, theo điểm này trong dự thảo, các cá nhân muốn được thừa nhận là người chuyển đổi giới tính bắt buộc phải điều trị nội tiết tố sinh dục và phẫu thuật ngực hoặc bộ phận sinh dục. 

 

7.jpg
Nhiều ý kiến của "người trong cuộc" tại Hội thảo cho biết người chuyển giới đang gặp nhiều rào cản về mặt xã hội, văn hóa và pháp lý

Trong khi đó, cộng đồng người chuyển giới không phải ai cũng có nhu cầu chuyển đổi giới tính thông qua can thiệp y học vì các lý do khác nhau như chí phí rất cao, tỷ lệ thành công ở mức thấp hơn từ nam sang nữ. Mặt khác, phẫu thuật chuyển giới hoàn toàn đồng nghĩa với việc phải hy sinh đi nhiều năm tháng tuổi thọ nên nhiều người không muốn làm vì rủi ro quá lớn. 

Quy định như khoản 5, Điều 2 của dự thảo sẽ dẫn đến rất nhiều người chuyển giới ở Việt Nam có nguy cơ không được hưởng lợi từ dự thảo Luật này vì một số điều kiện như  về kinh tế, họ không có đủ tiền để chi trả; về sức khỏe một số người không đáp ứng với hormone, bị shock khi tiêm hormone dẫn tới tử vong, hoặc điều kiện sức khỏe không thể sử dụng hormone hay phẫu thuật. 

Hoặc như trong quy định về đối tượng chuyển giới phải là người độc thân cũng đang gây ra nhiều băn khoăn. Theo dự thảo, người chuyển giới phải ở trong 3 trường hợp: Một là chưa lấy vợ lấy chồng, hai là lấy vợ lấy chồng nhưng đã ly dị, ba là lấy vợ lấy chồng không ly dị nhưng chồng/vợ chết. Sở dĩ quy định như vậy vì liên quan đến quy định của Luật Hôn nhân & Gia đình chỉ cho phép kết hôn giữa nam với nữ chứ không thừa nhận kết hôn đồng giới nam với nam, nữ với nữ. Vì vậy, một cặp vợ chồng đang trong thời gian hôn nhân hạnh phúc mà một trong 2 người muốn chuyển giới thì họ sẽ buộc phải ly hôn?

ThS Đinh Thị Thu Thủy: "Để có được ngoại hình mong muốn, người chuyển giới buộc phải sử dụng các loại hormone trôi nổi ngoài thị trường, thậm chí áp dụng các biện pháp truyền miệng. Điều đó khiến nhiều người chuyển giới phải trả giá bằng tính mạng vì những biến chứng phát sinh trong quá trình sử dụng hormone, tiêm silicone. Vì thế, việc sớm ban hành Luật chuyển đổi giới tính là rất cần thiết".

Theo lộ trình xây dựng và ban hành của Luật chuyển đối giới tính, dự thảo dự kiến được trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp tháng 5/2018, song có nhiều lý do, đến nay Luật này vẫn chưa được trình Quốc hội (dự kiến phải đợi đến năm 2019 hoặc 2020). Điều đó đồng nghĩa với việc hàng trăm ngàn người chuyển giới Việt Nam vẫn tiếp tục phải chờ đợi...

Ý kiến của bạn
(*) Nội dung bắt buộc cần có
0 bình luận
Xem thêm bình luận

Nhập thông tin của bạn

Đọc thêm